Chứng kiến người khác bị đánh đến chết mà không cứu, bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua xảy ra không ít vụ việc một số cá nhân tận mắt chứng kiến người khác bị đánh đập, hành hung dẫn đến thương tích nặng, thậm chí tử vong nhưng không có bất kỳ hành động can thiệp, cứu giúp nào mà còn chụp ảnh, livestream lên mạng xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi, hành vi này sẽ bị xử lý ra sao theo quy định?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo quy định hiện hành, tố giác tội phạm được xem như một nghĩa vụ bắt buộc của công dân nhằm mục đích phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm. Hành vi chứng kiến người khác bị hành hung nhưng không cứu giúp, cũng không thông báo kịp thời tới cơ quan có thẩm quyền có dấu hiệu của Tội không tố giác tội phạm, được quy định tại Điều 390 BLHS 2015 sửa đổi.

Điều luật này quy định, người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện, hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và 3 Điều 19 của Bộ luật này thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

Như vậy, theo quy định này, cá nhân nếu biết rõ một trong các tội phạm về xâm phạm an ninh quốc gia theo khoản 2, 3 Điều 14 đang được chuẩn bị, các tội về xâm phạm tính mạng, sức khỏe, dạnh dự, trật tự quản lý kinh tế... theo Điều 389 đang hoặc đã thực hiện mà không tố giác thì phạm tội không tố giác tội phạm.

Trường hợp người chứng kiến cố tình che người phạm tội, che giấu dấu vết, che giấu tang vật, cản trở điều tra, cản trở việc phát hiện tội phạm, cản trợ việc xử lý người phạm tội... thì còn có thể bị xử lý về Tội che giấu tội phạm với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 7 năm.

Thời gian qua, tình trạng cá nhân chứng kiến người khác bị đánh nhưng thản nhiên đứng quay clip vẫn diễn ra phổ biến

Thời gian qua, tình trạng cá nhân chứng kiến người khác bị đánh nhưng thản nhiên đứng quay clip vẫn diễn ra phổ biến

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, việc cứu giúp khi người khác gặp nguy hiểm đến tính mạng không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân. Trường hợp người bị nạn do không được cứu giúp mà chết, người chứng kiến có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng tại Điều 132 BLHS 2015.

Theo đó, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội dẫn đến 2 người chết trở lên thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

Để bị xử lý về tội này, người phạm tội này phải thỏa mãn các dấu hiệu: Người phạm tội đã nhìn thấy có người bị tai nạn hoặc trong trường hợp khác đang bị nguy hiểm có thể dẫn đến bị chết nhưng không có hành động gì để việc cứu giúp nạn nhân.

Người phạm tội là người có điều kiện để cứu giúp nạn nhân. Họ có thể đưa người bị nạn đi cấp cứu, gọi cấp cứu hoặc biết cách sơ cứu nạn nhân… để ngăn chặn hậu quả chết người xảy ra, nhưng họ đã không hành động, tức không cứu giúp người bị nạn. Hậu quả chết người phải là hệ quả tất yếu của hành vi không cứu giúp người bị nạn.