Chuyến công du Châu Á đầy sóng gió của Ngoại trưởng Mỹ

ANTĐ - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có chuyến công du thứ 5 đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất từ ngày 13 đến ngày 18-2.

"Trong chuyến thăm đến Seoul, Bắc Kinh, Jakarta và Abu Dhabi, ông Kerry sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo chính phủ các nước. Đồng thời, ông sẽ thảo luận một loạt các vấn đề song phương và cách thức nhằm mở rộng hợp tác về các vấn đề khu vực và toàn cầu” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki cho biết trong tuyên bố.

Tại Bắc Kinh và Seoul, các cuộc thảo luận của Kerry sẽ tập trung vào “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) và các quy tắc nhận biết phương tiện bay trong ADIZ, mà Trung Quốc đơn phương thiết lập tháng 11 năm ngoái, bao phủ một vùng biển đảo mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Trong chuyến thăm, ông Kerry cũng sẽ “tái khẳng định thông điệp rằng Mỹ cam kết theo đuổi một mối quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện, và chào đón sự vươn lên của một Trung Quốc hòa bình, thịnh vượng, một Trung Quốc có thể đóng vai trò tích cực trong các vấn đề thế giới".

Ông cũng sẽ thảo luận về vấn đề Triều Tiên và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ- Trung Quốc về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch. Tại điểm dừng chân Seoul, ông Kerry sẽ thảo luận về Triều Tiên và cách mở rộng mối quan hệ hợp tác Mỹ- Hàn Quốc về các vấn đề trong khu vực và toàn cầu.

Tại Jakarta, ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban hỗn hợp trong khuôn khổ hợp tác toàn diện Mỹ- Indonesia và ông cũng có cuộc gặp với tổng thư ký của Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Trong chuyến thăm Abu Dhabi, ông sẽ thảo luận các vấn đề quan tâm trong mối quan hệ giữa Mỹ - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Với cương vị là Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry bị chỉ trích vì đã dành nhiều thời gian cho nỗ lực hòa bình ở Trung Đông thay vì tái cân bằng trọng tâm quân sự và kinh tế đối với châu Á nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Sau chuyến thăm của ông Kerry, Tổng thống Obama sẽ thực hiện chuyến thăm theo kế hoạch vào tháng 4, nhằm thúc đẩy chiến lược “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương được công bố năm 2011.