Chuyện buồn gửi xe đi chùa: “Tuỳ hỷ” và “chặt chém“

ANTĐ - Trong khi nhiều chùa ở Hà Nội buông lỏng hoặc không quản được việc trông giữ xe, dẫn đến cảnh "chặt chém" khách, thì kiểu trông xe "Tuỳ hỷ" ở TPHCM rất đáng vui mừng...

Năm nào cũng thế, cứ dịp Tết, phủ Tây Hồ luôn là một trong những địa chỉ đông khách nhất Hà Nội. Lượng khách khổng lồ, cũng là cơ hội cho các dịch vụ tha hồ chặt chém.

Theo ghi nhận của PV Báo ANTĐ ngày mùng 6 Tết, không phải ngày cao điểm nhưng bãi gửi xe của HTX Nông nghiệp DVTH Quảng Bá lúc nào cũng chật cứng, và dù trên vé gửi xe của Cục Thuế TP in mức giá 3.000 đồng nhưng tất cả du khách đều phải trả 10.000 đồng/xe máy.

Khách đi lễ chùa ở Hà Nội thường xuyên bị "chặt chém" tiền gửi xe và đồ ăn, thức uống...

Không chỉ ở Phủ Tây Hồ, tại các chùa, đền như Phúc Khánh, Kim Liên, Quán Sứ… nhiều hộ dân gần cổng chùa đều tranh thủ khoanh vùng, tận dụng khoảng hành lang nhỏ hẹp trước cửa nhà để làm dịch vụ gửi xe và bố trí người đứng ngay ở lòng đường để chèo kéo khách. Giá vé gửi xe đến hẹn lại lên, tăng gấp 5-10 lần so với ngày thường, dao động 10-20 nghìn đồng/xe máy, khoảng 100.000 đồng/ô tô. 

Tại đền Quán Thánh, tuy năm nay được bố trí một bãi gửi xe của quận Ba Đình với giá vé 3.000 đồng/lượt nhưng không xuể với lượng khách đến. Khi chúng tôi có ý định gửi xe, một người mặc áo có băng rôn của lực lượng trật tự đã chỉ sang bãi xe đối diện bên kia đường với lý do “Hết chỗ”. Ở chùa Phúc Khánh (Tây Sơn, Đống Đa), những hộ dân xung quanh “linh hoạt” đưa ra các mức vé gửi xe tùy từng khách, dao động 10-20 nghìn đồng, thậm chí 50 nghìn đồng vào những ngày cao điểm. 

Tại điểm gửi xe trước cửa chùa Bà Nành trên phố Nguyễn Khuyến khu vực giao nhau giữa ngã tư phố Nguyễn Khuyến và phố Văn Miếu, điểm gửi xe chật cứng, lách mãi mới dắt được xe vào bãi gửi, cô bé trông xe nói gọn lỏn: “Hai mươi nghìn trả tiền trước”. “Sao đắt thế?”. Cô bé trả lời: “Đắt mà còn chả muốn trông đây này”. Nói rồi cô đưa cho chúng tôi một cái vé xe. Vé đề của công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội hẳn hoi, có số hiệu, mã số đàng hoàng. Giá vé đề 2.000 đồng/xe. Thấy tôi cự nự, một người khác chạy ra bảo thế chị đi đâu, tôi bảo ra đằng kia. Chị này mềm giọng, à chị đi chùa à, đi chùa thì 10.000 thôi. Thế mới hay, giá vé xe chả có ai quản lý cả, do người trông xe thích phát giá bao nhiêu thì phải chịu…

Đọc những thông tin này trên Báo ANTĐ, trong lúc du xuân ở TPHCM, tôi thấy thật buồn. Vì thế, tôi rất ấn tượng khi chứng kiến cảnh trông xe tuỳ hỷ ở chủa Viên Giác (Phường 1, Tân Bình, TPHCM).

Nơi trông giữ xe cho khách khá thoáng đãng, ngay đầu lối vào để một chiếc hòm ghi hai chữ "Tuỳ hỷ". Hoá ra, khách gửi xe vào chùa Viên Giác, không phải trả tiền, mà "tuỳ hỷ", tức là tuỳ theo tâm an vui của mình mà bỏ tiền vào thùng khi gửi xe. Nếu không bỏ, cũng không sao, không có ai nhắc nhở, ép buộc nào cả.

Một góc chùa Viên Giác (Tân Bình, TPHCM)

Khách gửi xe vào chùa có thể thả tiền vào thùng, hoặc đưa cho nhân viên trông xe, lượng tiền bao nhiêu cũng vui vẻ

Lực lượng trông giữ xe chuyên nghiệp, nhưng tiền thu tuỳ tâm của khách

Ngoài ra, cũng cần phải nói rằng, trong những ngày Tết, tại TPHCM không có việc tăng giá dịch vụ, hàng hoá vô tội vạ như nhiều nơi ở Hà Nội và miền Bắc. Những cửa hàng tạp hoá hầu như đều giữ nguyên giá bán như ngày thường. Các nhà hàng, nếu tăng giá vì lý do giá thực phẩm tăng, đều công khai ngay với khách. Tất cả đều vui vẻ!

Đáng học lắm thay!!!