Chuyện chưa vui khi đi lễ đầu xuân

ANTĐ - Cứ vào dịp đầu xuân, người dân lại nô nức đến các đền, chùa cầu chúc một năm mới nhiều may mắn. Lễ chùa đầu năm từ lâu đã là một nét văn hóa đẹp trong phong tục của người Việt. Bởi vậy, đến những nơi linh thiêng, thờ tự, người ta trông đợi những hành động cư xử có văn hóa…

Tiền lẻ giắt vào lư hương

Đường vắng, chùa đông

Tại phủ Tây Hồ, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong Tứ bất tử trong tín ngưỡng của dân tộc được người Việt sùng bái, ngay từ sớm mùng 1 Tết đã có cả một biển người đổ về đây cầu xin tài lộc. Nhích từng bước trong biển người, ai cũng cố chen cho được vào tận các gian thờ để đặt lễ. Giữa dòng người đang tiến vào phủ, ít ai chịu dừng lại để đọc bảng thông tin về di tích lịch sử này, chỉ nhanh chóng đặt lễ rồi khấn lấy khấn để. Có người phải nhờ đặt lễ, rồi khấn vọng từ xa, người nọ khấn sau lưng người kia. Không vào được bên trong, nhiều người chọn cách gài tiền lẻ vào bất cứ nơi nào có thể, từ cây cổ thụ cho đến các miếu bên ngoài, thậm chí ném tiền xuống hồ. Mặc dù đã có người thu gom tiền đặt sai quy định, nhưng không xuể vì mỗi lúc lượng người đổ về đây càng nhiều. Chị Trịnh Minh Hà (trú tại Võng Thị, Tây Hồ) đang lúi húi đặt lễ cho biết, chị vẫn để dành một lượng tiền mới từ những năm trước để đi lễ, mặc dù năm nay Ngân hàng Nhà nước đã ngừng phát hành tiền mệnh giá nhỏ. 

Không chỉ riêng phủ Tây Hồ, tại nhiều điểm tâm linh tại Hà Nội như chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá… do Ban Quản lý chủ động có những biện pháp nhắc nhở, thu gom, hoặc đặt thêm hòm công đức, hiện tượng rải tiền lẻ bừa bãi đã có chiều hướng giảm. Thế nhưng nhìn chung, ý thức người đi lễ vẫn chưa cao. Ngay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dù không phải là nơi thờ tự, nhưng trên tủ kính đặt rùa vàng, hay mặt trống đồng… người ta vẫn thấy những tờ tiền vương vãi. Đi lễ ai cũng muốn đặt một ít tiền gọi là  “giọt dầu” để tỏ lòng thành kính, nhưng khi đặt tiền một cách vô ý thức cũng đồng nghĩa với việc thiếu tôn trọng đối với đồng tiền đó, cũng như với chính nơi linh thiêng và tôn nghiêm. 

... và cả chậu cây

Chỉ lo “chặt chém”

Chùa Phúc Khánh - trên biển báo phải đến mùng 8 Âm lịch nhà chùa mới làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm nên mùng 5 Tết, lượng người đi lễ cũng không đến nỗi quá tải. Tuy nhiên, giá gửi xe ở những khu vực lân cận chùa không vì thế mà hạ, có nơi lên tới 50.000 đồng/xe máy. Ở những nơi tập trung nhiều người dân đến thắp hương, làm lễ, nhiều người phải “cắn răng” chịu giá gửi xe đắt đỏ. Ngậm ngùi dắt xe đi gửi, tôi bỗng nhớ ra câu chuyện gửi xe vài ngày trước đi lễ ở đền Quán Thánh. Khác với mọi năm, tại đây có một điểm trông xe đúng quy định của Quận đoàn Ba Đình với giá 3.000 đồng/xe máy. Anh Nguyễn Ngọc Tân - Bí thư Quận đoàn Ba Đình cho biết, điểm trông xe này đã đi vào hoạt động từ chiều 30 Tết và sẽ phục vụ đến hết 15 Tết Âm lịch. Mỗi ca trực có khoảng 5-6 đoàn viên soát vé, dắt xe cho khách tham quan, từ 7h sáng cho đến 21h. Toàn bộ tiền vé sẽ được sử dụng cho công tác từ thiện cho các phường trên địa bàn quận. Theo quan sát, nhiều khách tham quan dù biết giá gửi xe chỉ có 3.000 đồng, nhưng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để bỏ vào hòm quyên góp. Nhìn điểm trông xe nườm nượp khách, ai cũng ra vào với tâm trạng thoải mái, dễ chịu, chỉ mong sẽ có nhiều điểm trông xe như thế để người dân tránh được những sự bức xúc không đáng có khi đi lễ đầu xuân.