Bảo đảm an ninh trật tự tại lễ hội chùa Hương:

Chuẩn bị kỹ, xử lý nghiêm các vi phạm

ANTĐ - Tình trạng “chặt chém”, chèn ép khách đi đò giảm hẳn; hiện tượng trộm cắp, móc túi, cờ bạc được đấu tranh kiên quyết; TTATGT được đảm bảo; việc bày bán thịt thú các loại đã đi vào nền nếp... - Thượng tá Lê Xuân Văn, Phó trưởng CAH Mỹ Đức (Hà Nội) thông tin vắn tắt về tình hình ANTT tại chùa Hương.
Chuẩn bị kỹ, xử lý nghiêm các vi phạm ảnh 1
Chùa Hương không còn tình trạng kinh doanh, buôn bán thịt thú rừng

1 tháng chuẩn bị  cho 3 tháng 

“Thị sát các chốt trực vừa để kiểm tra, giám sát anh em làm nhiệm vụ, cũng là minh chứng sát thực nhất để nhà báo ghi nhận thực tế công việc mà CBCS trong đơn vị đang triển khai” - Phó trưởng CAH Mỹ Đức nói, khi đưa chúng tôi đến điểm chốt đầu tiên, trong số 19 chốt trực “cứng” được CAH thiết lập. Điểm mới trong việc bố trí các chốt trực mùa lễ hội chùa Hương 2014, là CBCS sẽ thường xuyên “đảo cánh” cho nhau. Thượng tá Lê Xuân Văn lý giải: Duy trì thường xuyên 1 ê-kíp, làm việc tại chốt trong 3 tháng diễn ra lễ hội chưa hẳn đã thuận lợi. Đa phần chủ ki-ốt là người bản địa, sau một vài lần tiếp xúc, quen mặt CBCS, họ sẽ có cách thức đối phó. Để khắc phục việc này, ngoài những khung giờ cố định, CAH Mỹ Đức thường xuyên dịch chuyển sơ đồ vị trí chốt, đảo quân, thay đổi khung giờ cắm chốt để việc kiểm tra, xử lý vi phạm đảm bảo yếu tố bất ngờ, hiệu quả. 

Để đảm bảo ANTT cho lễ hội chùa Hương 2014, một tháng trước Tết Nguyên đán, CAH Mỹ Đức đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, báo cáo CATP phê duyệt, đồng thời xin tăng cường 70 CBCS các phòng nghiệp vụ CATP về chùa Hương “nằm vùng”. Liên tục suốt 1 tháng, gần 200 CBCS CAH Mỹ Đức và phòng nghiệp vụ CATP đã tổ chức điều tra cơ bản, triển khai các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tổ chức gọi hỏi, răn đe số đối tượng có tiền án - tiền sự, từng vi phạm pháp luật trong các mùa lễ hội trước đây, góp phần ngăn chặn hiệu quả phạm pháp hình sự trong những ngày đầu lễ hội - Thượng tá Lê Xuân Văn khẳng định.

Chuẩn bị kỹ, xử lý nghiêm các vi phạm ảnh 2
Các chốt trực của CAH Mỹ Đức, phòng nghiệp vụ CATP làm việc cả tối để không “lọt” tội phạm

Xóa “cò”, dẹp thịt thú rừng 

Với quyết tâm xóa “cò mồi”, trước mùa lễ hội chùa Hương, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo công an các huyện có tuyến đường 21B chạy qua chủ động nắm tình hình, lên danh sách số đối tượng biểu hiện hoạt động “cò mồi” tại lễ hội, đang sinh sống trên địa bàn để có đối sách xử lý, đồng thời tăng cường, bố trí trinh sát tuần tra, chống đeo bám. “Cò” đeo bám khách tại chùa Hương năm 2014 chưa “sạch” hoàn toàn, song tình trạng dai dẳng, túm năm tụm ba hoạt động công khai như trước kia đã không còn - đại diện CAH Mỹ Đức nói. 

Không nhức nhối như tội phạm trộm cắp, móc túi, chèn ép khách, “cò mồi”, nhưng tình trạng giết mổ, treo móc thịt thú, thú rừng giả các loại ở chùa Hương, luôn là một đề tài “nóng” thu hút sự chú ý, bàn tán của dư luận. Mùa lễ hội năm nay, CATP tiếp tục điều động một tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường vào chốt trong chùa Hương, với nhiệm vụ trọng tâm: xử lý dứt điểm tình trạng bày bán thịt thú rừng trái phép, treo móc thịt động vật không đúng quy định. Trao đổi với PV ANTĐ, ông Lê Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC lễ hội chùa Hương cho hay: Trước ngày khai hội, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND huyện Mỹ Đức, lực lượng công an kiên quyết xử lý các trường hợp kinh doanh động vật hoang dã quý hiếm và treo móc động vật nguyên con, thịt tảng tươi sống trước cửa nhà hàng gây phản cảm, ảnh hưởng xấu đến không gian văn hóa lễ hội. Để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, năm nay, UBND TP chấp thuận phương án cho phép người bán được treo móc thịt động vật tươi sống trong tủ kính có lắp điều hòa để bảo quản, kết hợp treo móc chung với rau xanh, đồ ăn khác, và yêu cầu chủ cửa hàng để lùi tủ kính vào bên trong. “Chỉ đạo này của UBND TP đã được BCT lễ hội tuyên truyền nhiều ngày nay và mọi cửa hàng chấp hành nghiêm - ông Lê Văn Hậu khẳng định, đồng thời cho hay với quy định hợp tình, hợp lý trên, cá nhân nào cố tình vi phạm sẽ kiên quyết xử lý.

Du khách tham quan, trẩy hội chùa Hương 2014 trong an toàn, trật tự

Phát sinh “cò” cáp treo

Trong khi “cò mồi” chèo kéo khách đi đò cơ bản được lực lượng công an đẩy lùi, tại lễ hội chùa Hương năm 2014 lại phát sinh một loại “cò” mới - “cò” cáp treo. Theo Thượng tá Lê Xuân Văn - Phó trưởng CAH: “Cò” cáp treo được ghi nhận xảy ra trong sáng mùng 2 Tết, khi số lượng khách sử dụng dịch vụ này gia tăng đột biến, khiến lối xuống động Hương Tích ùn ứ cục bộ, buộc BTC phải yêu cầu đơn vị này dừng vận hành hệ thống cáp, nhằm giãn lượng khách ra vào động. “Nhiều hành khách không chờ đợi được, do không hoàn trả được vé nên tìm cách bán lại cho người dân địa phương, lấy lại tiền”. 

Thừa nhận có tình trạng “cò” cáp treo, ông Bùi Đức Duẩn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải và dịch vụ Hương Sơn (đơn vị vận hành cáp treo chùa Hương) nhận định: có thể việc bán vé hiện không giới hạn số lượng đã tạo điều kiện để “cò vé”, “phe vé” có “đất” hoạt động. Được biết, CAH Mỹ Đức đang phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để nhận diện, xử lý số đối tượng “phe vé” cáp treo chùa Hương, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không mua bán vé ngoài “chợ đen”.