Chung sống với dịch và những gợi mở cho doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 kéo dài đã làm thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, khiến đa số doanh nghiệp “toát mồ hôi” tìm lối đi. Và những tư duy mới, kinh nghiệm thực tế của Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã thực sự gợi mở những câu trả lời về việc thích nghi trong đại dịch, cũng như trạng thái bình thường mới và việc có hay không khởi nghiệp trong lúc này…
Ông Trần Quí Thanh - Tổng Giám đốc, người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát
Ông Trần Quí Thanh - Tổng Giám đốc, người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Tư duy quản lý mới và “liều thuốc tăng lực” cho doanh nghiệp

Trong những ngày này, thuật ngữ trạng thái “bình thường mới” luôn được nhắc đến. Ông Trần Trí Thức (TP.HCM) có đặt câu hỏi với ông Trần Quí Thanh - Tổng Giám đốc, người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát: “Cần phải làm gì cho sự trở lại của doanh nghiệp, hay nói khác đi, liều vaccine cho doanh nghiệp là thế nào?”.

Trả lời câu hỏi này trên trang cá nhân (tranquithanh.com), ông Trần Quí Thanh dẫn chứng những thông tin mới nhất về dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam và nói: “Có thể khẳng định ngày “bình thường mới” đó đã gần đến rồi. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị để quay trở lại với nhà máy, công trường, thị trường. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp đã kiệt sức sau thời gian dài đối phó với dịch bệnh và cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước, nếu không thì cũng khó có thể đủ sức để quay lại bắt nhịp với thị trường”.

Theo người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát có 3 “liều thuốc tăng lực” cho doanh nghiệp cấp thiết lúc này: Một là, triển khai tiêm vaccine nhanh cho toàn bộ công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp, ít nhất là mũi 1, sau đó tiêm mũi 2 cuốn chiếu theo kỳ hạn. Đây là cách bảo vệ an toàn sản xuất hiệu quả nhất, sau đó mới đến các biện pháp khác như 5K. Chính quyền cũng cần tin tưởng vào các doanh nghiệp, họ đủ trách nhiệm và giải pháp để tự bảo vệ, bởi vì nếu để dịch lây lan trong doanh nghiệp thì họ sập tiệm. Hai là các chính sách hỗ trợ tài chính, cho vay vốn không lãi suất.

Để thu hút vốn đầu tư thì không chỉ là sản phẩm có khả năng chinh phục thị trường mà còn là con người, là những cá nhân xuất sắc tạo thành “team” khởi nghiệp mạnh và đáng tin cậy. Doanh nghiệp xây dựng được chiến lược kinh doanh tốt sẽ có sức thuyết phục các nhà đầu tư bỏ vốn, nhưng sản phẩm tốt mà kinh doanh kém thì hàng cũng chỉ nằm trong kho mà thôi…

Ông Trần Quí Thanh - Người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Miễn giảm các loại thuế phí, khoanh nợ và lùi thời gian trả các loại phí thuê đất và các phí bắt buộc phải trả. Cách này giúp dưỡng sức doanh nghiệp trong lúc khó khăn, dành vốn để tái sản xuất kinh doanh. Ba là thanh toán lại các chi phí doanh nghiệp bỏ ra để tham gia phòng chống dịch. Doanh nghiệp phải chi phí rất nhiều cho xét nghiệm và chăm sóc, bảo vệ người lao động đúng theo các quy định phòng dịch của ngành y tế và chính quyền. “Nhà nước hỗ trợ được 3 khoản trên, doanh nghiệp sẽ có được thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển” - ông Trần Quí Thanh khẳng định.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát nhìn nhận: “Cụm từ “bình thường mới” sẽ là một khái niệm thể hiện rằng, sau mỗi cuộc khủng hoảng, chúng ta cần phải thích nghi thay vì chờ đợi mọi thứ sẽ trở lại như cũ. Tôi nghĩ, thời gian sống chung với dịch bệnh đã đủ dài để mọi người hiểu rằng, đây chính là thực tại, là bình thường mới” - bà Trần Uyên Phương nói.

Khẳng định, trong những lúc khó khăn thách thức như Covid-19, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng, bà Trần Uyên Phương kể về những lãnh đạo Tân Hiệp Phát đã đến công ty ngủ. Vì họ lo lắng, nếu họ có trở thành F0, hay F1, F2 thì ngay lập tức sẽ ảnh hưởng tới tiến độ công việc chung, cho nên họ tự động cách ly trước. “Khi ở vị trí quản lý thì mình phải là người làm gương trước.

Biết là công việc không thể thiếu mình, thì mình càng phải ý thức. Lãnh đạo tập thể nhưng lãnh đạo bản thân và tuân thủ cũng là điểm đáng được ghi nhận cho nhân viên và quản lý ở mỗi phạm vi khác nhau. Khi mình hành động và mọi người nhận được sự yên tâm, an toàn thì mình không nhận thấy đó là sự hy sinh, nó là một phần trách nhiệm của mình. Khi mọi người yên tâm thì mình cũng nhận được năng lượng tích cực tỏa ra từ họ” - bà Trần Uyên Phương phân tích về tư duy quản lý đã phát huy hiệu quả ở Tân Hiệp Phát.

Bà Trần Uyên Phương chia sẻ với hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong Talkshow do GIVERS Café tổ chức tối 12-9 rằng: “Covid sẽ không hết, virus không biến mất, thậm chí có thể còn biến thể khó lường”. Do dịch bệnh nên mọi lĩnh vực (xã hội, kinh tế, đời sống) đã, đang và sẽ phát sinh nhiều vấn đề khó khăn hơn, phức tạp hơn. “Cá nhân tôi, từ mấy tháng nay đã quên mất ngày nào là Chủ nhật. Vì áp lực công việc, vì nhất thiết phải có giải pháp duy trì sản xuất trong đại dịch, chúng tôi phải tư duy liên tục, sáng tạo liên tục để tìm giải pháp”. Bà Trần Uyên Phương tâm sự, với doanh nhân, bản lĩnh và tinh thần sáng tạo là hai cốt cách không thể thiếu mới có thể dẫn dắt doanh nghiệp đi qua khó khăn.

Doanh nghiệp muốn “sống chung” với đại dịch, thì từ lãnh đạo tập đoàn cho tới mọi người lao động đều phải có bản lĩnh

Doanh nghiệp muốn “sống chung” với đại dịch, thì từ lãnh đạo tập đoàn cho tới mọi người lao động đều phải có bản lĩnh

Đáp án cho bài toán khởi nghiệp trong đại dịch

Trong bối cảnh hiện nay, việc khởi nghiệp cũng là vấn đề đau đầu với rất nhiều người. Bài toán về nguồn vốn và lựa chọn sản phẩm, ngành hàng nào, bao giờ làm được… dường như được viết hoa với những dấu hỏi lớn và hầu như chưa có lời giải đáp phù hợp. Để có đáp án cho vấn đề này, người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát nêu vấn đề: Khủng hoảng kinh tế xảy ra do đại dịch trên phạm vi toàn cầu dẫn đến những khó khăn trong thu hút vốn từ các quỹ đầu tư là điều đương nhiên, nhất là đối với thị trường Việt Nam sau khi bùng phát dịch lần thứ tư. Tuy nhiên, với kinh nghiệm phong phú của mình, ông Trần Quí Thanh khẳng định một điều rất quan trọng là: “Không bao giờ thiếu vốn. Các nhà đầu tư vẫn săn tìm “start-up” triển vọng để bỏ tiền ra, ai cũng phải tìm cách làm ăn, không thể ngồi chờ thời mãi được”.

Ông Trần Quí Thanh phân tích: “Có điều chúng ta phải nhìn thấy, đó là có nhiều lĩnh vực kinh doanh, không phải lĩnh vực nào cũng bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch, thậm chí ngược lại. Ví dụ những doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề khai thác công nghệ thì có lợi thế, vậy thì làm ra sản phẩm phục vụ cho kinh doanh trực tuyến là một lựa chọn phù hợp trong lúc này”. Từ đó, người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ: “Các bạn trẻ khởi nghiệp hãy tìm cho mình một hướng đi, tạm thời đó là công nghệ, còn sản phẩm gì thì chỉ có “trời biết”.

Cụm từ “bình thường mới” sẽ là một khái niệm thể hiện rằng, sau mỗi cuộc khủng hoảng, chúng ta cần phải thích nghi thay vì chờ đợi mọi thứ sẽ trở lại như cũ. Tôi nghĩ, thời gian sống chung với dịch bệnh đã đủ dài để mọi người hiểu rằng, đây chính là thực tại, là bình thường mới.

Bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Bởi vì, nếu ai cũng có thể nhìn thấy được thì không còn là thứ quý giá nữa, hoặc làm ra sản phẩm tương tự như những sản phẩm có trên thị trường thì cũng chẳng ăn ai. Cái mà thị trường cần, đó là những sản phẩm phục vụ cho con người thời đại dịch cho đến về sau, ai tìm ra nó thì người đó thành công. Xin đưa ví dụ, hiện nay chúng ta thấy Grab là chuyện bình thường, nhưng khi chưa có loại hình công nghệ đó thì không ai nghĩ ra được - trừ chính tác giả của công nghệ này”.

Ông Trần Quí Thanh cũng gợi mở thêm: “Nhưng để thu hút vốn đầu tư thì không chỉ là sản phẩm có khả năng chinh phục thị trường, mà còn là con người là những cá nhân xuất sắc tạo thành “team” khởi nghiệp mạnh và đáng tin cậy. Doanh nghiệp xây dựng được chiến lược kinh doanh tốt sẽ có sức thuyết phục các nhà đầu tư bỏ vốn, nhưng sản phẩm tốt mà kinh doanh kém thì hàng cũng chỉ nằm trong kho mà thôi…”.

Tin cùng chuyên mục