Chuyện bây giờ mới kể khi “đứng” chuyên mục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xưa nay “chuyên mục” luôn được coi là “điểm nhấn” của một tờ báo. Mỗi tòa soạn lại có cách xây dựng các “chuyên mục” theo bản sắc của mình. Thời kỳ báo in còn trong giai đoạn “hoàng kim”, “chuyên mục” nhẩn nha chủ đề câu chữ, bàn chuyện kim - cổ - đông - tây. Ở thời điểm hiện tại, “chuyên mục” gần như phải song hành cùng mạng xã hội, bàn chuyện gì cũng phải theo “trend” và “bám” thời sự.
Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô Nguyễn Thanh Bình và nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà văn Đỗ Phấn tại cuộc gặp mặt cộng tác viên An ninh Thủ đô năm 2017

Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô Nguyễn Thanh Bình và nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà văn Đỗ Phấn tại cuộc gặp mặt cộng tác viên An ninh Thủ đô năm 2017

Phụ trách “chuyên mục” hoặc tổ chức “chuyên mục” đối với mỗi nhà báo nói bảo dễ thì dễ đấy, chỉ việc “đặt cộng tác viên là xong” hoặc “tuần có một vài bài thôi”, nhưng có bắt tay vào làm và nhất là “chuyên mục” duy trì đến vài năm là dễ hụt hơi và ngày nào cũng quay quắt với câu hỏi: “Viết cái gì? Viết thế nào?”...

Kể khổ chuyện “đi tìm” người

“Đi tìm” ở đây không phải là kiếm tìm cộng tác viên để đặt vấn đề cộng tác với báo. Đi tìm ở đây là tìm người để “đặt bài” hoặc “đòi bài”. An ninh Thủ đô nhiều năm qua, nhờ sự giúp đỡ và yêu quý của cộng tác viên là những nhà báo, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trên cả văn đàn lẫn trên mạng xã hội đã xây dựng lên được những chuyên mục có chất lượng, được chính những đồng nghiệp đánh giá cao bởi chất lượng thông tin, tư duy sắc sảo, những góc nhìn đặc biệt và cả tính thời sự cùng sự dí dỏm, hài hước. Tuy nhiên, đó chỉ là “phần nổi” trên mặt báo mà ai cũng biết, còn “phần chìm” hay nói đúng hơn là chuyện bếp núc phía sau là vô vàn những pha tìm người gay cấn của biên tập viên mà bây giờ mới “dám” kể. Và kể ra đây, nếu các cộng tác viên yêu quý có đọc được và nhận ra đúng là câu chuyện của mình, chắc cũng không nỡ giận, vì “kỷ niệm nghề” buồn vui bao năm rồi cũng có lúc phải “công khai”.

Thực ra, khi đã có thời gian dài liên hệ, trao đổi và làm việc cùng nhau thì phóng viên đương nhiên phải hiểu tính nết từng cộng tác viên của mình. Tính nhà báo này thì như nào, tính nhà văn kia thì ra sau. Ai đúng hẹn, ai hay quên thì đều biết cả. Có những người nếu đã trả lời là sẽ viết thì chắc chắn giờ đó, ngày đó là có bài. Phóng viên hoàn toàn yên tâm. Có những người hứa đi hứa lại dăm lần bảy lượt nhưng đến sát giờ nộp bài gọi điện thì điện thoại “ngoài vùng phủ sóng”, mười lần đặt bài thì cả mười lần “tụt huyết áp” vì “chờ người nơi ấy, người còn là mây lãng du”.

Công cuộc “truy tìm người” lúc đó bắt đầu được triển khai. Gọi điện thoại không được thì tìm trên mạng xã hội. Mạng xã hội tìm không được thì vận dụng trí tuệ tập thể, gọi điện cho bạn bè người thân của người đang “nợ bài” mình. Gọi điện cho người thân là một “chiêu” cho đến giờ luôn thực sự hiệu quả. Tỷ lệ % tìm thấy người cần tìm bao giờ cũng là 100%. Tất nhiên, để thực hiện được “chiêu thức” đó thì phóng viên buộc phải có những mối quan hệ thân thiết ngoài công việc cùng các vệ tinh kia.

Gần đây nhất là việc đi tìm nhà báo Nguyễn Gia Tưởng. Một cộng tác viên mới của An ninh Thủ đô. Cả tối, nhắn tin, gọi điện các kiểu không được, đành phải nhắn cho vợ anh ấy. Không quá 2 phút sau đó, người cần tìm thì đã tìm thấy luôn.

Trường hợp thứ nhất, gọi điện thoại cho người thân không có tác dụng thì phải triển khai phương án 50-50. Ngoài việc vững tin là giờ đó, ngày đó cộng tác viên sẽ gửi bài thì cũng cần có thêm động thái, có bài dự trữ, đề phòng trường hợp, hết giờ mà vẫn “chờ người nơi ấy, chờ hoài không thấy”. Cũng không ít lần, dù đã có hẹn bài vở, nhưng vì những lý do bất khả kháng, cộng tác viên không thể gửi bài như đã định hoặc cũng có thể vì những lý do khách quan, “bài đổ” lúc đó nếu có phương án cứu trợ khẩn cấp thì tốt còn không thì... tự đi mà viết. Nói chung, “bài đổ” là một khái niệm mà người làm báo không bao giờ mong muốn!

Nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến trò chuyện cùng Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm trong lần gặp cộng tác viên An ninh Thủ đô năm 2021

Nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến trò chuyện cùng Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm

trong lần gặp cộng tác viên An ninh Thủ đô năm 2021

Tranh luận quanh những điển tích, điển cố

Trong quãng thời gian từ năm 2016 đến 2018, nhà văn Nguyễn Việt Hà nhận lời đứng chuyên mục “Chuyện phố” cho An ninh Thủ đô. Những bạn đọc từng yêu thích và quen với văn phong của tác giả của loạt “best-seller” như loạt tiểu thuyết “Cơ hội của chúa”; “Khải huyền muộn”; “Ba ngôi của người”; “Thị dân tiểu thuyết” hay các cuốn tạp văn đã từng xuất bản như “Con giai phố cổ”; “Đàn bà uống rượu”; “Mặt của đàn ông”... thì đều quen với cách viết đảo tính từ, trạng từ lên trên danh từ, hoặc cách dùng từ Hán Việt, dùng điển tích, điển cố... của nhà văn Nguyễn Việt Hà. Tuy nhiên, với những người không quen giọng văn của nhà văn “Con giai phố cổ” thì đọc rất khó chịu, thậm chí phẫn nộ. Cũng không phải chờ đến khi nhà văn đứng chuyên mục cho An ninh Thủ đô, bạn đọc mới có nhiều thắc mắc hay tranh luận. Bởi lẽ, những tranh luận, thậm chí “tạo sóng” ngay từ khi các tác phẩm đầu tiên của nhà văn ra đời hơn 20 năm trước.

Trong bài viết: “Phố của những mùa mất ngủ” - Nguyễn Việt Hà bàn về Euro, rộng chuyện hơn là nguồn gốc ra đời của bóng đá rồi thì “luận anh hùng ở mùa Euro 2016”. Bài viết có đoạn: “Vòng chung kết EURO là một “ca” đặc dị khác thường. Nó hồi hộp, canh cánh không phải vì bốn năm mới tổ chức một lần (Chao ôi, đời người ta có bao nhiêu cái bốn năm). Nó quyến rũ là bởi đây là nơi lồng lộng hoành tráng tập trung tinh hoa của những đàn ông thời bình. Những chàng trai mới dũng mãnh làm sao, đủ mọi màu da, đủ mọi kiểu tóc ngời ngời thông minh nhanh nhẹn tưng bừng dồn tụ về một chỗ.

Họ gặp nhau không phải loay hoay mưu mô tay bắt mặt mừng như đám mưu sinh thương gia, lại càng không phải “thiệt chiến quần hùng” như bọn hủ nho thích khoe khôn khua môi múa lưỡi. Họ tới kinh đô ánh sáng là để quyết liệt cao thượng, đối đầu bằng khéo léo tài chân, bằng linh hoạt trí não, cốt làm sao cho trái bóng tưng tưng tròn căng hơi xé toang mành lưới đối phương. Trong cuộc đời đều đặn tẻ nhạt này, có cái gì sôi động cảm xúc hơn là khi ghi được một bàn thắng. Ở hoàn cảnh thế giới đang yên bình phẳng phiu tuy vẫn còn đôi chỗ loạn lạc (cảnh báo khủng bố giăng khắp Paris), bóng đá quả là một “hobby” tuyệt đỉnh thượng võ”.

Cụm từ “Thiệt chiến quần hùng” đã thực sự gây ra một cuộc tranh luận trên mạng xã hội, dù tác giả bài viết đó cho tới tận thời điểm này, sau 5 năm, mới làm quen với hiện đại khi đổi từ điện thoại “cục gạch” sang điện thoại “thông minh” được vài tháng với lý do sóng 2G bập bõm quá và “nghe đâu người ta sắp bỏ 2G”. Tuy nhiên, dù là “khôn phone” thì với anh, cũng chỉ để liên lạc, chứ tuyệt đối, không có dan díu gì với mạng xã hội.

Chính vì thế, người biên tập bài viết này, đã phải thay anh, giải thích rõ hơn về cụm từ “thiệt chiến quần hùng” kể trên, rằng: “Thiệt chiến quần hùng” là một trong những điển tích nổi tiếng của Tam Quốc diễn nghĩa, nó ngang ngửa với các điển tích như “Tam cố thảo lư”, “Lã Bố hý Điêu Thuyền” hay “Thất cầm Mạnh Hoạch”.

Thiệt là lưỡi, chiến đương nhiên là đánh nhau. Đại khái dịch nôm là đánh nhau bằng lưỡi cũng tức là cãi nhau. Tích này kể khi Lưu Bị và Khổng Minh bị Tào Tháo đánh thua, chạy sang tá túc Đông Ngô. Bọn mưu sĩ đại thần ở Đông Ngô khi đó một số chủ chiến, một số chủ hàng, một số chủ hòa. Khổng Minh phải nhận nhiệm vụ là thuyết phục đám đó trước khi gặp Chu Du (sau mới có trận Xích Bích).

Vân Quế

Vân Quế

Xưa kia, cụ Đào Duy Từ nhà ta khi làm thơ tả về nghề thầy giáo cũng dùng từ “thiệt”, ấy là: “Dĩ thiệt canh độ nhật”. Dĩ là dùng, Thiệt là lưỡi, Canh là canh tác, Độ nhật là qua ngày. Câu này sau hậu thế gọi là nghề bán cháo phổi. Dân gian ta cũng có câu: “Khẩu thiệt vô bằng”.

Giải thích là thế, nhưng vẫn có nhiều tranh luận chỉ ra rằng, đúng ra phải gọi là “Thiệt chiến quần nho” hoặc viết mà dùng nhiều từ Hán Việt, điển tích, điển cố, muốn hiểu phải đi tra từ điển thì cũng... mệt thật. Chuyện đến tai nhà văn Nguyễn Việt Hà, anh chỉ cười cười bảo: “Tôi chưa chắc đã luôn đúng đâu!”.

Một bài báo, tạo nên những tranh luận ở mọi góc nhìn ngôn ngữ và học thuật, những điển tích, điển cố được nhắc lại, những tác giả lừng lững trong văn chương được nhắc lại đó thực sự là niềm vui và kỷ niệm đáng nhớ và cả sự rút kinh nghiệm của những người làm báo....

Gần 20 năm sống trong ngôi nhà chung An ninh Thủ đô, chứng kiến biết bao thăng trầm và thay đổi của một tờ báo có tới 45 năm tuổi đời. Đã trải qua những phút giây ban đầu khi hàng sáng hồi hộp mở tờ báo để xem “bài của mình hôm nay có được lên trang không”, rồi khi An ninh Thủ đô Điện tử phát triển hơn thì khi một bài báo xuất bản, lại vẫn là tâm trạng, háo hức thi thoảng lại mở xem, bài của mình lên trang được bao nhiêu “view” và bây giờ là hàng ngày, có bao nhiêu lượt đọc An ninh Thủ đô Điện tử và những chuyên mục kia, có bao nhiêu lượt thích và chia sẻ.

Thật lạ. 20 năm. Gắn bó cùng tờ báo mọi việc tưởng như không có gì là không quen thuộc nữa. Quen thuộc đến nỗi mà cái điện thoại thông minh để trong túi, bật ứng dụng bản đồ lên, nó còn “tự” nhận ra nơi hàng sáng mình dừng xe là địa chỉ cơ quan, đồng thời báo luôn cả thời gian di chuyển từ nhà đến tòa soạn là bao nhiêu phút.

Ấy thế mà, vẫn nguyên cái tâm trạng hồi hộp khi mở tờ báo vào mỗi sáng!