Chụp ảnh “tự sướng”, hậu quả khó lường

ANTĐ - Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội đang khiến một bộ phận giới trẻ “phát cuồng” với trào lưu chụp ảnh “tự sướng”. Khi đăng tải những bức ảnh hay lời tâm sự, đa số họ đều hy vọng mình sẽ nhận được sự khen ngợi từ bạn bè, nhưng ngược lại không ít người đã nhận được những phản hồi tiêu cực. Điều này có thể khiến họ dễ bị lạm dụng và tổn thương tâm lý.

Chụp ảnh “tự sướng” mọi lúc, mọi nơi

Phát cuồng với chụp ảnh tự sướng

Hiện nay, nhiều người đăng tải, chia sẻ hình ảnh, thông tin trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram - nơi bạn bè hay người khác có thể “like” (ưa thích) và đưa ra những lời nhận xét (comment) về bức ảnh, thông tin đó. Khi đăng tải những bức ảnh này, bản thân người chụp hy vọng sẽ nhận được những lời tán dương, ngợi khen từ bạn bè. 

Phạm Thục Anh, sinh viên một trường nghệ thuật đưa ra “thông điệp” tự sướng là một nghệ thuật. Theo kinh nghiệm của Thục Anh thì “Khuôn mặt của mỗi người xinh đẹp còn tùy vào thời điểm. Có người  lúc mới ngủ dậy là xinh nhất, có người lại chỉ xinh vào lúc 12h trưa, hay đặc biệt hơn là giữa đêm khuya. Có người nhìn thẳng đẹp, có người nhìn nghiêng đẹp nhưng cái khó là làm sao toát lên được ý đồ của mình trong bức ảnh “tự sướng”. Như thế mới có thể cho “ra lò” những bức ảnh “hot” và nhận được nhiều lời khen ngợi... Và dù bức ảnh đó có đẹp đến mấy vẫn cứ giả vờ khiêm tốn để tiếp tục nhận được “like” nhiều hơn”- Thục Anh chia sẻ bí quyết.

Không cần phải sở hữu những chiếc máy ảnh đắt tiền, không cần phải nhờ ai làm nhiếp ảnh gia, chỉ cần một chiếc điện thoại từ 2,0 MP trở lên là bất cứ ai cũng có thể chụp ảnh tự sướng. Điều đáng nói là người chụp có thể chỉnh sửa các tư thế một cách thoải mái để tìm cho mình một khung ảnh “tự sướng” nghệ thuật nhất, thậm chí dù có sử dụng chút công nghệ để “tút tát” hình ảnh nhưng cũng giả như: “em đẹp không cần photoshop”. Cuối cùng, họ sẽ đăng tải nó lên trang cá nhân, rồi ngồi xem lượng “like” và thái độ “comment” của mọi người.  

Mới đây, cộng đồng mạng châu Á truyền tay nhau một đoạn clip hài hước có độ dài hơn 3 phút về sự “phát cuồng” của giới trẻ đối với “trào lưu chụp ảnh tự sướng”. Đoạn clip này đã ghi lại hình ảnh “hội những bạn trẻ thích chụp ảnh tự sướng”, họ chụp ảnh và cập nhật thông tin mọi lúc. Chỉ cần có chiếc máy ảnh và điện thoại bên cạnh, họ có thể bỏ mặc thế giới thực xung quanh và chỉ tập trung sự chú ý vào thế giới ảo. Đoạn clip mang lại nhiều tiếng cười nhưng nó cũng khiến nhiều người phải suy ngẫm khi thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ đang dành quá nhiều thời gian chăm chút cho thế giới ảo mà quên đi sự quan tâm, giao tiếp đối với những người đang hiện hữu xung quanh mình.

Hiểm họa ngay trước mắt

Trên thế giới đã có nhiều trường hợp người đăng ảnh bị kẻ xấu lấy ảnh rồi lắp ghép, chỉnh sửa... nhằm bôi nhọ hình ảnh khiến nạn nhân xấu hổ, tự ti đến mức tự tử. Nhiều người chỉ nhận thấy ưu điểm của các trang mạng xã hội, nhưng chưa lường hết những việc xấu có thể xảy ra. Và khi vướng vào rắc rối, không phải ai cũng đủ can đảm, tự tin để đối phó với làn sóng phản ứng từ bạn bè, xã hội. 

Nguyễn Phương Mai, học sinh một trường THPT ở quận Đống Đa, sau khi đăng tải bức ảnh “tự sướng” cùng bạn bè trên trang cá nhân, Mai đã bị một người bạn lấy bức ảnh này, rồi dùng kỹ thuật “cắt dán”, ghép ảnh với một người đàn ông lớn tuổi, kèm theo bình luận: “Bạn trai mình đấy, giống bố không...”, khiến bạn bè Mai tưởng thật. Dù đã thanh minh đây chỉ là trò đùa nhưng nhiều người bạn và ngay cả bố mẹ Mai vẫn không tin. Sau đó chính người bạn thực hiện trò đùa này đã phải xin lỗi và chứng minh sự trong sáng của Mai, còn bản thân Mai đã phải chịu ấm ức sau một thời gian dài.

Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn - giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển cộng đồng cho biết, những ý kiến trái chiều sẽ phần nào làm tổn hại đến sự tự tin của các bạn trẻ, thậm chí có thể làm sai lệch nhận thức, suy nghĩ của họ về bản thân. Một cá nhân khi đăng ký, truy cập các trang mạng xã hội không có nhiều điều kiện bắt buộc nên dễ sinh ra những biến tướng nguy hại và lợi dụng vì những mục đích khác nhau. Ở độ tuổi mới lớn, các bạn trẻ thường có tâm lý đề cao tính “sĩ diện” bản thân, nếu bị bêu riếu, hay bị mang ra làm trò cười sẽ dẫn đến các phản ứng bồng bột, thiếu khả năng kiềm chế. Vì vậy bên cạnh sự giám sát, chỉ dẫn, tư vấn kịp thời của gia đình, giới trẻ cũng cần trang bị kĩ năng sống cần thiết, học các ứng xử có văn hóa để tăng được tính tích cực khi tham gia truyền thông và cần thận trọng, không đùa ác ý, ý thức được hậu quả nghiêm trọng có thể có từ hành vi của mình.