Chương trình hạt nhân Iran đạt bước tiến lịch sử

ANTĐ - Ngày 24-11, Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ: Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận bước đầu mang tính lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran. 

Bên trong nhà máy làm giàu uranium Natanz của Iran

“Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận tạo nên nền tảng ban đầu để hai bên cùng thực hiện nhằm hướng đến một giải pháp toàn diện lâu dài trong vấn đề hạt nhân của Iran. Ngày hôm nay là một bước tiến quan trọng hướng đến mối quan hệ rộng lớn hơn của các bên. Các công việc để thực hiện những bước đầu tiên này sẽ sớm được bắt đầu”, bà Catherine Ashton, đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu ngày 24-11 cho biết. Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố thỏa thuận đạt được tại Geneva (Thụy Sĩ) đã mở ra chân trời mới, có lợi cho các nước trong khu vực và hòa bình thế giới. Điều này cho thấy các cường quốc thế giới công nhận “các quyền hạt nhân” của Iran. Ông Rouhani nói thêm rằng, Iran mong muốn khởi động ngay lập tức các cuộc đàm phán tiếp theo về một thỏa thuận hạt nhân toàn diện. 

Theo những chi tiết của bản thỏa thuận do Nhà Trắng cung cấp, Iran cam kết ngừng làm giàu uranium hơn 5%, không lắp đặt thêm các máy ly tâm, đồng thời cho phép các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp cận hàng ngày các cơ sở làm giàu uranium tại Natanz và Fordow... Đổi lại, các cường quốc cam kết sẽ nới lỏng và không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới trong 6 tháng nếu Iran tuân thủ thỏa thuận đạt được. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh thỏa thuận trên, xem đây là “bước tiến quan trọng đầu tiên hướng tới một giải pháp toàn diện” cho chương trình hạt nhân của Iran. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng lên tiếng chúc mừng các nhà đàm phán “vì tiến bộ đạt được có thể là bước khởi đầu của một thỏa thuận lịch sử cho người dân và các quốc gia khu vực Trung Đông”. Ông Ban 

Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ tiến trình này vì “nếu thành công, sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho tất cả các bên”.