Chưa yên tâm ăn sạch

ANTĐ - Càng gần Tết, sau những vụ buôn bán thực phẩm bẩn bị bắt quả tang, nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân ngày càng tăng. Thanh tra Bộ NN&PTNT vừa thông báo, nếu người dân báo tin thực phẩm bẩn chính xác sẽ được thưởng đến 50 triệu đồng.

Điều đáng mừng là người dân đã báo đến đường dây nóng khi phát hiện có cơ sở không tiêu hủy mà lại mổ thịt lợn chết đem bán. Đặc biệt, từ tin báo của người dân, cơ quan thanh tra đã tóm gọn cả một kho chất tạo nạc Salbutamol. Trong bối cảnh này, không chỉ Hà Nội, TP.HCM, nhiều đô thị lớn đã đồng loạt đưa các điểm bán rau củ quả và thịt lợn đạt tiêu chuẩn VietGAP vào một số siêu thị, chợ đầu mối. Mô hình chợ an toàn thực phẩm không chỉ được người tiêu dùng hồ hởi đón nhận mà tiểu thương cũng hào hứng ủng hộ. Thực phẩm nhập vào chợ phải có dấu kiểm dịch rồi mới được bán cho tiểu thương chợ lẻ. 

Thực trạng không kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm khiến người dân nơm nớp lo sợ phải “tiêu hóa” sản phẩm bẩn đã diễn ra từ nhiều năm nay, kể cả trong “tháng an toàn vệ sinh thực phẩm” giáp Tết. Mặc dù cuối năm nay, cuộc chiến chống chất cấm, chống thực phẩm bẩn được đẩy lên với mức độ quyết liệt, mạnh mẽ hơn những tháng cao điểm mọi năm. Đặc biệt, thực phẩm sạch đang từng bước xuất hiện ở nhiều nơi.

Song, không thể phủ nhận một thực tế là thực phẩm sạch chưa áp đảo thực phẩm không an toàn. Đơn giản bởi nhu cầu của người dân quá lớn nhưng sản lượng thực phẩm sạch đưa ra thị trường còn quá ít ỏi. Lo liệu đủ hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân trong dịp Tết, không để diễn ra tình trạng khan hàng, đội giá là trách nhiệm của Sở Công Thương Hà Nội, TP.HCM cũng như các doanh nghiệp, công ty đã ký cam kết thực hiện nghiêm túc chương trình bình ổn giá.

Tuy nhiên, chuyện hàng hóa đầy ắp, phong phú trong các cửa hàng, siêu thị không có nghĩa là người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ăn ngon đôi khi chưa đồng nghĩa với ăn sạch. Đến bao giờ người mua miếng thịt, mớ rau hay bất cứ loại thực phẩm nào có thể “nhắm mắt” không phải lựa chọn, đắn đo lo ngại rằng gia đình mình sẽ ăn phải chất cấm, dư lượng kháng sinh?

Thực phẩm bẩn, chăn nuôi sử dụng chất cấm tràn lan, nhưng truy xuất nguồn gốc lại là chuyện xa lạ và nan giải với hầu hết người tiêu dùng. Xin đừng đòi hỏi sự thông thái... thái quá nữa. Ngay cả lực lượng tranh tra an toàn thực phẩm cũng thừa nhận rằng, không thể phát hiện được chất cấm trong thực phẩm bằng cảm quan,  mắt thường. Muốn biết chính xác thì phải lấy mẫu đưa về phòng xét nghiệm, mấy ngày mới cho kết quả.