Chuẩn bị vận động bầu cử: Ứng cử viên hứa hẹn tiền bạc, mua chuộc cử tri sẽ bị xóa tên

ANTĐ - Dự kiến, hết ngày 17-3, các địa phương trong cả nước sẽ hoàn thành hiệp thương lần ba để lập và công bố danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND. Khi đó, những người ứng cử sẽ bắt đầu bước vào vận động bầu cử. Làm thế nào để đảm bảo công bằng trong vận động bầu cử? Ngày 15-4, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề này.

Chuẩn bị vận động bầu cử: Ứng cử viên hứa hẹn tiền bạc, mua chuộc cử tri sẽ bị xóa tên  ảnh 1
- PV: Người ứng cử được vận động bầu cử cho mình đến bao giờ, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Pha: Ngay khi danh sách chính thức về người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND được cơ quan có thẩm quyền công khai (sau hiệp thương lần ba) thì người ứng cử bắt đầu được quyền tổ chức vận động bầu cử. Thời gian vận động bầu cử sẽ kéo dài cho đến trước khi bắt đầu ngày bầu cử toàn quốc 24 giờ, cụ thể là kết thúc trước 7h sáng ngày 21-5.

- Theo quy định, người ứng cử được vận động bầu cử qua các hình thức nào?

- Về hình thức vận động bầu cử, người ứng cử được quyền tham gia vào các hội nghị tiếp xúc cử tri tại nơi ứng cử do Ủy ban bầu cử, MTTQ, HĐND địa phương tổ chức. Thông thường, một người ứng cử được tham gia 5-7 hội nghị tiếp xúc cử tri, với khoảng trên dưới 1.200 cử tri tham dự các buổi tiếp xúc này. Ngoài ra, người ứng cử có thể vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin, báo chí tại địa phương ứng cử và các kênh thông tin khác nhưng phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Tất cả người ứng cử đều được bình đẳng trong quá trình nêu chương trình hành động của mình, từ trình tự đến thời lượng phát biểu trên báo, đài phải công bằng, không vì người ứng cử này có chức vụ cao mà ưu ái hơn người ứng cử khác. 

Việc tuyên truyền, vận động bầu cử trên các trang mạng xã hội, pháp luật không cấm song người ứng cử hãy cố gắng tận dụng triệt để phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và tại cuộc tiếp xúc cử tri.

- Làm thế nào để đảm bảo công bằng trong vận động bầu cử khi thành phần người ứng cử rất đa dạng? Người ứng cử có được phép hứa hẹn gì không khi tiếp xúc cử tri?

- Luật bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND đã quy định rõ 4 điều cấm trong vận động bầu cử, gồm: cấm lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái Hiến pháp, pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; cấm lạm dụng chức vụ quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử nhằm trục lợi cho mình; cấm lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp cho tổ chức, cá nhân của mình; cấm sử dụng hoặc hứa hẹn cho tiền, tài sản, vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri…

Tuy vậy, khi tiếp xúc cử tri, người ứng cử cũng không thể không hứa hẹn gì.  Theo tôi, người ứng cử chỉ nên hứa với cử tri sẽ thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng cử tri và phản ánh trung thực tới cơ quan có thẩm quyền; hứa dành thời gian thích đáng để tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; hứa những vấn đề gì cử tri phản ánh mà mình đã truyền đạt đến cơ quan có thẩm quyền thì phải đeo bám đến cùng để bảo vệ quyền lợi cử tri, nhân dân… 

- Nếu người ứng cử vi phạm các điều cấm trong vận động bầu cử thì sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

- Nếu người ứng cử vi phạm thì sẽ bị xử lý. Hình thức xử lý cao nhất là xóa tên khỏi danh sách người ứng cử. Các cấp đều có tổ chức phụ trách việc bầu cử, gồm ủy ban bầu cử, ban bầu cử, tổ bầu cử. Các tổ chức này có thẩm quyền xử lý các tình huống có thể xảy ra trong bầu cử.

- Các cuộc bầu cử trước đây có tình trạng bầu thay, một người đi bầu cử hộ nhiều người. Làm thế nào để khắc phục ở cuộc bầu cử lần này?

- Luật không có quy định nào xử lý, xử phạt người đi bầu thay nên vấn đề chỉ là đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của cuộc bầu cử, về trách nhiệm và quyền hạn của cử tri để người dân hiểu và tự giác hơn.