Chuyện bia

ANTĐ - Hà Nội không có phong tục lâu đời uống bia. Bia ở châu Âu ra đời đã mấy trăm năm đến đầu thế kỷ này người Pháp mới mang bia sang ta. Rượu gạo thì xó xỉnh nào cũng có, nhưng không có nghề bia cũ kỹ từ làm thủ công cho lên đến mấy nhà máy. Tuy vậy, bia đã trở thành thức uống của ta cũng có tuổi ngót nghét một thế kỷ chứ chẳng vừa. Và về cách dùng, bia cũng biến tướng, khác với ban đầu và bây giờ ta nốc bia khác cả với cách uống châu Âu, nơi quê bia.

Ở chỗ gốc bia, theo định nghĩa và chia loại, bia không phải rượu, không phải rượu bia, mà bia là nước giải khát có độ rượu. Là nước giải khát nên người gốc bia không nâng cốc bia và cụng cốc bia chúc mừng trong tiệc. Mình trịnh trọng thế, người ta cũng nể làm theo thôi. Uống bia một hai cốc, thường uống một hơi - vì là nước giải khát mà, nhấm nháp với cá khô hoặc bánh bột xốp mặn. Cá khô và bánh xốp để dễ uống nhiều bia hơn chứ không phải là thức nhắm bia. Ở ta, bia thành rượu có tên đàng hoàng: rượu bia. Người ta khề khà nhắm rượu bia cốc vại hết vài ba lít - có khi còn pha thêm rượu trắng, nhắm với chả chó, đậu phụ, ốc luộc, đến say đứ đừ.

Ngày trước, tôi không thấy nhiều người uống bia. Chi nhánh hãng độc quyền Bia nước đá Đông Dương (Bgi) không sản xuất bia ở Hà Nội. Nhà máy bia Ô Mền (Homel) của một người Pháp gốc Tiệp, nhà bia này ở chỗ Nhà máy bia Hà Nội bây giờ. Chủ hãng thì ở nhà riêng dưới phố ở phố Trần Hưng Đạo, chỗ bây giờ là cơ quan Trung ương đoàn thanh niên. Có bia thường và bia đen chai nửa lít và chai to bằng chai bia Vạn Lực (Trung Quốc). Bia đen đắt hơn, vị ngăm ngăm đắng tương tự bia Các bớc ngày nay.

Bia hơi của hãng Bia nước đá Đông Dương có bán ở Sài Gòn, quầy bia hơi Bùng Binh trước chợ Bến Thành. Chiều chiều, một xe xi téc bia đến đỗ, cái thùng chứa bia to như xe phun nước tưới đường. Bia được lấy ra từ vòi bắt vào thùng, người uống đứng xung quanh và ngồi trên bãi cỏ. Câu chuyện bia với Hà Nội cũng có bao nhiêu duyên nợ ba đào. Quang cảnh những quán bia một thời không sầm uất đông vui như bây giờ. Chỉ là một hàng nước, hai bên hai tràng kỷ chõng tre, dưới gầm bàn để chùm dừa tươi chưa bổ vỏ. Trên bàn bày nước chanh chai cổ có in hòn bi ve và mấy chai bia - có hàng lại pha từng cốc nước lựu calađinh (grenadine). Người vào hàng thưa thớt. Các tay ăn chơi hay cô đầu cô đuôi mới biết các thứ uống ấy.

Quãng 1954 tới 1960, cùng với bia nhà máy bia Hà Nội - bia cung cấp cho cả miền Bắc, Hà Nội còn nhập các thứ bia hảo hạng, bia Đông Đức chai cổ lùn, bia Tiệp Pin Sen. Tuy vậy, một vùng Bờ Hồ chỉ có mỗi nhà Thủy Tạ bán hai thứ bia quý ấy và người uống cũng lẻ tẻ.

Đến những năm chống Mỹ, Hà Nội mới cho ra lò nhiều bia hơi mà quanh Bờ Hồ cũng chỉ có bia hơi ở nhà Thủy Tạ, nhà Bốn Mùa và một cửa hàng chật hẹp ở đầu hàng Khay. Cũng kỳ lạ và thật vui, để nhử người vào uống bia, ở mỗi quán trên quầy có hai chai nước ngọt sirô đỏ rực. Bây giờ ai đã quên mất cái hồi mới có nhiều người mon men hớp ngụm bia pha sirô còn nhăn mặt.

Thế rồi thạo uống lúc nào không biết, mà thạo rồi thì bật mạnh ngay. Máy bay Mỹ “đến gần… đi xa” suốt ngày, dưới phố trên đường cốc vừa rồi cốc vại càng uống bia dữ. Còi báo động đã nổi, dòng người sắp hàng mua bia ở cửa hàng phố Tông Đản vẫn không nhúc nhích. Lại cái quầy bia ở góc hồ Thiên Cuông mà người ta đặt cá tên đương thời sự là bãi bia Chuồng Cọp.

Người chen lấn xô đẩy mất trật tự quá. Quán bia có sáng kiến dựng chấn song sắt từ ngoài chỗ đong bia. Bia hơi đổ ra bể xi măng và múc, chứ chẳng cầu kỳ đòi hỏi bia tươi sủi bọt, thơm mát như bây giờ uống bia mới ở bom bia nhôm. Các sâu bia, bợm bia xếp hàng giữa hai bên chấn song sắt, cứ người một người một nhích lên, không lấn được mà cũng không thể chen ngang. Hai chữ “Chuồng Cọp” được sinh ra, có thể bởi hình ảnh người đứng đợi sau song sắt như con cọp trong chồng trên vườn Bách Thú. Mà cũng dường như mang tính thời sự hơn. Bấy giờ nhiều nhà báo quốc tế vào niền Nam đương phát hiện ra những tội ác cực kỳ dã man của chế độ ngụy giam tù ở Côn Đảo trong những xà lim hắc ám nhất, có biệt danh là Chuồng Cọp.

Bây giờ Hà Nội với bia đã không còn lạ lẫm. Thật bình thường, cũng không bình thường. Bởi vì nhiều người uống bia như uống rượu và say bia như say rượu. Một hai cốc không sao, nhưng người ta nốc đến hàng chục vại rồi la cà lai rai nhậu bét nhè cả tối. Tây cũng phải kinh.

Nhưng cũng vẫn có người uống bia kiểu cũ theo lề lối giải khát. Tôi vẫn uống bia theo lối cổ ấy. Tạt vào quán gọi vại bia, nâng cốc từ từ rồi làm một hơi. Uống đứng, rồi đi ngay.