Chung tay cứu ngành du lịch: "Hãy hoãn tour, đừng hủy"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dịch Covid – 19 vừa tái phát tại Đà Nẵng, Quảng Nam… khiến cho ngành du lịch một phen bất ngờ. Chỉ trong hai ngày 26 và 27/7, khoảng 80.000 khách mắc kẹt tại Đà Nẵng, ngành hàng không phải hoạt động hết công suất để đưa khách trở về nhà an toàn. Hiệu ứng domino từ đây. Nhiều du khách liên hệ với công ty lữ hành để đổi, bảo lưu, hủy tour. Cao điểm của mùa du lịch nhưng đang có dấu hiệu trầm hơn.

Ngày 25/7, ca bệnh mới trong cộng đồng xuất hiện, ngay sau đó các chuyến bay đến/đi từ Đà Nẵng được Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tạm dừng và chuẩn bị các phương án hỗ trợ hành khách đã mua vé.

Lượng hành khách mắc kẹt quá lớn đã gây áp lực cho ngành hàng không và ngành du lịch.

Tới ngày 29/7, còn khoảng 300 hành khách vẫn ở lại Đà Nẵng. Sở Du lịch Đà Nẵng đang phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ cho những du khách chưa thể tời thành phố về nhà. Hiện nhiều nhà nghỉ, khách sạn tại Đà Nẵng sẵn sàng tiếp nhận du khách chưa kịp về, với điều kiện du khách có khai báo y tế trước đó.

Du khách đổ dồn về sân bay Đà Nẵng để mong sớm được về nhà (Ảnh: VOV)

Theo thông tin từ Công ty Vietravel, đơn vị này đã hỗ trợ 63 đoàn khách rời khỏi Đà Nẵng trong ngày 27/7 và các đoàn phát sinh tới sẽ chuyển tour hoặc bảo lưu cho dịch vụ lần tới. Khoảng 4.500 người tới Đà Nẵng theo kế hoạch ban đầu từ ngày 26 đến ngày 31/7 đều dừng lại. Một số tour hiện nay có sự biến động nhẹ vì du khách muốn thay đổi hoặc hoãn.

Còn theo thông tin từ Công ty Flamingo Redtours, ngay khi có thông tin tạm thời giãn cách xã hội tại Đà Nẵng, đơn vị nhanh chóng hỗ trợ khách hàng được hoàn vé, đổi chuyến, đưa khách trở về an toàn.

Các tour tới Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Tuy Hòa (Phú Yên) hiện đang phải tạm dừng theo đúng quy định tại các địa phương về phòng, chống dịch Covid - 19.

Hội An đã thông báo dừng đón khách từ ngày 28/7 để phòng chống dịch Covid – 19. Các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ, điểm tham quan trên địa bàn thành phố sẽ dừng đón khách. Với những trường hợp đã đến lưu trú trước thời điểm này phải tiến hành nghiêm việc khai báo y tế.

Ngày 29/7, Phú Yên cũng có công văn chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạm dừng hoạt động tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Theo chia sẻ chung từ một số đơn vị lữ hành du lịch, việc chuyển hành khách từ Đà Nẵng vừa qua về hoàn toàn do các đơn vị chủ động và gấp rút triển khai trong thời gian cực kỳ ngắn. Tất nhiên, trong quá trình đó còn gặp nhiều khó khăn, thực sự cần xắn tay hơn nữa của phía Tổng Cục Du lịch Việt Nam.

"Đứng từ phía những người cung cấp dịch vụ cho khách, chúng tôi luôn mong muốn đem tới cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất, an toàn nhất. Vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ có những chỉ đạo sát sao, cụ thể hơn từ phía Tổng Cục Du lịch. Đơn cử như các điểm tham quan đóng, mở cửa trong thời gian này cần có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị lữ hành xây dựng kế hoạch chi tiết với phía đơn vị kinh doanh dịch vụ như khách sạn, nhà hàng...", ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Công ty Flamingo Redtours chia sẻ.

Một số công ty du lịch cho biết, ngay từ việc vận chuyển 80.000 hành khách mắc kẹt tại Đà Nẵng, nếu được sự hỗ trợ từ phía Tổng Cục Du lịch thì các công ty lữ hành và phía kinh doanh dịch vụ hoàn toàn có thể linh động trong việc sử dụng chính các khách sạn, nhà nghỉ để phục vụ người dân tạm thời, tránh tình trạng người dân phải vất vả chờ tại sân bay suốt thời gian dài.

Các di tích, điểm tham quan tại Hà Nội yêu cầu du khách đeo khẩu trang (Ảnh: Quang Thái)

Ngành du lịch chỉ vừa mới kịp phục hồi từ cuối tháng 4 với nhiều kỳ vọng trong mùa cao điểm du lịch 3 tháng hè. Thế nhưng, một lần nữa ngành kinh tế mũi nhọn này có thể sẽ chứng kiến nhịp chững thứ hai, nếu không có được sự chung tay của khách hàng và phía cơ quan chức năng.

Theo quy trình, khi đặt chuyến cho khách, phía công ty lữ hành sẽ phải thanh toán 100% tiền cho phía kinh doanh dịch vụ. Về phần du khách, họ sẽ thanh toán trước 50% tiền cho công ty lữ hành. Nếu đồng loạt du khách mong muốn được hoàn tiền trả vé quả là bài toán khó với người đứng trung gian - các công ty lữ hành.

Nhiều đơn vị lữ hành quy mô nhỏ cho biết, họ sẽ không thể chống cự được lần này nữa khi chưa biết lấy kinh phí ở đâu hoàn hết về cho khách.

“Chúng tôi điêu đứng suốt mấy tháng đầu năm, chỉ vừa mới vay vốn để vực dậy, xoay xở mọi cách để giảm chi phí cho khách xuống thấp nhất nhưng tối đa hóa quyền lợi cho du khách. Là những người làm du lịch, chúng tôi thực sự mong nhận được sự thông cảm của khách trong tình hình khó khăn chúng như thế này, nếu không chúng tôi sẽ khụy”, một nhân viên của công ty du lịch trên địa bàn Hà Nội cho biết.

Nhiều công ty hiện chủ động tạm ngừng các du khách đến, trở về từ vùng hiện có dịch, với những khách khác được yêu cầu khai báo y tế trước khi nhận phòng ít nhất 24 giờ.

Theo ghi nhận hiện nay, do tâm lý khách hàng về dịch bệnh nên ít nhiều các tour du lịch thay đổi và trầm hơn trước. Mặc dù đã qua lần “tập dượt” thứ nhất, nhưng tâm lý đám đông hoang mang vẫn còn.

Hơn bao giờ, yếu tố an toàn cần được các công ty du lịch, lữ hành thực hiện nghiêm ngặt để ổn định tâm lý khách hàng về việc phòng, chống dịch Covid – 19. Trong cộng đồng nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan trong bối cảnh tình hình phức tạp.

Có thể nói, lúc này không chỉ “Đà Nẵng cố lên” mà cộng đồng đang cùng nhau lan tỏa đi thông điệp “Việt Nam sẽ chiến thắng một lần nữa”, cùng nhau tin rằng Việt Nam sớm trở lại trạng thái bình thường như trước đó. Sự chung tay đồng lòng của xã hội làm nên sức mạnh quan trọng cho cuộc chiến với dịch bệnh.