Chuyện buồn cờ vua Việt Nam: Thần đồng lụi tàn

ANTĐ - Có lẽ không ở bộ môn nào lại xuất hiện nhiều VĐV được mệnh danh thần đồng như cờ vua. Thế nhưng, có một thực tế là đa số các thần đồng lại không được chăm lo tới nơi tới chốn, để rồi tài năng cứ dần lụi tàn. 

Tài năng của Lê Quang Liêm nhận được sự hỗ trợ lớn từ gia đình

Thông tin Lê Quang Liêm giành HCV giải HD Bank vừa qua khiến làng cờ vua Việt Nam buồn vui lẫn lộn. Đó là giải đấu hội tụ đủ “bộ tứ” thần đồng trong một thập kỷ qua gồm Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Trần Minh Thắng và Nguyễn Anh Khôi. Trong bối cảnh các kỳ thủ khách mời đều không quá mạnh, người hâm mộ rất mong chờ vào một cuộc cạnh tranh ngôi vương giữa các VĐV “người nhà”. Thế nhưng, chỉ sau vài vòng đấu, ngoài Lê Quang Liêm, số còn lại đều sớm bị đánh bật khỏi cuộc đua vô địch. Thậm chí, ĐKVĐ U10 thế giới Nguyễn Anh Khôi đã bị “buộc” phải bỏ cuộc giữa chừng để dự lễ trao thưởng VĐV xuất sắc năm 2012 tại Hà Nội, đánh mất cơ hội cọ xát quý báu. Kết thúc giải, nhiều người mừng cho Quang Liêm khi ước mơ đoạt cúp sau 3 năm đã thành hiện thực, song cũng không khỏi xót xa cho số phận những thần đồng cờ đang dần lụi tàn, chìm vào quên lãng. 

Dẫu không phải VĐV giàu thành tích nhất, song cái tên Nguyễn Ngọc Trường Sơn vẫn nhận được sự tôn trọng nhất định trong làng cờ Việt. Trong con mắt giới chuyên gia, Sơn được xem là kỳ tài hiếm có suốt hơn một thập kỷ qua. Thậm chí xét về tố chất, Sơn còn được đánh giá cao hơn Siêu đại kiện tướng Quang Liêm. Sau cú đúp HCV tại giải vô địch châu Á và VĐTG 2000, kỳ thủ người Kiên Giang từng được lãnh đạo bộ môn, sở địa phương lên kế hoạch đầu tư hoành tráng. Thế nhưng, thực tế những gì mà Sơn nhận được kém rất xa so với hứa hẹn ban đầu.

Ở giai đoạn tạo nền quan trọng nhất với một kỳ thủ, Trường Sơn đã không được chăm lo tới nơi tới chốn, và hệ quả là tài năng ngày một thui chột. Một trường hợp khác là Trần Minh Thắng. 5 năm trước, tại giải cờ vua trẻ VĐTG được tổ chức tại Việt Nam, Trần Minh Thắng trở thành hiện tượng giải với tấm HCV lứa tuổi U8. Sau sự kiện đó, Minh Thắng cũng được bộ môn, đơn vị chủ quản Hà Nội cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để thần đồng này nối tiếp thành công thế hệ đàn anh Quang Liêm, Trường Sơn. Thế nhưng, suốt 5 năm qua, những gì mà Minh Thắng nhận được chỉ là một chuyến tập huấn Hungari không thật sự hiệu quả, trong khi các chế độ cũng giống các VĐV trẻ khác. Hệ quả là sức cờ của cựu VĐTG gần như giậm chân tại chỗ. 

Lần lượt những thần đồng Trường Sơn, Minh Thắng và giờ là Anh Khôi đã và đang đối mặt cảnh bị “bỏ rơi”. Lâu nay, thiếu tiền luôn là cái cớ mà bộ môn cờ lấy ra để giãi bày “cái khó” của mình, đồng thời “thanh minh” cho những số phận thần đồng “chết yểu”. Nhưng thực tế liệu có đúng? Trả lời câu hỏi này, nhiều người nêu trường hợp của Trường Sơn. Tháng 11-2011, cùng với Quang Liêm, kỳ thủ người Kiên Giang nhận tài trợ 50.000 USD (khoảng hơn 1 tỷ đồng) cho 4 năm. Thế nhưng, một nửa thời gian đã trôi qua vẫn chẳng thấy Trường Sơn có bước chuyển gì mới, đồng nghĩa với thời gian, tiền bạc đã bị lãng phí.  Cũng cần phải nói thêm, thành công mà Lê Quang Liêm có được suốt thời gian qua phần lớn đến từ nỗ lực cá nhân, sự quan tâm, ủng hộ và đặc biệt là đầu tư tiền bạc của gia đình, trong khi dấu ấn của bộ môn cờ là hoàn toàn mờ nhạt. Rõ ràng, không chăm lo cho VĐV tới nơi tới chốn cũng đồng nghĩa với việc lãng phí tài năng.