Chung sức, đồng lòng duy trì nền hòa bình, an ninh ổn định

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - ASEAN và các nước đối tác nhấn mạnh cần duy trì vai trò quan trọng của việc áp dụng các biện pháp xây dựng lòng tin thực chất, nâng cao tinh thần đoàn kết và hợp tác trong ASEAN cũng như giữa hiệp hội với các nước đối tác để hiện thực hóa một nền an ninh hài hòa nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng và khả năng tự cường trước những thách thức an ninh hiện tại đang nổi lên ở khu vực và thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trong phát biểu tại ADMM+ lần thứ 9 đã nêu rõ cần đồng thuận để thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định bền vững ở khu vực

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trong phát biểu tại ADMM+ lần thứ 9 đã nêu rõ cần đồng thuận để thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định bền vững ở khu vực

Nhận diện những thách thức an ninh chung

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 9 diễn ra tại thành phố Siem Reap của Campuchia ngày 23-11 với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước thành viên ASEAN và đại diện các nước đối tác Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Liên bang Nga và Mỹ là một sự kiện quốc phòng và an ninh lớn. Đoàn đại biểu quân sự cấp cao nước ta do Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn tham dự hội nghị.

ADMM+ năm nay diễn ra khi khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, bất ổn. Cuộc xung đột quân sự kéo dài giữa Nga và Ukraine cuốn theo sự can dự với các hình thức, mức độ khác nhau của nhiều cường quốc, đồng thời tác động lớn tới các vấn đề quốc phòng, an ninh và ổn định không chỉ ở châu Âu mà nhiều khu vực khác trên thế giới. Trong khi đó, các thách thức an ninh khu vực như vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, quân sự hóa ở Biển Đông, cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar - một quốc gia thành viên ASEAN… tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Những bất ổn, phức tạp của tình hình quốc phòng, an ninh đã tác động sâu rộng và nặng nề tới kinh tế toàn cầu. Kinh tế khu vực và thế giới vốn chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19 lại tiếp tục phải hứng chịu những bất lợi nghiêm trọng, dẫn tới những tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu, khủng hoảng an ninh năng lượng và an ninh lương thực… đẩy nền kinh tế thế giới nguy cơ rơi vào suy thoái.

Trong phát biểu đề dẫn tại ADMM+ lần thứ 9, Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Sen cho rằng, thế giới đang ở một thời điểm quan trọng khi nhiều cuộc khủng hoảng phức tạp đang đặt ra mối đe dọa chưa từng có đối với nền tảng hòa bình, ổn định và tiến bộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Để vượt qua, theo vị Thủ tướng nước chủ nhà ADMM+ năm nay, ASEAN cần tiếp tục nỗ lực duy trì văn hóa đối thoại và xây dựng lòng tin bằng cách cung cấp một nền tảng an toàn, cởi mở và mang tính xây dựng; thúc đẩy chủ nghĩa đa phương rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ vốn là mục tiêu cốt lõi của ASEAN.

Chia sẻ với những đánh giá của các Trưởng đoàn tham dự ADMM+ lần thứ 9 về tình hình an ninh khu vực và thế giới, Bộ trưởng Quốc phòng nước ta Phan Văn Giang nêu rõ, thế giới đang chứng kiến chuyển động nhanh chóng, khó dự đoán của môi trường địa chính trị chiến lược. Tuy có nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển của các thể chế hợp tác khu vực và quốc tế, nhưng cạnh tranh, mâu thuẫn, thậm chí đối đầu căng thẳng vẫn còn hiện hữu ở nhiều nơi.

Trong khi các vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh mạng... ngày càng nổi lên gay gắt, vấn đề an ninh truyền thống vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, thách thức liên quan đến an ninh biển đang là vấn đề được nhiều nước quan tâm chú ý, trong đó có an ninh trên Biển Đông.

Hòa bình, an ninh, ổn định là tiền đề quan trọng để phục hồi

Cùng nhận diện, giảm thiểu những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đồng thời đề ra các biện pháp phòng ngừa, xây dựng, củng cố lòng tin nhằm duy trì một nền hòa bình, an ninh ổn định là những vấn đề mà các Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng các thành viên ASEAN và các nước đối tác cùng chia sẻ, tìm tiếng nói chung tại ADMM+ lần thứ 9. Đó cũng là nguyên tắc mà ADMM+ từ khi hình thành đã trở thành một cơ chế hợp tác đa phương chính trong hợp tác quốc phòng để thúc đẩy tiến trình hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực dựa trên nguyên tắc ASEAN đồng thuận, đoàn kết và trung tâm.

Với vai trò dẫn dắt và trung tâm của ASEAN, các Trưởng đoàn tham dự ADMM+ lần thứ 9 thống nhất cho rằng, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đòi hỏi các nước phải thúc đẩy đối thoại, tăng cường hợp tác để ứng phó hiệu quả với các thách thức, đảm bảo hòa bình, an ninh và thịnh vượng khu vực. Các Trưởng đoàn cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của ADMM+ với vai trò là một thành tố chính trong việc củng cố an ninh khu vực một cách vững mạnh, hiệu quả và cởi mở, góp phần xây dựng niềm tin, trong đó ASEAN giữ vai trò trung tâm và đoàn kết.

Các Trưởng đoàn dự ADMM+ lần thứ 9 cũng đã trao đổi sâu sắc về các thách thức an ninh biển, trong đó có Biển Đông; tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn, tự do hàng hải và hàng không cũng như nhu cầu tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không ép buộc, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đồng thời, đại diện các nước cũng nhấn mạnh duy trì vai trò quan trọng của việc áp dụng các biện pháp xây dựng lòng tin thực chất, nâng cao tinh thần đoàn kết và hợp tác trong ASEAN với các nước đối tác để hiện thực hóa một nền an ninh hài hòa nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng và khả năng tự cường trước những thách thức an ninh đang nổi lên ở khu vực.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang cho rằng, việc tăng cường hợp tác quốc phòng vì một nền an ninh hài hòa như chủ đề của nước chủ nhà Campuchia đưa ra tại Hội nghị ADMM+ lần thứ 9 đã phản ánh mong muốn chung về việc tạo lập, duy trì một nền hòa bình, an ninh ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đây là tiền đề quan trọng để các nước tập trung phục hồi kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả sau đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Phan Văn Giang đánh giá, kể từ khi được thành lập, ADMM+ luôn phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia nội khối cũng như các đối tác bên ngoài, vì hòa bình, ổn định khu vực. Có được những kết quả như vậy, ngoài sự nỗ lực của ASEAN còn có sự cam kết, ủng hộ của các nước đối tác.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang nhấn mạnh, cần cùng nhau cam kết và mong muốn đồng thuận về thúc đẩy hòa bình và an ninh bền vững trong khu vực. Là một thành viên của ASEAN, Việt Nam cam kết trách nhiệm cùng các nước thành viên đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển chung của ASEAN, cũng như ADMM và ADMM+ nói riêng.

Chia sẻ mối quan tâm chung về thách thức an ninh biển, trong đó có Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng nước ta nêu rõ, việc duy trì môi trường an ninh biển hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông là quan tâm và lợi ích chung của các nước ASEAN và đối tác ASEAN. Bộ trưởng Phan Văn Giang một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam, đó là kiên trì giải quyết mọi vấn đề bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xúc tiến hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.