Chuyện chưa từng kể về những người “cứu hộ” chuyến xe định mệnh

ANTĐ - Nếu để nói về họ - nhóm Phong Vân với 16 con người, tuổi đời tất cả còn rất trẻ, đều đang sống và làm việc tại Hà Nội - thì chắc chắn rằng ở thời điểm vụ tai nạn xe khách kinh hoàng xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai họ là những người hùng thật sự, là tấm gương sáng về lòng quả cảm, vượt qua nỗi sợ hãi, bất chấp hiểm nguy nơi vực sâu hun hút để cứu những người xa lạ bị gặp nạn. Bởi họ chính là những người “cứu hộ” đầu tiên; và cũng nhờ có họ, số người thương vong được giảm đi một phần, những ca chấn thương nặng nhanh chóng được cấp cứu kịp thời, nếu không bóng đen bi thương và hậu quả có thể còn thảm khốc hơn nữa!... 
Chuyện chưa từng kể về những người  “cứu hộ” chuyến xe định mệnh ảnh 1

Họ đã ở lại bằng lòng nhân ái

Giờ đây, khi mọi chuyện đã lắng lại, mỗi người trở về với cuộc sống thường nhật của mình chúng tôi mới tìm gặp Phạm Lê Tiến (SN 1985), Trưởng đoàn và cũng chính là Trưởng nhóm phượt Phong Vân để cùng anh hồi tưởng lại chuyến đi với những ký ức không thể nào quên với những người bạn của mình. Tiến kể lại: “Khi nhìn thấy vụ tai nạn thực ra trong đoàn ai cũng rất sợ hãi, không chỉ riêng mỗi tôi. Nhưng với suy nghĩ là nếu không may mình có gặp hoạn nạn cũng sẽ cần có người giúp đỡ nên chúng tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi để xuống cứu các nạn nhân”… 

Gần 19h ngày 1-9, đất trời vùng núi Sa Pa chìm vào khoảng không tối mịt. 18 thành viên của nhóm phượt Phong Vân vẫn đang lầm lũi điều khiển những chiếc xe máy bám đuôi nhau vượt núi leo đèo qua dốc Tòng Sành trên quốc lộ 4D về thành phố Lào Cai bỗng giật mình vì tiếng động lớn, rồi hãi hùng chứng kiến chiếc xe khách đi trước khoảng 10m văng khỏi trục đường. Cả đoàn còn chưa kịp định thần thì cả khối thép lừng lững bên trong chứa hàng chục con người đã lao xuống vực sâu hàng chục mét phía dưới. Mặc dù rất sợ hãi, có những bạn trong đoàn chứng kiến sự việc bi thương trên đã không kìm được nước mắt nhưng 16 bạn trẻ không ai bỏ cuộc. Thế là trong đếm tối họ đã kết thành những vòng tay yêu thương, lần mò bám nhau xuống vực sâu đi theo những tiếng kêu yếu ớt… “Chúng tôi đi phượt, đặc biệt là đi leo núi cũng nhiều nên việc tụt xuống các vách núi đá các bạn cả nam lẫn nữ đều tự làm được. Thực sự lúc đấy thì mọi người đều tản ra mỗi người một góc để cố tìm người bị thương, sơ cứu cho họ; chỗ xảy ra vụ tai nạn có địa hình khá dốc, có nhiều tảng đá lớn, trời lại vừa mưa xong nên việc tụt xuống rất khó; bạn nào xuống cùng thì tôi cố gắng chỉ dẫn đi lối nào cho dễ, bám vào đâu cho khỏi ngã; còn những bạn khác đều cố gắng bám vào cây cỏ ven đường, đặt tường bước chân vào các vị trí chắc chắn để tìm đường xuống. Lúc xuống thì nạn nhân đầu tiên tôi tiếp cận là một người nằm ngửa bất tỉnh, lập tức đưa tay ra bắt mạch cho người ta nhưng khi đưa tay gần sát tay họ thì tôi thấy lồng ngực họ thoi thóp thở. Tôi có hỏi những không thấy nạn nhân đáp lại, biết họ bị nặng nên tôi chỉ đặt nạn nhân nằm ở vị trí ổn định nhất sau đó đánh dấu và tiếp tục đi tìm những người gặp nạn khác”…” - Tiến kể lại. 

Chiến thắng nỗi sợ hãi 

Lê Thị Diệu (SN 1992), sinh viên trường Học viện Ngân một thành viên nữ trong nhóm Phong Vân vẫn chưa thể quên được những gì diễn ra trong buổi tối hôm đó: “Chiếc xe như khối thép khổng lồ lao với tốc độ kinh hoàng chỉ một chút là va chạm với đoàn phượt. Mới chỉ thoáng nghĩ trong đầu không biết lý do gì chiếc xe lao nhanh như vậy thì tôi đã phải chứng kiến một cảnh tượng vô cùng kinh hãi. Đứng trên mặt đường nhìn xuống vực sâu hun hút nước mắt cứ tự nhiên lăn dài trên mắt. Sau phút xúc động, những tiếng kêu cứu yếu ớt vọng từ bên dưới xuống khiến tôi bừng tỉnh. Việc đầu tiên là tôi gọi điện thoại cho số 113 Lào Cai để thông báo về vụ việc và cùng các bạn lần đường xuống phía dưới cứu người”. 

Người đầu tiên mà Diệu gặp chính là người lái xe khách với bộ dạng thất thần đi ra từ sau những mỏm đá lên đường, khi gặp nhóm bạn trẻ và được Diệu là người hỏi thăm đầu tiên anh này mới bình tĩnh điện thoại về hãng thông báo về vụ việc và nói rõ nguyên nhân tai nạn do xe mất phanh trôi tự do. Diệu nhớ lại: “Người đàn ông xưng là lái xe dù nói nhát ngừng trong tâm trạng sợ sệt nhưng cũng giãi bày rằng khi biết xe mất phanh đã có ý định đâm vào núi để giảm thiểu tối đa thiệt hại, nhưng đúng vào khúc cua găp phải một chiếc ôtô con đi ngược chiều nên đã mất kiểm soát. Khi chiếc xe lao xuống vực anh đã chủ động nhảy ra được nên chỉ bị thương nhẹ”.

…Mới lần xuống được khoảng 10m, Bùi Ngọc Đức (SN 1991), sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những người đầu tiên tiếp cận đáy vực; và đập vào mắt Đức là la liệt nạn nhân bê bết máu. Tiếng kêu cứu, gọi tên người thân và cả những thành viên trong đoàn phượt hốt hoảng gọi nhau nhờ hỗ trợ xé toang bóng tối giữa rừng núi. Và Đức đã chạm vào nạn nhân đầu tiên bị băng khỏi xe - đó là một phụ nữ đã tắt thở, thi thể lạnh ngắt nằm sấp trên đất đá ở con dốc. “Lấy hết can đảm từ từ lật nạn nhân lại, tôi lạnh người khi chị ấy không còn thở, mặt đầy máu”, Đức kể. Sau đó Đức cùng các bạn truyền nhau đưa nạn nhân xấu số lên mặt đường. Trong đêm tối với chiếc đèn pin nhỏ và không một công cụ hỗ trợ, các bạn trong nhóm Phong Vân đã nắm lấy tay nhau, liên tục gọi nhau để khỏi bị lạc lối nhằm tiếp cận những tiếng kêu cứu yếu ớt của hàng chục nạn nhân đang cần giúp đỡ.

 Khoảnh khắc đáng nhớ của Đức là khi tiếp cận hiện trường chiếc xe khách sát mép con suối thấy cô nữ sinh ĐH Y Hà Nội tên Vân. Vân bị vỡ xương đùi, chấn thương cột sống sau cú rơi từ hàng chục mét xuống nên không thể đưa ngay lên đường. Trong đêm tối, mặc dù Vân có những kiến thức cơ bản để tự sơ cứu mình nhưng vẫn níu lấy chân Đức trong sợ hãi. Không do dự, Đức đã động viên người bạn mới quen trong hoàn cảnh rất éo le bằng cách nắm chặt tay, tháo chiếc vòng đá cầu may do một sư thầy ở Hà Tĩnh tặng đeo vào cổ tay cô gái. Trước khi tiếp tục lần theo những tiếng kêu cứu ở sát con suối đang dâng nước, Đức còn không quên gọi một số thành viên trong nhóm đến nói chuyện với Vân để nạn nhân không lịm đi vì đau và mất máu nhiều. Riêng trong buổi tối định mệnh đó, một mình Đức đã tự mình tuột xuống nhiều con dốc nguy hiểm, lật mảnh vỡ ôtô và tìm được thêm 2 nạn nhân khác trong đó 1 người đã chết. Đức cùng các thành viên đã bàn nhau tháo giường trong xe khách làm cáng đưa người bị thương nặng nhất thoát khỏi vực của con dốc…

Những ký ức không phai 

Ban đầu, các thành viên trong đoàn chuyển từng người một nhưng không dễ dàng bởi địa hình vực sâu phức tạp. Sau đó, họ chuyển sang cách xếp thành hàng dài, lần lượt chuyền tay nhau những chiếc “cáng” có nạn nhân để lên đường. “Mọi người phải dùng hết sức lực. Thậm chí đội đầu, đệm vai để giữ các nạn nhân không văng khỏi cáng ở thế dốc ngược”, Ngọc Trang (SN 1992) cho biết. Nguyễn Lê Nguyên (SN 1991), vừa tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội đã mang đồ bảo hộ xuống vực để sơ cứu nạn nhân, phải đi chân đất vì bị hỏng giày. Đạp lên những mảnh kính vỡ, đôi chân Nguyên bị cứa đứt nhiều chỗ. “Tôi đưa được 6 người bị nạn lên khỏi vực. Ám ảnh nhất với tôi là trường hợp nạn nhân tên Hà. Chị ấy bị đa chấn thương, mặt bê bết máu khiến tôi sợ rằng chị sẽ không qua khỏi. Khi đưa được chị lên bờ thì mọi chuyện đã tốt hơn”, Nguyên tâm sự. Còn với Phùng Bá Ngọc (1993), sinh viên trường ĐH Ngoại thương, người cầm lái xe máy và bị xe khách trượt sát bên hông kể rằng khi xuống vực cứu nam thanh niên gần rơi ra ngoài đã rất sợ. “Nghĩ đến việc phải giúp cho họ sống, mọi sợ hãi dần được xua tan”, Ngọc cho biết… 

Công việc cứu người kết thúc khoảng 10h tối, sau khi được một số người dân và những người đi đường dừng lại hỗ trợ. Trước khi xe cứu hộ đến, một chiếc xe khách chạy từ thành phố Sa Pa ngang qua đã tình nguyện chở người bị thương vào bệnh viện. Giữa màn đêm xen lẫn những ánh đèn xe của lực lượng Công an, cấp cứu và nhiều người chứng kiến, 16 bạn trẻ dưới sự chỉ huy của Trường đoàn Phạm Lê Tiến lặng lẽ rời con dốc Tòng Sành. “Thời điểm đó các bạn đã rất mệt và 1 bạn gái trong đoàn bị ngất nên tất cả quyết định lên Sa Pa để đưa bạn đến bệnh viện truyền nước. Đến 12h đêm mọi người mới bắt đầu ăn tối. Một mâm cơm đêm khác thường, không còn tiếng cười, sự rộn ràng như những bữa ăn thông thường của những người trẻ yêu thích sự mạo hiểm, mà họ cùng ngồi sát bên nhau, kể lại cho nhau nghe những khoảnh khắc sinh tử khi tiếp cận cứu người. Chính vì vậy tôi đã quyết định hủy cung đường để tất cả các thành viên quay lại Bệnh viện Lào Cai thăm những người mà họ đã cứu xem tình hình của mọi người ra sao và được cả đoàn đồng lòng”, Tiến cho biết. 

Sống để yêu thương

Kết thúc chuyến “phượt”, hành trang của Vũ Như Thương (SN 1991) mang về có thêm một chiếc cờ lê 24 để vào ba-lô. Chiếc cờ lê này Thương nhặt được ngay khi trượt trên con dốc thẳng đứng lao xuống vực cứu người. Và cũng chính nhờ cái cờ lê này đã giúp Thương bám vào vách để xuống khu vực chiếc xe bị nạn. Xuống đến nơi, chiếc cờ lê đã giúp Thương đào bới trong đống đổ nát tìm kiếm nạn nhân. Cùng với đó là con dao díp, đoạn dây dù đã trở thành công cụ đắc lực giúp Thương cứu người trong đêm tối. 2 bạn gái khác là Trần Thị Sáng (SN 1993), sinh viên Học viện Ngân hàng và Nguyễn Phượng Anh (SN 1993), sinh viên Đại học Ngoại thương chưa thể quên được khoảnh khắc bò như lăn xuống bờ vực chứng kiến những người bị chết và bị thương nằm trên mỏm đá và những bụi cây mà xung quanh là mảnh kính, mảnh xe và la liệt đồ dùng cá nhân. Càng không thể quên hình ảnh người vợ bị gãy tay nằm vật xuống đất còn tay kia vẫn nắm chặt lấy chồng ngồi thở dốc ra vì bị thương ở đầu. Hình ảnh một em bé cứ khóc ròng trong đêm không chịu để các bạn trẻ bế lên vì mải tìm mẹ trong đống đổ nát mà chỉ nhớ mỗi mẹ mặc áo nâu. Hình ảnh một sinh viên Quảng Bình bị văng cặp kính cận ra không nhìn thấy đường nhưng miệng lúc nào cũng gọi tên người yêu…

Cứ như vậy, 16 thành viên cứ liên tục leo lên leo xuống hàng chục lượt cho đến khi chân chuột rút, tay run lên vì mưa lạnh. Trong đêm tối như bưng những bạn trẻ, tay nắm tay, vai kề vai người đi sau không ngần ngại lấy cả thân mình đỡ người đi trước để khiêng các nạn nhân lên khu vực an toàn. Chân tay mọi thành viên đều xước xát nhưng không một ai phàn nàn… Lê Thị Diệu chính là thành viên bị sốt nặng hôm trước, nhưng khi nghe những tiếng kêu của nạn nhân cũng theo chân các thành viên khác xuống vực. Xung quanh Diệu lúc đó có rất nhiều thi thể và cả những người bị thương. Không đủ sức nâng đỡ họ, Diệu ngồi tại chỗ chăm sóc, chờ đồng đội đến hỗ trợ. Khi đa số nạn nhân đã được đưa lên trên, Diệu đã khụy ngã, rồi bất tỉnh với đôi mắt giàn giụa nước. “Chúng ta ở trên đời phải sống bằng tình người với niềm tin căng đầy vào cuộc sống, nếu gặp người hoạn nạn nên chung lòng đồng sức giúp đỡ đồng loại của mình. Tai nạn buồn kể trên cũng vậy, khi sự việc xảy ra tất cả các thành viên đều tự giác xuống vực cứu người xuất phát từ tình người chứ không một ai màng tới chút danh lợi nào cả…”, Trưởng nhóm Phạm Lê Tiến bộc bạch sau những ký ức không thể nào quên. Và chúng tôi tin, còn rất nhiều những điều cao đẹp vẫn đang chờ những người trẻ ở tương lai phía trước bởi các bạn đã biết sống vì mọi người, sống để yêu thương!...