Chuyện chiếc yếm của phụ nữ Việt Nam và chợ yếm phố Hàng Đào xưa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiếc yếm của phụ nữ Việt Nam ngày xưa vừa là đồ lót nhưng cũng chính là chiếc áo để họ có thể mặc trong những ngày hè nóng nực. Yếm độc đáo ở chỗ, phía trước có thể hở hoặc che kín đến tận cổ nhưng phía sau lại hở cả mảng lưng. Dù chỉ là tấm áo nhưng có rất nhiều chuyện xung quanh miếng vải này.

Cái yếm trong tình yêu nam nữ

Không rõ cái yếm ra đời bao giờ nhưng căn cứ vào nghệ thuật chèo có từ thời Đinh, khi Ưu bà Phạm Thị Trân truyền dạy cho các con hát trong triều đã mặc váy áo để hở cái yếm nên có thể nhận định, yếm xuất hiện cách nay hơn 10 thế kỷ.

Mùa hè xứ Bắc nóng bức nên các bà, các cô chỉ mặc độc chiếc yếm, vì thế yếm vừa là áo lót và cũng là áo ngoài. Mùa đông, gió Đông Bắc thổi lạnh cắt da cắt thịt thì cái yếm ở yên bên trong, với nghĩa là chiếc áo lót hiền lành. Thực ra, người Việt ý thức được sự “khoe khoang” hay “hững hờ” của cái yếm trong cuộc sống hàng ngày, nhưng dường như họ vẫn cứ mặc. Yếm đi vào thơ, ca, hò, vè… lúc thì bóng gió, có khi lại nói toạc ra. Trong trích đoạn Thị Mầu lên chùa của vở “Quan Âm Thị Kính” có câu:

Gió xuân tốc dải yếm đào

Chàng trông thấy oản sao không vào thắp hương?

Trong tình cảm, yếm là vật để các chàng trai mang ra trêu chọc, thách thức khi hát đối:

Trời mưa lấy yếm mà che

Có anh đứng gác còn e nỗi gì

Các cô cũng chẳng vừa đáp lại:

Ước gì sông hẹp tày gang

Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi

Yếm cũng tượng trưng cho tình cảm của các cô gái trong chuyện trao gửi tình cảm:

Trầu em têm tối hôm qua

Buộc trong dải yếm mở ra mời chàng

Hay mong ước của chàng trai và cũng có thể là lời của một cô gái gửi cho người mình yêu:

Trời mưa trời gió kìn kìn

Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông

Trong bài “Chân quê” của Nguyễn Bình, chiếc yếm lại trở thành “chuẩn đạo đức” cho các cô gái ở nông thôn:

Còn đâu cái yếm lụa sồi

Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen

Nói ra sợ mất lòng em...

Trải qua thời gian, chiếc yếm có sự thay đổi, tuy nhiên có một thứ không bao giờ thay đổi là 4 chiếc dây, 2 dây buộc cổ và 2 dây buộc ngang thắt lưng. Chỉ cần 2 dây buộc thắt lưng mà lỏng là câu chuyện đã khác, có lẽ vì thế mà có câu:

Đàn ông mặc áo đuôi lươn

Đàn bà mặc áo hở lườn mới xinh

Chiếc áo yếm tôn lên vẻ mộc mạc nhưng không kém phần quyến rũ của người phụ nữ xưa

Chiếc áo yếm tôn lên vẻ mộc mạc nhưng không kém phần quyến rũ của người phụ nữ xưa

Chợ yếm phố Hàng Đào

Thời hậu Lê, đàn bà lao động mặc yếm cổ xây (miếng vải vuông đặt chéo trên ngực người mặc, ở góc trên có khoét hình tròn). Cái yếm của phụ nữ quyền quý có thêm một vài đường dây tết lại với nhau thành hình lưới quả trám. Màu sắc của những chiếc yếm thời kỳ này còn giản đơn, chủ yếu được nhuộm bằng những loại màu có nguồn gốc tự nhiên. Và không chỉ là vật trang điểm yếm của phụ nữ Thăng Long - Hà Nội, nó còn thể hiện nghề nghiệp và đẳng cấp trong xã hội. Con gái quan lại mới được mặc yếm màu đại hồng. Các cô làm nghề ca kỹ thường mặc yếm màu hoa đào, màu được cho là lẳng lơ, không đứng đắn. Phụ nữ giàu có còn cho gắn các viên ngọc lên cổ. Yếm cũng làm nên sự lịch lãm và tinh tế của phụ nữ Kinh kỳ khi mặc áo kiểu áo 5 khuy, các cô chỉ cài 4 khuy dưới và để hở khuy ngực khoe cái yếm cổ xây, ôm lấy cái cổ cao ba ngấn nõn nà. Trong các ghi chép của nhiều người Pháp đến Hà Nội cuối thế kỷ 19, họ đều sửng sốt trước cái yếm. Bác sỹ Hocrquad viết: “Chỉ có một mảnh vải đơn sơ trước ngực nhưng nó làm cho cánh đàn ông phải suy nghĩ, nhất là khi các cô gái thắt chiếc dây ở ngang lưng một cách lỏng lẻo”. Cùng với nón có quai tua, chân đi guốc, yếm xanh, yếm đào là mốt của con gái nhà khá giả cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Thăng Long - Hà Nội còn có hẳn chợ chuyên bán yếm lụa là “Đồng Lạc quyến yếm thị” ở phường Đồng Lạc và phường Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương (nay là đình Đồng Lạc ở 38 phố Hàng Đào). Đình thờ 3 vị trong Tứ trấn Thăng Long là Bạch Mã Thành hoàng Quốc đô, Thánh Linh Lang (thờ chính ở đền Voi Phục Thủ Lệ) và Thánh Cao Sơn trấn phía Nam (thờ chính ở đình Kim Liên). Tại đây có tấm bia đá tạc sau rằm tháng Tám năm Bính Thìn (1856) đời Tự Đức, do cử nhân Phạm Đình Viên người phủ Khoái Châu, Hưng Yên soạn. Mở đầu có đoạn: “Đình chợ bán yếm lụa do hiệu chủ Nguyễn Công Trung và vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết xây dựng đời Lê, quy mô rộng rãi. Nhưng vì chiến tranh, đình bị phá hủy. Về sau, ông Hà Đình Nguyễn Cảnh Thê đứng ra lo việc trùng tu lại...”.

Không chỉ bán yếm, áo tứ thân, năm thân, áo cánh, thắt lưng, khăn vấn, đồ trang sức vàng bạc mà chợ còn bán cả những sản phẩm tuyệt hảo của tơ tằm là lụa, the, lĩnh và vải để đàn bà, con gái Thăng Long rủ nhau đến chọn may yếm. Nếu cái yếm ở các miền quê Bắc bộ may bằng vải thô nhuộm nâu hay bằng đũi thì ở Hà Nội, yếm còn là thứ trang điểm cho người phụ nữ và càng hấp dẫn hơn khi nó được may bằng lụa với hình dạng khác nhau, từ cổ tròn, đến cổ chữ V... Từ màu nâu ở thôn quê, ra đến Hà Nội thì yếm lại là màu trắng, xanh lơ, hoa hiên và hoa đào phơn phớt. Song, khác với phụ nữ ở vùng quê có thể mặc yếm ra đường mà không ai dị nghị thì phụ nữ nhất là phụ nữ chưa chồng ở Hà Nội không bao giờ mặc yếm ra đường mà không có áo ngoài.

Phụ nữ thành thị mặc yếm cho đến đầu thập niên 30 của thế kỷ 20. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp phải lòng người đẹp:

Hôm qua em đi chùa Hương,

Hoa cỏ còn mờ hơi sương

Cùng thầy me em dậy

Em vấn đầu soi gương

Nho nhỏ cái đuôi gà cao

Em đeo cái dải yếm đào

Quần lĩnh áo the mới

Tay em cầm chiếc nón quai thao

Chân em đi đôi guốc cao cao.

Chiếc yếm dường như ít được phụ nữ thành thị mặc hơn vào cuối những năm 1930 khi mà lối sống Pháp, thời trang Pháp ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Đến đầu những năm 1950 thì không còn thấy phụ nữ mặc yếm trừ những người có tuổi. Thay thế chiếc yếm là chiếc áo lót kiểu phương Tây được nhập vào Việt Nam. Bây giờ chiếc yếm xưa lại sống lại. Tuy nhiên nó được cải tiến, không may bằng lụa mà may bằng vải thô mỏng, cổ khoét sâu hơn cốt để khoe bộ ngực. Quần bò và áo yếm một giai đoạn cũng là mốt của nhiều thanh nữ.

Tin đọc nhiều