Chuyện ăn chơi ngoài sân cỏ của cầu thủ Việt

(ANTĐ) - Sự thật là mấy sao-cầu thủ đều bảnh trai, hào hoa và chắc chắn phải có cái gì đấy mới có thể trở thành “ghẹ” của những cô gái mà bất cứ cậu trai nào cũng thèm muốn.

Gần đây, nhiều người rảnh rỗi bỗng “khoái” xì xào về chuyện ăn, chuyện chơi của giới cầu thủ Việt. Thực hư ra sao, độ “phóng đại” đến đâu… vẫn là một dấu hỏi lớn, khiến khối người hâm mộ phải suy nghĩ, thắc mắc! Bằng mối quan hệ rộng khắp, đầy đặn và kéo dài nhiều năm, người viết cố gắng phác họa một bức tranh tương đối về cuộc sống của bộ phận được coi là “có tiền” kể trên…

Kỳ 1: Có lửa, có khói!

Vừa lao động, vừa hưởng thụ

Với một xã hội và nền kinh tế quá độ, khái niệm “dân chơi” thật mông lung. Chính xác là không có chuẩn mực nào dành cho mỹ từ đó. So với những đại thiếu gia, tức là nhóm thanh niên vô công rỗi nghề, quanh năm ăn bám gia đình, thì cầu thủ quả là… vét đĩa. Nhìn xem, Ferrari, Porsche đủ dòng; Mercedes phải “Mũi tên bạc”, Aston Martin, rồi Royce-Roys, Bentley phóng ầm ầm ngoài đường. Nói như chính dân chơi, thì mấy ông vai u thịt bắp mồ hôi dầu tuổi gì mà… “đọ sừng”.

Chuyện ăn chơi ngoài sân cỏ của cầu thủ Việt ảnh 1
Đinh Ngọc Diệp cũng được nhiều từ mối tình đẹp với Như Thành

Tuy thế ở chiều ngược lại, nhóm này vẫn phục, thậm chí còn muốn kết thân với giới cầu thủ đằng khác. Nói gì thì nói, cầu thủ “lên đời” bằng chính đồng tiền mình kiếm được, lại ở độ tuổi đời còn rất trẻ. Những ai từng kinh qua thói ăn thói chơi chắc cũng hiểu, chẳng phải tự dưng Công Vinh cua được Thủy Tiên, hay Đinh Ngọc Diệp quay lưng với đại gia để gắn bó với Như Thành nhiều năm nay.

Sự thật là mấy sao-cầu thủ đều bảnh trai, hào hoa và chắc chắn phải có cái gì đấy mới có thể trở thành “ghẹ” của những cô gái mà bất cứ cậu trai nào cũng thèm muốn. Rõ nhất – đó chính là những chiến thắng làm nức lòng người hâm mộ cả nước, đưa vinh quang về cho dải đất hình chữ S như AFF Cup 2008. Danh tiếng là đấy chứ đâu.

Ở thế giới hiện đại, cầu thủ bóng đá có thể nói là giàu, là dư dả. Xã hội phân công nghề nghiệp, và bất kể dưới nền tảng nào, thu nhập của họ cũng cao hơn rất nhiều lần so với mặt bằng chung người lao động.

Kim chỉ nam “vừa lao động vừa hưởng thủ” không xấu. Đó là quy luật của xã hội, thực chất là sự phân chia lại tài sản trong cộng đồng. Và hơn cả, người lao động có quyền đối với vật chất do chính mồ hôi, công sức họ làm ra.

“Do đặc thù tuổi nghề hạn chế, nên tự xã hội đã “chủ động” nâng cao thu nhập cho VĐV thể thao nói chung, chứ không riêng những người làm riêng bóng đá như chúng tôi,” bầu Hiển của tập đoàn T&T Hà Nội luôn đưa ra câu trả lời như vậy nếu ai đó hỏi ông lí do bỏ ra tới 7 tỷ đồng để chiêu mộ chân sút Công Vinh cuối mùa giải 2008.

Cuộc sống một dân chơi nhiều người “soi” rồi, còn cuộc sống của một cầu thủ-dân chơi thì chưa nhiều người hiểu đúng bản chất của nó. Điều khác biệt cơ bản giữa 2 tầng lớp chính là khả năng lao động đúng nghĩa. Lao động chăm chỉ, hưởng thụ nhiều, âu cũng là điều dễ hiểu.

Một yếu tố quan trọng khác, là cầu thủ có quá nhiều thời gian rảnh… “đầu”, tức là họ vừa tỷ phú thời gian, vừa không phải lo lắng bất cứ điều gì ngoài việc xỏ giày luyện tập và thi đấu. Bởi thế mới có chuyện, đa số cầu thủ đều tiêu sạch bách số tiền làm ra hàng tháng mà chẳng giúp gia đình và người thân được bao nhiêu.

Ngủ dậy thành tiến sỹ!

5 năm trước, V-League náo loạn, thay da đổi thịt bởi sự xuất hiện của những ông bầu máu mặt. Có thể kể ra bầu Hiển của Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng; bầu Trường với sự tư vấn trời ơi từ cò Đại, rồi Xi măng Hải Phòng, các tập đoàn HP.HN hay HAGL. Nhóm này phá giá, đẩy lương, thưởng, tiền lót tay lên chóng mặt, vượt rất xa tầm kiểm soát của đa số CLB “quốc doanh” vốn đã quá quen với bầu sữa bao cấp…

Trong vụ áp phe Trung Kiên từ Nam Định vào TMN.CSG năm 2004, hay Minh Phương từ CSG xuống Long An năm 2003, cả hai chỉ nhận vẻn vẹn 1 tỷ cho bản hợp đồng ràng buộc tới 5 năm cống hiến. Tuy nhiên, khi Công Vinh từ SLNA ra Hà Nội T&T năm 2008, tiền đạo 23 tuổi (thời điểm đó) đã đút túi tới… 7 tỷ đồng (lương 45 triệu) lót tay.

1 năm sau đó, Việt Thắng cập bến TV Ninh Bình với 8 tỷ (lương 40 triệu) và cuối mùa 2010, Quang Hải, Phước Tứ và Việt Cường cùng nhận 9 tỷ cho các bản hợp đồng của mình lần lượt với NaviBank SG, Xuân Thành SG và HAGL, đi kèm mức lương 50 triệu/tháng.

Các khoản thưởng cho từng chiến thắng cũng tăng chóng mặt, bởi con-gà-tức-nhau-tiếng-gáy giữa chính các ông bầu với nhau. Gần như mặc định, mỗi khi CLB TV Ninh Bình, XM.Hải Phòng, Hà Nội T&T, HP.HN, B.Bình Dương, ĐT.LA và HAGL gặp nhau, là tiền thưởng được treo không thể dưới 1 tỷ. Tính nhanh theo cách lãnh đội chia chác tiền thưởng, mỗi vị trí đá chính cũng cầm về 30-40 triệu cho loại A.

Chuyện ăn chơi ngoài sân cỏ của cầu thủ Việt ảnh 2

Chiếc CLS350 bị cho là mua hớ 20,000 USD của Phan Thanh Bình

Có tiền, lập tức có thêm rất nhiều câu chuyện bi hài xung quanh chuyện lên đời chớp nhoáng của cầu thủ. Ví dụ chiếc Mercedes SLK 200 chỉ tồn tại vài tháng của Công Vinh vì bất tiện; hay Phan Thanh Bình vội vàng mua phải con Mercedes CLS350 bị “tút” lại, đành chịu hớ hơn 20,000 USD.

Cầu thủ lên ngôi, phá tan rào cản kỷ luật của CLB chủ quản. Sự cưng chiều thái quá từ các ông bầu đã cho ra vô số những đáp án tiêu cực. Người ta kháo nhau rằng, ở TV Ninh Bình, B.Bình Dương hay NaviBank SG chẳng có tí kỷ luật nào. Đừng ai mang cái gọi là quy định, chế tài vào trong sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí, với vấn đề chuyên môn, BHL cũng chớ dại áp đặt cá tính vào cách chỉ đạo hay một động tác nào tương tự.

Cũng có vài thời điểm, lãnh đội cùng BHL rỉ tai nhau siết chặt kỷ luật. Nhưng từ đó cũng xuất hiện cả loạt sự phản kháng mạnh mẽ từ các ngôi sao. Sau quãng thời gian “đất không chịu giời, giời phải chịu đất”, đa số các CLB mới lộ ra sự thật: Lãnh đội hoàn toàn bó tay trước đội hình quá nhiều “sao”. Thậm chí, một thông điệp rõ ràng còn được cầu thủ gửi đến sau cuộc cách mạng: “Hãy để chúng cháu tự xây dựng kỷ luật trên tinh thần tự giác!”

Bởi thế, để đỡ mang tiếng không kiểm soát nổi “quân” của mình, nhiều CLB giờ cũng bê format bên trời Tây rập khuôn i xì. Đó là miễn tập trung cầu thủ sau mỗi trận thi đấu cho đến sát tận lượt tiếp theo. Ngoại trừ buổi tập chiều kéo dài 2 tiếng đồng hồ hàng ngày, cầu thủ được tự do rời khỏi đại bản doanh.

Xin nhắc lại, dưới tiêu chí dễ dãi với khái niệm dân chơi, lại thừa thời gian rảnh rỗi, bất cứ cầu thủ nào ở V-League cũng có cơ hội thể hiện khả năng tiêu tiền của mình. Thậm chí nhiều cầu thủ còn triết lý: muốn đá “hay”, thì phải ăn chơi nhiệt tình. Chơi – đầu óc mới thoát, mới tư duy hoàn hảo khi thi đấu.

Quan trọng là chơi ở đâu, với ai và như thế nào mà thôi?!
(Còn nữa)