Chứng chỉ không phải là “cây đũa thần”

ANTĐ - 14 năm trước, Cục Nghệ thuật biểu diễn từng cấp chứng chỉ hành nghề cho các ca sĩ hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật công lập. Mọi việc đang diễn ra thuận lợi thì đùng một cái quy định này bị bãi bỏ với lý do đây là “giấy phép con”, sản phẩm của cơ chế “xin-cho”, sự tồn tại của nó sẽ làm khó cho các doanh nghiệp…Và rồi, 14 năm sau, việc tái cấp chứng chỉ cho nghệ sĩ, người mẫu lại được đưa ra bàn thảo sôi nổi.

Thu Minh từng bị xử phạt vì diện trang phục thiếu vải lên sân khấu

Tạo cơ chế “thoáng”

Theo dự thảo Đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu được đưa tại Hội nghị trực tuyến, tổ chức sáng qua, 3-6 tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, những người được cấp thẻ phải hội đủ 3 điều kiện: Có tư cách đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn và chưa từng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề trước đây (từ năm 1999 đến 2002- PV). Bộ VH-TT&DL cũng dự định cấp 2 loại thẻ: Loại thứ nhất, dành cho các nghệ sĩ được đào tạo tại các trường nghệ thuật và có danh hiệu. Loại thứ 2 cấp cho các nghệ sĩ không được đào tạo bài bản, nhưng có năng khiếu và được công chúng yêu mến. Đặc biệt, mã số chứng chỉ được cấp trùng với mã số thuế thu nhập cá nhân của từng người (tiện cho việc quản lý và thu thuế).  Một số cá nhân tham gia soạn thảo đề án này bày tỏ quan điểm, thẻ sẽ được cấp một lần và có hiệu lực vĩnh viễn. Về xử phạt, nếu nghệ sĩ vi phạm các quy định biểu diễn sẽ bị treo chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 2 năm. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng cho tới thu hồi thẻ. Bộ VH-TT&DL sẽ tạo một cơ chế thông thoáng, cởi mở để các ca sĩ người mẫu có thể đăng ký xin cấp thẻ một cách dễ dàng nhất, việc cấp thẻ cũng sẽ được miễn phí hoàn toàn. 

Vẫn cứ 9 người 10 ý

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nghệ sĩ, tiêu chí để cấp chứng chỉ dù không nhiều (3 tiêu chí) nhưng lại mơ hồ, ví như đạt đến độ nào thì được gọi là có năng lực chuyên môn? NSND Trần Bình chia sẻ, sai phạm trong lĩnh vực biểu diễn thì nhiều, nhưng chỉ thấy xử phạt ca sĩ, người mẫu mà ít nhắc đến vai trò của chỉ đạo nghệ thuật hay giám đốc sản xuất. Ví như chương trình “Đêm hội chân dài” vừa qua, các người mẫu đều phải tuân theo sự chỉ đạo mặc gì ra sân khấu, chứ có phải được tự ý mặc gì thì mặc đâu. Vì thế, rất cần siết chặt vai trò của những người tổ chức chương trình trước rồi hãy tính đến nghệ sĩ.

Nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Lê Ngọc Cường cho rằng, phải đưa ra tiêu chuẩn để được cấp phép một cách rõ ràng, chứ không phải cứ ai có nguyện vọng là được cấp. Nếu đại trà, chẳng hóa ra việc cấp thẻ này không có tác dụng? Bên cạnh đó,  nhất thiết thẻ hành nghề phải có thời hạn, 5 năm hay 3 năm, đến chứng minh thư còn phải có thời hạn là 15 năm.  Ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL cũng đồng quan điểm, cần có tiêu chí cụ thể vì:  “Nhiều nghệ sỹ chưa qua đào tạo, hành nghề tự do, nếu bảo chỉ cần có báo cáo hoạt động, có đạo đức thì được cấp thẻ là chưa cụ thể. Bên cạnh đó, hoạt động nghệ thuật có tính năng khiếu, vì vậy, trong đề án cần xây dựng quy định về tuổi cấp thẻ”. NSND Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cũng bày tỏ lo ngại liệu việc cấp chứng chỉ có đạt được hiệu quả như mong muốn hay không nếu thông thoáng quá.

Ông Võ Trọng Nam- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Hồ Chí Minh lại có quan điểm khác. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh là nơi quy tụ nhiều nghệ sĩ tự do nhất trên địa bàn cả nước.  Thực tế,  trong các nghị định về quản lý văn hóa đều không có điều khoản nào về cấp thẻ hành nghề. “Chúng ta chỉ quản lý chương trình, nội dung nghệ thuật, không chịu trách nhiệm quản lý con người cụ thể. Nếu chúng ta quản lý tốt, duyệt chương trình tốt thì sẽ quản lý được lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, chứ không cần thêm “giấy phép con”,  kinh nghiệm từ việc cấp thẻ những năm 1999-2002 vốn rất gian nan”- ông Nam chia sẻ.

Lấy ví dụ về việc không cần có thêm một thủ tục hành chính rườm rà, ông Nam tiếp tục nêu ví dụ, trường hợp ca sỹ Bảo Yến, Kim Tiểu Long, Trọng Tấn… từng bị Bộ VH-TT&DL ra quyết định cấm biểu diễn thì các nơi đều không dám mời. Có văn bản như thế từ Bộ, các nơi đều thực hiện, vậy có cần chứng chỉ hành nghề nữa không? Có thể quản lý bằng các văn bản hành chính sẽ giảm đi nhiều thủ tục. Quan điểm của đại diện Sở VH-TT&DL Cần Thơ cho rằng: “Tiêu chí đạo đức của nghệ sỹ là gì? Rất khó. Nếu nói đạo đức là đạo đức cách mạng hay đạo đức xã hội. Chúng ta đều biết, giới nghệ sỹ có nhiều mối quan hệ, nếu đặt quy định về đạo đức là rất khó… Chứng chỉ không phải là “cây đũa thần” trong quản lý. Các cơ quan quản lý cứ làm tốt khâu kiểm định chương trình thì sẽ không cần thêm chứng chỉ hành nghề”.

Dự kiến, trong tháng 8 tới, Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ tiếp tục công khai dự thảo đề án, lấy ý kiến rộng rãi từ các ngành chức năng và từ cả các nghệ sĩ. Nếu mọi việc thuận lợi, Đề án này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 1- 2014.