Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng:

“Chúng ta đã quá kém cỏi”

ANTĐ - Người đứng đầu Tổng cục TDTT thừa nhận ngành thể thao đã không hoàn thành nhiệm vụ tại Olympic như đã đăng ký với Bộ chủ quản, đồng thời đứng ra nhận trách nhiệm việc đoàn Việt Nam trắng tay trên đất London. 

Ngành thể thao thừa nhận không hoàn thành nhiệm vụ tại Olympic 2012

- PV: Xin ông cho biết nội dung cuộc họp giữa Tổng cục và các bộ môn tổng kết Olympic trong 2 ngày qua?

- Ông Vương Bích Thắng: Chúng tôi đã nghe các bộ môn, HLV, VĐV dự Olympic 2012 đánh giá, kiểm điểm những việc đã và chưa làm được, phân tích nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp khắc phục nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các giải đấu sắp tới. 

- Ông nói gì về kết quả của đoàn Việt Nam tại Olympic 2012?

- Chúng tôi chia kế hoạch Olympic thành 2 quá trình. Ở quá trình chuẩn bị, tôi khẳng định ngành thể thao đã thực hiện rất thành công với việc có tới 18 VĐV giành vé chính thức. Nhưng ở quá trình quan trọng nhất là thi đấu, chúng tôi đã không hoàn thành khi không thể có huy chương như mục tiêu đề ra. Là những người đứng đầu, tôi và trưởng đoàn Lâm Quang Thành (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - PV) phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Chúng tôi đã nhận trách nhiệm và đã có giải trình cụ thể với Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ngay trong cuộc họp chiều 23-8. 

- Olympic 2012 hẳn là bài học lớn với ngành thể thao?

- Đúng vậy. Chúng tôi đã họp bàn kiểm điểm để chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự kém cỏi này. Chúng ta đã có kế hoạch chuẩn bị Olympic dài hơi nhất (từ đầu 2011). Nhưng phải thừa nhận, thời gian hơn một năm rưỡi đó chỉ đủ để tiếp cận thành tích châu lục, thế giới chứ chưa chắc chắn giành huy chương Olympic. Sau cuộc họp, ngành thể thao thống nhất buộc phải thay đổi trong thời gian tới. Cụ thể là sẽ phối hợp với các bộ môn, địa phương rà soát và chọn ra các môn, nội dung thế mạnh (từ 3-5 môn) để đầu tư trọng điểm, đơn cử như bắn súng, cử tạ, TDDC…

- Mặt trái của việc đầu tư dàn trải, đi tắt đón đầu ngày một lộ rõ. Liệu sắp tới, ngành thể thao có cân nhắc việc “xem nhẹ” SEA Games để tập trung tối đa cho ASIAD hay Olympic?

- Tôi xin khẳng định, mục tiêu SEA Games vẫn phải giữ vững, cụ thể là đứng trong tốp đầu khu vực, với các môn thế mạnh là vươn tầm châu Á, thế giới. Tuy nhiên, sắp tới sự đầu tư cho SEA Games và ASIAD, Olympic sẽ có mức độ, chỉ tiêu khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng nên học tập theo cách mà một số nước, điển hình là      CHDCND Triều Tiên thực hiện là “nuôi gà nòi”. Theo tôi đây cũng là một cách hay, nhưng về lâu dài, để có huy chương vẫn phải cần thêm những giải pháp triệt để. Tôi lấy ví dụ, ngoài các mũi nhọn là các hạng cân nhẹ như 56kg nam ở cử tạ, ta có thể lưu ý đến các hạng cân cao hơn, như hạng 63kg chẳng hạn. Thái Lan và Indonesia cũng đã có huy chương ở các hạng cân này.

- Ông nghĩ sao về mục tiêu giành HCV Olympic 2016?

- Ai cũng hiểu, để chuẩn bị cho một kỳ Olympic cần tới ít nhất 10 năm. Mục tiêu có HCV tại Olympic 4 năm tới mà ngành thể thao đăng ký chỉ là mục tiêu phấn đấu, và tôi nghĩ sẽ rất khó thực hiện được. Tuy nhiên, thời điểm này, chúng tôi chỉ biết khẳng định sẽ làm hết khả năng. Các mũi nhọn Olympic 2016 sẽ được sàng lọc, đầu tư ngay từ bây giờ.

- Xin cảm ơn ông!

“Ngành thể thao còn quá thiếu chuyên nghiệp”

Trưởng đoàn Lâm Quang Thành cho rằng, thành tích kém cỏi của đoàn Việt Nam tại Olympic 2012 là hệ quả của việc ngành thể thao quá thiếu chuyên nghiệp, nặng lý thuyết, duy ý chí dẫn đến thiếu chặt chẽ. “Đến với đấu trường Olympic, chúng ta thiếu sự đầu tư dài hạn, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học, nguồn nhân lực lẫn tài chính hạn hẹp. Đặc biệt rất thiếu thông tin, VĐV Việt Nam thế giới biết hết, còn chúng ta vẫn mơ hồ về thông tin đối phương. Olympic 2012 thực sự là bài học cho lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cũng như cả ngành thể thao”.