Chuyện các chiến sĩ nhà giàn nghe chúc Tết qua... loa

ANTĐ - Đời người có biết bao nhiêu chuyến đi nhưng với tôi, chuyến thăm và chúc Tết các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ nhà giàn DK 1, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thật đặc biệt. Đoàn chúng tôi đi trên chiếc tàu số hiệu 621 đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, khác lạ và chất chứa nhiều suy ngẫm!

Chuyện các chiến sĩ nhà giàn nghe chúc Tết qua... loa ảnh 1

Muôn trùng sóng gió

Trước chuyến đi, nhiều đồng nghiệp đã “nắn gân” tôi về chuyện sóng gió, say sóng gây vất vả cho nhiều đoàn công tác. Nhưng cũng như tôi, nhiều người lần đầu tiên ra biển vô cùng hăm hở. Vượt qua hơn một ngày lênh đênh trên sóng biển, DK1-17 là điểm đầu tiên đoàn phóng viên được lên thăm. Dù được gọi là ngày biển lặng, để khách lên được nhà giàn cũng là công đoạn vô cùng vất vả. Khách phải chuyển từ tàu xuống xuồng, rồi từ xuồng, đưa lên nhà giàn.

Công đoạn tưởng chừng đơn giản, nhưng khá phức tạp, nhất là đối với những người chưa từng đi biển, sợ độ cao và sóng. Xuồng được cẩu từ tàu xuống, 3 chiến sĩ trực tàu làm nhiệm vụ đưa khách lên nhà giàn xuống trước, dùng dây níu giữ xuồng với tàu. Dẫu thế xuồng vẫn cứ bị sóng đẩy dềnh lên, chúi xuống, lúc lại văng ra xa. Chiếc thang sắt được bắc từ thành boong tàu xuống mặt nước biển để đưa từng người từ tàu xuống xuồng. Sau khi bước xuống phải được 2 chiến sĩ có sức khỏe và kinh nghiệm đỡ dưới xuồng mới bảo đảm an toàn. 

Lúc lên nhà giàn cũng vậy. Xuồng được níu bằng dây với cột thang. Kinh nghiệm là khi sóng đẩy xuồng lên gần đỉnh sóng thì chuẩn bị tư thế bước lên thang, nhanh và dứt khoát, không để mặt nước hạ xuống thấp bởi sóng sẽ mau chóng dâng xuồng, dễ làm thành xuồng bập vào gót chân. Đoàn hơn mười người, chưa kể cán bộ Vùng 2 Hải quân. Để lên được nhà giàn thì phải làm 3 chuyến xuồng. Mỗi lần chuyển được một người lên xuống an toàn thật sự là một kỳ công.

Biển bình lặng đã vất vả, biển động sẽ gian nan vô cùng. Chúng tôi, lên thăm 15 nhà giàn đã được nếm trải nhiều cảm giác khác nhau. Cách lên bằng thang là “truyền thống” nhất. Cách thứ hai được áp dụng, là di chuyển bằng đường “hàng không”. Cánh đàn ông nhanh chân nhanh tay vẫn xuống xuồng bằng thang. Tuy nhiên với sóng cấp 5 không thể lên nhà giàn bằng thang, sẽ gây nguy hiểm, nên Trưởng đoàn quyết định dùng dây. Tất nhiên phải có sự phối hợp ăn ý của 3 nhóm cán bộ, chiến sĩ.

Nhóm một ở tầng trên của nhà giàn thả xuống sợi dây thừng có buộc thanh gỗ to bằng cổ tay, dài khoảng 40cm. Sợi dây được kéo bằng ròng rọc treo trên nhà giàn, được giữ bằng 3 sợi dây mồi khác để bảo đảm người được kéo lên không bị sóng, gió đẩy xô vào chân nhà giàn. Một chiến sĩ trên xuồng cầm thanh gỗ để khách ngồi lên, dùng chân kẹp chặt thanh gỗ, tay níu chặt sợi dây, có thắt thêm dây an toàn.

Sau khi sĩ quan dưới xuồng thấy ổn định và hô khẩu lệnh “lên”, nhóm trên nhà giàn ra sức kéo người dưới xuồng lên mức độ một cầu thang nhà giàn, thì nhóm chiến sĩ ở đây níu dây và đồng thời đỡ lấy. Tuần tự như vậy, các thành viên trên xuồng được kéo, sau đó leo cầu thang để lên nhà giàn.

Tôi muốn kể lại câu chuyện lên nhà giàn để thấy rằng, mình mới làm một việc rất nhỏ là lên và xuống nhà giàn mà đã vất vả, còn các anh, những người lính canh giữ biển trời thân yêu của chúng ta giữa mênh mông sóng nước, giữa muôn trùng gian khó, quanh năm đối mặt với bão táp, nắng gió ở nơi được gọi là cột mốc khẳng định chủ quyền trên biển mới thấy được sự kiên trung vững vàng của các anh. 

Hiện nay, một số nhà giàn mới được cải tạo đã có cầu ở ngay trên nhà giàn, như DK 1-9. Kiểu di chuyển lên nhà giàn bằng rọ và cẩu cũng thật ấn tượng. Xuống xuồng, tất nhiên vẫn có thể dùng thang sắt. Nhưng sóng cấp 6, 7 thì thật khó di chuyển lên nhà giàn.

Trung tá Bùi Văn Bổng, Chỉ huy trưởng DK 1-9 cho hay: “Chúng tôi hiểu được tấm lòng của bà con nơi đất liền, của cấp trên dành cho các chiến sĩ. Tình cảm ấy đã kịp thời khích lệ tinh thần, giúp anh em chúng tôi vững tâm hơn khi làm nhiệm vụ. Và chắc chắn, những cung bậc cảm xúc qua mỗi lần lên xuống, sẽ để lại ấn tượng và kỷ niệm đẹp trong lòng mỗi người đến với lính nhà giàn”.

Với những người lính bảo vệ nhà giàn, sự can trường trong từng phút giây đối mặt quân thù, đối mặt sự khắc nghiệt của thời tiết càng thể hiện truyền thống yêu nước quý báu được truyền lan và bảo lưu từ đời này qua đời khác. Lớp lớp người lính hải quân, tạm biệt những người thân yêu của mình lên đường làm nhiệm vụ.

“Bùi ngùi thôi và da diết đấy là chưa đủ, nhưng chúng tôi thấu hiểu trách nhiệm của mình với Tổ quốc. Người lính nào chẳng thương mẹ, nhớ vợ con nhưng anh em chúng tôi sẵn sàng lên đường, coi nhà giàn là nhà, biển cả là quê hương”, Trung úy Lê Văn Chiên, Chính trị viên Nhà giàn DK 1-2 tâm sự.

Sự quyết tâm của một người lính hải quân độ tuổi 30, đại diện cho thế hệ trẻ đang làm nhiệm vụ là minh chứng về sức mạnh và nỗ lực trong công việc bảo vệ nhà giàn - những cột mốc giữa bao la biển trời. Hiểu được khó khăn, vất vả của anh em cũng như tâm tư tình cảm của lính trẻ, nên Trung úy Lê Văn Chiên cùng với chỉ huy nhà giàn, những người nhiều kinh nghiệm hơn thường xuyên động viên, khích lệ để mỗi người đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chuyện các chiến sĩ nhà giàn nghe chúc Tết qua... loa ảnh 2

Xuân đến sớm ở nhà giàn

Từ trước Tết Nguyên đán 2016 chừng một tháng, không khí chuẩn bị đón xuân đã trở nên sôi động trên khắp các nhà giàn. Việc huấn luyện bảo đảm chặt chẽ, một số tiết mục văn nghệ được chuẩn bị. Bánh chưng, bánh dày do các chiến sĩ tự gói là một trong những hình ảnh đẹp nhất mà chúng tôi chứng kiến.

Trung tá Bùi Văn Bổng, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1-9, người con của huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội tâm sự: “Tôi đã có hơn 10 năm đón Tết ở nhà giàn. Dù điều kiện thiếu thốn, nhưng vẫn phải bảo đảm cho anh em chiến sĩ vui xuân và không quên nhiệm vụ. Nước thiếu, rau thiếu, thực phẩm cũng hạn chế. Kể cả hoa đào, hoa mai, rất hiếm năm mới có được do tàu hàng mang ra. Vì thế, chúng tôi cùng các anh em đã làm hoa đào, hoa mai bằng giấy, cũng trang trí phòng họp. Mặc dù là những cành hoa giả nhưng cùng với những bức tranh giản dị mà các chiến sĩ tự vẽ đã làm không khí xuân trở nên xuân hơn”.

Qua trò chuyện, được biết Trung tá Bùi Văn Bổng là người thoát nạn trong trận bão vào một đêm tháng 12-1998, hiện anh vẫn cùng đồng đội cũ gắn bó với biển, với nhà giàn mấy chục năm nay. Trận bão vào đêm ấy đã xô ngã nhà giàn, cướp mất 3 đồng đội của anh, cho anh hiểu rằng, để giữ được nhà giàn, những người lính hải quân đâu chỉ đương đầu với sóng dữ, thời tiết khắc nghiệt, mà phải trả giá bằng cả sinh mạng.

Trung tá Bùi Văn Bổng xúc động nhớ lại: “Sóng đánh chúng tôi chìm xuống đáy san hô, rồi nhấc bổng lên. May mắn, 6 người bám được vào những mảnh gỗ và thùng phuy và được tàu cứu hộ cứu sống. 3 đồng đội mất tích về với đất mẹ, hòa mình trong lòng biển cả. Nghĩ lại thời gian khó ấy, càng cho tôi quyết tâm bám biển, giữ vững nhà giàn. Đồng thời, cũng cho anh em chúng tôi kinh nghiệm ứng phó với thời tiết khắc nghiệt”.

Trung tá Bùi Văn Bổng luôn là một tấm gương sáng cho đồng đội về nghị lực và lòng yêu nước. Gặp cán bộ và đoàn nhà báo thăm, chúc Tết, các chiến sĩ nhà giàn cảm thấy mùa xuân có ý nghĩa, đầm ấm hơn. Trung tá Bùi Văn Bổng chia sẻ: “Tình cảm ấm nồng của người dân cả nước, của cấp trên luôn là nguồn khích lệ, cho các chiến sĩ thêm sức mạnh, sự kiên trung. Đồng thời, cũng góp phần làm nên mùa xuân nơi các nhà giàn”.

Cùng may mắn trở về với Trung tá Bùi Văn Bổng sau cơn bão ác nghiệt năm 1998 tại bãi Phúc Tần là Trung tá Dương Văn Hoan, Chỉ huy trưởng và Đại úy Hồ Thế Công, nhân viên quân y, đang làm nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1-21. Đại úy Hồ Thế Công đàn hay, hát giỏi. Cây guitar, cùng với tiếng hát “cây nhà lá vườn” do các chiến sĩ tự góp, là những món ăn tinh thần không thể thiếu trên các nhà giàn, đặc biệt trong những ngày Tết đến xuân về.

Trong giây phút mừng vui gặp mặt người trong đất liền ra thăm, Đại úy Hồ Thế Công phấn khởi cất lời hát: “Sóng gió mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó/ Chông chênh mặc chông chênh, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông/ Nắng gió mặc nắng gió, lính nhà giàn thề không ngại khó/ Mưa giông mặc mưa giông, lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng”…

Nhận quà Tết từ... mặt biển

Lên được nhà giàn để chúc Tết, giao lưu cùng các chiến sĩ là một niềm vui và không phải ai cũng có cơ hội đặc biệt ấy. Trong điều kiện sóng to, gió lớn, các chiến sĩ trên tàu chở quà sẽ thực hiện các phương án khác nhau. Đại tá Tô Văn Thư, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tâm sự: “Đoàn công tác đã mang hơi ấm đất liền, tình cảm, tấm lòng và cả mùa xuân đến với nhà giàn. Nhưng, nếu phải thả quà và hàng xuống biển trong điều kiện khắc nghiệt, thì anh em chiến sĩ sẽ phải chằng buộc hàng rất cẩn thận. Công việc sẽ mất nhiều thời gian, nhưng cho thấy sự sáng tạo của anh em chiến sĩ”.

Lời của Đại tá Tô Văn Thư gợi nhớ đến những chuyến chúc Tết nhà giàn mấy năm trở lại đây, sóng to gió cả, đoàn phải thực hiện phương án: “kéo hàng qua dây, chúc Tết qua loa”. Hàng hóa sẽ được các chiến sĩ trên tàu gói ghém cẩn thận rồi thả nổi xuống mặt biển để trên nhà giàn kéo lên. Đón xuân sớm 2016, đoàn công tác đã chúc Tết DK 1-8 qua loa (bộ đàm). Sau gần một tiếng đồng hồ các chiến sĩ trên tàu số hiệu 621 mới chằng buộc cẩn thận, bảo đảm hàng hóa chuyển lên không bị nước ngấm, thất thoát.

Hơn chục chiến sĩ cũng đồng loạt buộc hơn chục gói quà vào chiếc dây thừng dài và thả xuống biển. Sóng vẫn đánh liên hồi, những gói hàng nổi trên mặt biển. Từ tàu, nhìn về phía nhà giàn, các chiến sĩ đang thận trọng kéo từng đoạn dây, chuyển hàng lên. Những tiếng hò, tiếng dô vang cả một vùng biển. Sau gần hai tiếng, số hàng và quà mới đến nơi. Đại tá Tô Văn Thư qua bộ đàm, đã thăm hỏi, động viên, khích lệ và ghi nhận những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ bảo vệ DK 1-8.

Qua bộ đàm, chúng tôi nghe rõ tiếng nói nghẹn ngào của Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1-8 và các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Đại tá Tô Văn Thư xúc động: “Anh em trên nhà giàn chỉ mong có người lên thăm. Nhiều chiến sĩ tâm sự thèm được thấy người từ đất liền ra. Những cái bắt tay nồng nhiệt quan trọng lắm. Bất đắc dĩ mới phải gửi hàng xuống mặt biển, để anh em trên nhà giàn kéo lên”. 

Nhìn những hình ảnh ấy như thay lời muốn nói rằng tình người nơi sóng biển nước mênh mông sao mà đẹp, mà thật đến thế!.