Hồi sinh từ những tấm lòng (2)

Chuyện cổ tích ở ngôi làng ven sông Đáy

ANTĐ - “Đấy, bây giờ nó nhớn bằng chừng này rồi đấy. Lẽ ra con bé đã nằm trong nhà xác bệnh viện Bạch Mai rồi. May mà có các chú, không thì bây giờ các cháu tôi cũng tứ tán chẳng biết thế nào” - ông Nguyễn Tất Việt cười móm mém, bắt đầu câu chuyện với chúng tôi từ những dòng hồi tưởng. Trong trí nhớ của ông Việt, 17-9-2008 là ngày mà cháu gái ông chính thức tái sinh.

Bé Thơ ngày ấy...

Hơi thở cuối cùng

Không ngoa khi nói rằng, lúc chúng tôi vào khoa C6, thời gian sống của cô bé này chỉ còn tính bằng ngày. Đúng rằm Trung thu năm 2008, chúng tôi nhận được lời khẩn cầu giúp đỡ từ Tiến sỹ Đinh Thị Thu Hương - Phó viện trưởng Viện tim mạch - bệnh viện Bạch Mai về một trường hợp cháu bé mắc bệnh tim bẩm sinh rất nặng cần phẫu thuật khẩn cấp. Bệnh nhân mắc bệnh nặng và khó khăn thì nhiều. Nhưng với chị Hương thì đây là trường hợp vô cùng đặc biệt.

Khi tôi vào viện, cô bé Nguyễn Thị Thơ nằm thu lu như một con mèo hen ở góc cuối giường bệnh. Mặt em bợt bạt, môi thâm tím, chân tay co quắp trong bộ quần áo bệnh nhân rộng thùng thình, nếu không cử động không ai nghĩ đó là một con người còn sống. Thơ đang học lớp 8C trường THCS Sơn Công, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) thì phải bỏ dở để nhập viện. Oái ăm ở chỗ, người duy nhất lăn lóc cùng bé suốt mấy tháng trời tại đây chỉ là một cậu anh trai mới ngoài 20 tuổi. Gia cảnh của cô bé thì nghe xong đến cả người sắt đá nhất cũng phải ngậm ngùi. Bố chết được 4 năm thì mẹ bỗng phát bệnh điên rồi đi mất tích, bỏ lại 3 anh em lốc nhốc trứng gà trứng vịt. Thơ bị bệnh tim bẩm sinh, nhưng vì quá nghèo và cũng vì không có tiền đi khám nên suốt một quãng thời gian dài, cô bé phải tự mình vật lộn với các cơn đau như “bị ai cầm dao rạch bụng”. Còn lại 3 anh em nên hàng ngày, cậu anh cả Nguyễn Gia Tự phải lăn lộn kiếm tiền nuôi em. Cho tới ngày Thơ bị căn bệnh quật ngã, Tự đưa em đi viện mà trong túi chỉ còn duy nhất 100 nghìn đồng.

Căn bệnh tim bẩm sinh khiến Thơ bị tắc toàn bộ mạch máu vùng bụng và dẫn tới nhiễm trùng. Nếu không được phẫu thuật, cô bé có thể tử vong bất cứ lúc nào. Bài toán 50 triệu đồng cho ca phẫu thuật đối với Tự giống như một bức tường bê tông quá lớn mà ngay cả trong giấc mơ, Tự cũng không bao giờ nghĩ sẽ vượt qua được.

và bây giờ

Những vần thơ trọn vẹn

Tôi vẫn còn nhớ bàn tay run rẩy của ông Việt sáng hôm ấy khi nhận số tiền 10 triệu đồng. Đây là khoản hỗ trợ khẩn cấp ban đầu mà Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô Đào Lê Bình đích thân giao cho tôi mang vào bệnh viện để Thơ có thể điều trị ngay lập tức chứng nhiễm trùng máu và ngăn chặn tai biến hoặc áp xe não. Ông Việt khóc không ra hơi. Những câu cảm ơn của ông lúc đó cũng chỉ khào khào như tiếng gió. Năm đó ông đã 73 tuổi, là người chú ruột duy nhất của bé Thơ mà phải nhìn cháu chết dần trước mắt, ông Việt đứt từng khúc ruột. Còn Tự thì cứ đờ người ra khi tôi hứa sẽ viết một bài báo để kêu gọi bạn đọc ủng hộ tiền giúp em nó thực hiện ca mổ. Có lẽ lúc ấy Tự cũng mơ hồ lắm. Nó không thể hiểu được tại sao viết báo thì em nó lại có tiền để mổ. Nhưng khi nghe tôi nói, nó cũng hấp tấp ra bắt xe khách về quê ngay để lấy nốt những thứ giấy tờ hoàn thiện hồ sơ bệnh viện cho em mình.

Sau khỉ điều trị dứt điểm căn bệnh tắc mạch máu vùng bụng, Thơ được chuyển sang Viện Tim Hà Nội để hồi phục sức khỏe chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Đúng 10 ngày sau kể từ lúc bài báo “Không thể cầm lòng” tới tay bạn đọc, số tiền hơn 50 triệu đồng từ quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” do bạn đọc Báo An ninh Thủ đô quyên góp đã tới tay cô bé. Và ngày 29-9-2008, Thơ chính thức lên bàn mổ, người cầm dao mổ chính cho ca phẫu thuật đặc biệt này chính là thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ Nguyễn Văn Mão - Giám đốc Viện Tim Hà Nội. May mắn thay, lúc đó tôi là phóng viên duy nhất được cầm máy vào phòng mổ từ lúc bắt đầu tới khi kết thúc. Ca mổ thành công mỹ mãn và Thơ xuất viện sau đó 1 tháng.

Giờ đây, sau hơn 4 năm, tôi không còn nhận ra “con mèo hen” của mình ngày nào nữa. Trước mặt tôi là một thiếu nữ trắng trẻo, hồng hào và xinh xắn. Thơ bảo tôi: “Chú đừng gọi cháu là con bé nữa. Cháu học lớp 12 rồi, sang năm là cháu thi đại học đấy”. Nghe tin có “chú nhà báo” An ninh Thủ đô về thăm, ông Việt hấp tấp chạy sang. Giống hệt 4 năm trước khi lẩy bẩy nhận những món tiền ủng hộ chúng tôi chuyển đến, ông cũng run bắn lên khi tôi chìa tay ra bắt. Ông bảo: “Ngày ấy, tôi cứ lo cuống cuồng cho cháu, chẳng kịp nói lời tri ân với tòa soạn và các nhà hảo tâm đã góp tiền cho cháu tôi, về rồi nghĩ lại mới thấy mình thất thố. Chính tòa soạn và những nhà hảo tâm ấy đã là người sinh ra cháu tôi lần thứ 2”. 

Viết tiếp giấc mơ

Căn nhà không cửa, nền đất vách tre của anh em Thơ từ ngày ấy bây giờ cũng không còn mà thay vào đó là căn nhà lợp ngói cấp 4. Tự bảo: “Số tiền mà Báo An ninh Thủ đô cho ngày trước cộng với các cô bác đến bệnh viện ủng hộ, lúc ra về cháu còn lại được gần 100 triệu đồng. Số tiền ấy cháu rút ra 30 triệu đồng mua vật liệu sửa lại cái nhà, xây thêm một căn phòng cho cái Thơ làm chỗ học bài. Công thợ thì nhờ các anh nhà chú Việt mỗi người giúp một tay nên cũng đỡ được một khoản kha khá. Còn lại cháu vẫn gửi tiết kiệm cho cái Thơ đi học hàng tháng. Tới đây, nếu em cháu thì đỗ đại học thì cháu sẽ dùng để nuôi nốt trong 4 năm đại học. Chắc dè sẻn thì cũng đủ chú nhỉ?”. Rồi nó lo lắng hệt như một ông cụ non: “Cái Thơ nhà cháu nhìn thế thôi chứ bệnh tim thì không làm được việc nặng. Nó thích học Đại học Luật, nhưng không biết thi cử sẽ thế nào. Cháu chỉ mong sao nó học hành đến nơi đến chốn chứ đừng vì nghèo khó mà phải thất học như cháu”.

Tự bây giờ đã lấy vợ - một cô gái thôn bên. Cậu bé đen đúa, ngây ngô và mặt cứ tái dại, bối rối mỗi khi em gái ôm bụng quằn quại ngày nào tôi gặp ở khoa C6 Viện tim mạch bây giờ đã là bố của 2 đứa trẻ. “Cháu nuôi 1 đàn lợn nái, 2 đàn lợn con cộng với nghề nhôm kính mở tại nhà, thu nhập hàng tháng cũng đủ chi tiêu tùng tiệm. Cháu vẫn giữ bài báo mà tờ An ninh Thủ đô ngày nào đã viết về anh em cháu. Cứ mỗi khi thấy cái Thơ đạp xe đi học về là cháu lại nhớ tới cảnh cách đây hơn 4 năm, mỗi khi đi lại, em cháu phải chống hai tay bò lê dưới đất. Mọi thứ cứ như trong chuyện cổ tích ấy chú ạ!”, Tự cười hồn nhiên…

(Còn nữa)