Chuyện bi hài quanh giai nhân xứ chè có tên “siêu“ dài

ANTĐ - Sở hữu một cái tên đầy đủ có... 7 âm tiết, chị Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương (26 tuổi, ngụ xóm 6, xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) lập “kỷ lục” là người có tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên. Thế nhưng, xung quanh cái tên dài và độc nhất vô nhị tại xứ chè này, “khổ chủ” tâm sự với chúng tôi không ít chuyện dở khóc, dở cười.
Chân dung chị Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương
Chân dung chị Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương.

Đặt tên dài để con có động lực phấn đấu

Hỏi đường vào nhà ông Đào Sinh Hoạt (53 tuổi), khách được một ông lão ở xóm 6, xã Tân Linh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) hướng dẫn nhiệt tình: “Vào nhà ông Hoạt hả? Cứ đi theo lối đó. Nhà ông ấy có cô con gái xinh xắn, học giỏi, ngoan ngoãn lại có cái tên dài lắm”. Khi khách hỏi: “Bác có nhớ tên cô con gái nhà đó không?” thì ông lão cười lớn: “Cả cái xóm này từ người lớn đến trẻ con đều có thể đọc vanh vách tên của cái Dương”. Nói đoạn, ông đọc tên cô gái một hơi rồi cười: “Dài thế mới hay chứ!”.

Nhà ông Hoạt tọa lạc trên một quả đồi nhỏ với bạt ngàn chè xung quanh. Vợ ông Hoạt là bà Nguyễn Thị Hảo, cả hai quê gốc tận huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) và năm xưa đều theo cha mẹ lên huyện Đại Từ khai phá rừng núi, trồng chè lập nghiệp. Ông bà nên duyên vợ chồng năm 1980, sau đó có với nhau 4 người con, nếp tẻ đủ cả.

Nói về chuyện đặt tên con, ông Hoạt kể: “Hàng ngày tôi thường nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và mỗi lần nghe thấy có người tên hay, tôi đều ghi lại. Khi vợ sinh con gái đầu lòng, thấy cái tên Hải Yến hay nên tôi đặt tên người con đầu là Đào Hải Yến. Đến thằng thứ hai, nghĩ đất nước có nhiều sự kiện trọng đại nên đặt con là Đào Trọng Đại. Tuy nhiên, đứa thứ ba là đứa có tên dài nhất thì chuyện bắt nguồn từ nhiều lý do”.

Theo lời ông Hoạt, đầu tiên là việc hai vợ chồng ông thi thoảng nghe đài đọc chuyện cổ tích đêm khuya, thấy cái tên nhân vật trong một câu chuyện là Bàng Thị Lung Linh Kim Ánh Hoa, ông Hoạt đã lấy làm tâm đắc vì tên nghe rất hay dù hơi... dài. Vào thời điểm những năm 1985-1986, kinh tế khó khăn nên rất nhiều hộ dân ở Đại Từ rủ nhau đi đào vàng ở Lào Cai, ông Hoạt nghe nói ở vùng đào vàng có một cô gái có cái tên khá dài với phần đuôi là Kim Nguyệt Nga gì đó nên ông lại càng muốn đặt tên cho con mình sau này dài một chút.

Sau đó, ông Hoạt về nhà để chăm sóc vợ sinh con thứ ba. Khi “mẹ tròn con vuông”, ông Hoạt liền đặt cho con cái tên Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương với hai mục đích. Một là để sau này đi học, nhất định các thầy cô giáo sẽ chú ý đến con ông vì cái tên dài dằng dặc như thế. Bị chú ý đặc biệt, đương nhiên con ông sẽ phải có động lực để học hành cho tốt, nếu không sẽ bị thầy cô, bạn bè cười chê. Hai là sau khi vợ sinh con được vài tháng, ông dự định quay trở lại bãi vàng để tìm vận may lần nữa, hy vọng hai từ Long Lanh trong cái tên của con gái sẽ mang lại may mắn cho ông trong quá trình tìm kiếm vàng.

Bi hài xung quanh một cái tên

Bà Hảo cho biết, nhiều người đến làm công cho gia đình hoặc khách tới nhà khi biết tên đầy đủ của cô con gái thứ ba đều tỏ ra rất thích thú. “Ai nghe họ tên đầy đủ của cái Dương cũng bắt tôi hoặc nó đọc đầy đủ, đọc đi đọc lại vài lần để họ học thuộc bằng được. Thậm chí không ít người còn lấy tên con gái tôi đặt cho con họ, tất nhiên họ bỏ đi vài từ cho ngắn gọn”.

Cái tên Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương quả thật đã khiến các giáo viên lấy làm lạ và chú ý. Trong cuộc kiểm tra miệng các môn học, Dương luôn là học sinh “được” gọi lên bảng nhiều nhất. Trong các sinh hoạt tập thể, cái tên của cô gái cũng đủ khiến mọi người phải ồ lên mỗi khi xướng đầy đủ. Và thật may mắn là đúng như kỳ vọng của bố mẹ, Dương không chỉ ngoan ngoãn, học giỏi mà còn rất xinh xắn. Chính vì điều này mà cái tên gắn với cô lại càng khiến nhiều người chú ý và tìm hiểu.

Nhưng cũng bắt đầu từ khi có cái tên “độc nhất vô nhị” này, Dương đã gặp không ít phiền toái. Trong tất cả các bằng cấp, giấy tờ liên quan của Dương cho đến nay chỉ duy nhất có Chứng chỉ tin học là ghi đầy đủ tất cả các chữ trong tên của cô. Còn lại, trong sổ hộ khẩu, giấy tờ hộ tịch, sổ điểm khi đi học, sổ học bạ..., tên cô chiếm “diện tích” quá lớn để viết đầy đủ tất cả các vần mà thường phải viết tắt một số ký tự để gọn hơn.

Hoặc trong các giấy khen hồi còn đi học, tên của cô thường được viết “giản lược” lại còn: Đào Thị L.L.K.Á.Dương. Hay như bằng tốt nghiệp cao đẳng, hai chữ “Long Lanh” cũng viết tắt thành “L.L” để đủ diện tích.

“Khi đi làm chứng minh thư nhân dân, mọi người đều bất ngờ với cái tên đã đành, lúc viết tên mình vào chứng minh thư, cán bộ xã phải căn dòng chữ thứ hai trong chứng minh để viết cho đủ. Thế nhưng, cuối cùng chữ Kim vẫn phải viết tắt thành K”, Dương cho biết.

Dương tiếp tục kể về những tình huống bi hài xung quanh cái tên của mình. Ngày học trường cấp 3 tại thị trấn Đại Từ, khi thầy giáo đọc tên Dương, các bạn trong lớp đều nhìn cô bằng ánh mắt thích thú vì từ trước đến nay chưa bao giờ nghe cái tên dài thế. Sau đó, các thầy cô giáo và học sinh trong toàn trường lần lượt đổ dồn về lớp của Dương để... ngắm nghía cô nữ sinh này.

Dương kể: “Ngắm nghía thôi chưa đủ, có không ít bạn còn tò mò đến nỗi đang đi đường chặn xe lại hỏi bạn có phải tên như thế không, rồi giật tóc trêu đùa và thắc mắc tại sao tên tôi lại dài thế”.

Những rắc rối đó còn chưa dừng lại, khi bước vào trường Cao đẳng, môi trường học tập chuyên nghiệp nhưng sự tò mò và thích thú của các sinh viên khác trong trường khi biết tới Dương đều y nguyên như ngày cô mới đi học phổ thông, nghĩa là kéo đến giảng đường, thư viện chỉ để biết đích xác người sở hữu cái tên dài đó là ai.

Trong khi đó, “khổ chủ” vừa ngượng, vừa mất tập trung. Dương kể: “Có lần đi thi, cô giáo đọc tên vào phòng thi thấy tên dài thế thì vừa cười, vừa nhìn tôi như thấy vật thể lạ. Khi vào phòng thi, cô giáo lại đến gần hỏi han về cái tên của tôi khiến tôi làm bài thi chậm hơn các bạn vì bận trả lời cô. Đã vậy, do cán bộ coi thi đến từ trường khác nên cứ một lúc lại có một vài giáo viên đến chỉ trỏ, bàn tán về tôi và cái tên của tôi. Thế thì làm sao tập trung làm bài được? Khổ chứ sung sướng nỗi gì?”.

Vì tên Dương dài như vậy nên bạn bè ở trường mỗi khi gọi tên cô cũng thường không gọi hết cả tên mà chỉ gọi một từ trong tên mà thôi. Khi thì “Dương ơi”, lúc lại ‘Long Lanh ơi”, hay lúc khác lại “Ánh Dương ơi”, có bạn còn gọi: “Tên dài ơi”... “Khổ chủ” biết là gọi mình nên tên nào cũng thưa.

Ra trường và đi làm, Dương bảo vẫn còn chưa hết rắc rối. Do công việc liên quan đến làm báo cáo thuế và kế toán, Dương thường xuyên phải giao dịch với các ngân hàng. Khi ký tên mình, các cơ sở giao dịch thường yêu cầu cô phải ký và ghi rõ họ tên chứ không được viết tắt bất kỳ chữ nào. “Ký và ghi rõ họ tên một vài chứng từ không sao, đây cả một tập cần xác nhận nên việc ghi và ký tên mình thôi cũng đủ khiến tôi mệt phờ”, Dương cười mếu.

Tuy nhiên, ra trường đi làm, kỉ niệm mà cô thấy “vui” vì cái tên của mình được nhiều người biết đến là khi biết cô có tên như vậy, một số anh chàng của mấy công ty xung quanh nghe “kháo nhau” có cô gái mang tên đặc biệt nên kéo tới xem mặt rồi “trồng cây si” luôn. Trong số này, một anh chàng khi tỏ rõ tấm chân tình của mình đã lọt vào mắt xanh của cô gái xinh xắn và anh đã trở thành ông xã của cô.

Khi chúng tôi hỏi vui rằng liệu sau này vợ chồng cô có đặt tên con là Nông Vàng Lấp Lánh Ánh Kim Cương (họ Nông là họ chồng) thì Dương cười và lắc đầu nguầy nguậy: “Chắc không có chuyện đó đâu. Từ bản thân mẹ nó mà đã đủ rắc rối rồi. Thôi, con mình sau này chắc cứ đặt tên cháu bình thường thôi”.