Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng:

"Chúng tôi muốn đãi ngộ đặc biệt với tất cả VĐV, nhưng…"

ANTĐ - Sau loạt bài về hoàn cảnh khốn khổ sau khi giải nghệ của những VĐV như Nguyễn Thị Nụ (điền kinh), Lê Thị Huệ (vật) hay Nguyễn Thị Huyền Trang (đá cầu) đăng trên Báo An ninh Thủ đô, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT để làm rõ hơn vấn đề đãi ngộ dành cho VĐV của ngành TDTT.
"Chúng tôi muốn đãi ngộ đặc biệt với tất cả VĐV, nhưng…" ảnh 1

Vượt quá khả năng của ngành

- PV: Thưa ông, ngành thể thao đang được cho là có những khoảng trống về chính sách, nhất là chế độ đãi ngộ cho các VĐV, chưa tương xứng với những gì mà họ đã hy sinh vì thể thao nước nhà. Với tư cách là người đứng đầu ngành thể thao, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Ông Vương Bích Thắng: Chế độ dành cho các VĐV đã có quy định của Nhà nước. Chế độ này gồm nhiều thứ từ tiền ăn, tiền công, tiền thưởng, khám chữa bệnh, điều trị chấn thương, tiền hỗ trợ khi không còn làm VĐV… Tôi nghĩ đó là chế độ tốt và bảo đảm. Tôi rất hiểu việc các VĐV, gia đình họ cũng như người hâm mộ thể thao mong muốn Nhà nước có chính sách đãi ngộ tốt hơn với các VĐV. Chúng tôi nhiều khi cũng rất muốn vậy. Nhưng khi xây dựng chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước phải căn cứ trên các quy định chung, cân đối để có thể vừa bảo đảm tính công bằng với các đối tượng khác nhau, vừa phải phù hợp với khả năng của Nhà nước. 

- Nhiều ý kiến cho rằng cựu đô vật Lê Thị Huệ là một trong những trường hợp điển hình của việc không nhận được quan tâm đầy đủ từ ngành TDTT, ông đánh giá về điều này thế nào?

- Về trường hợp của Huệ, trước đây, khi Huệ đang còn tập luyện ở ĐTQG và xảy ra chấn thương, Trung tâm Huấn luyện TTQG khi đó đã có những chăm lo chu đáo. Ngoài chế độ, tiền chữa bệnh cho Huệ, còn vận động các tổ chức, cá nhân… đóng góp kinh phí giúp VĐV này.

Sau đó, Công ty Bảo Long có đón Huệ về để chữa trị. Khi Huệ trở về Thanh Hóa, địa phương này vẫn giữ được chế độ cho Huệ ổn định. Tuy nhiên, nhiều khi tình cảm, mong muốn của người hâm mộ là muốn Huệ hay những VĐV khác phải nhận được chế độ nhiều hơn nữa, nhưng nó vượt quá khả năng của ngành.

Tôi lấy ví dụ như ngành công an hay quân đội, khi một người bị thương hay bị bệnh cũng được giải quyết theo đúng chính sách của Nhà nước. Hay một công nhân đang làm nếu không may bị tai nạn lao động, người ta cũng chỉ được hưởng chế độ với mức nhất định. VĐV cũng như người lao động. Một VĐV khi không may gặp chấn thương, không thể nhận chế độ gấp nhiều lần  những trường hợp ở các ngành nghề khác được. 

Nghề VĐV rất ngắn, không như nhiều ngành nghề khác. Ví dụ như ngành diễn viên, một người có thể về công tác ở một đoàn nghệ thuật từ trẻ cho tới 40-50 tuổi. Nhưng VĐV độ tuổi thi đấu có hạn. Thậm chí có VĐV 13-14 tuổi, đã phải đi tập năng khiếu, nhưng đến 16-17 tuổi, người ta thấy không đủ khả năng, bắt buộc phải cho  thôi để tuyển người khác. Thể thao khắc nghiệt ở chỗ ấy, chưa kể luôn có rất nhiều VĐV. Hà Nội có khoảng 1.000 VĐV ở các môn, không thể có biên chế cho tất cả họ được.

"Chúng tôi muốn đãi ngộ đặc biệt với tất cả VĐV, nhưng…" ảnh 2Loạt bài về hoàn cảnh khốn khổ sau khi giải nghệ của những VĐV như Nguyễn Thị Nụ (điền kinh), Lê Thị Huệ (vật), Nguyễn Thị Huyền Trang (đá cầu) đăng trên báo An ninh Thủ đô
Ảnh: Thuần Thư

Tìm nguồn xã hội hóa

- Vậy có cách nào giảm bớt sự khó khăn của nhiều VĐV sau khi giải nghệ hiện nay không, thưa ông?

- Chúng tôi đã nhiều lần tính đến nguồn xã hội hóa. Trước đây, khi bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp thuộc về Truyền hình An Viên (AVG), đơn vị này đã lập Quỹ hỗ trợ VĐV Việt Nam để tài trợ cho các VĐV, HLV có hoàn cảnh khó khăn, bị chấn thương trong khi tập luyện thi đấu. Quỹ này đã hỗ trợ được nhiều VĐV, nhưng sau khi bản quyền không còn thuộc AVG mà thuộc về Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) nên quỹ không hoạt động nữa.

Chúng tôi đã tính tới phương án lập quỹ mới, nhưng vô cùng khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Những chế độ cho VĐV sau khi giải nghệ, ngành TDTT và các đơn vị chủ quản của các VĐV đã tạo điều kiện cho họ đi học Đại học TDTT. Tuy nhiên, không phải VĐV nào cũng chịu khó và tận dụng cơ hội đi học, một số VĐV đi theo ngã rẽ khác. Về cơ bản, cần phải có sự nỗ lực từ 2 phía (ngành TDTT và cá nhân VĐV) để đi tới đỉnh cao của thành tích cũng như có một sự nghiệp sau thi đấu hiệu quả hơn. 

- Còn nhiều khó khăn như vậy, ông có cho rằng thể thao Việt Nam vẫn có thể thu hút được các gia đình cho con em của mình theo nghiệp này?

- Đây là điều chúng tôi rất lo lắng. So với mặt bằng chung của xã hội, thu nhập của hầu hết VĐV thể thao  chỉ đạt mức trung bình. Ngoài những trường hợp đặc biệt như cầu thủ bóng đá nam hay một số VĐV nổi tiếng như Tiến Minh, Ánh Viên… giành được nhiều giải khu vực, châu lục và thế giới còn hầu hết đều có thu nhập không cao. Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất có những chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào thể thao nhiều hơn, nếu chỉ dựa vào Nhà nước thì rất khó khăn.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!