Chưa yên đã chia phần

ANTĐ - Một cuộc chiến không kém phần quyết liệt để chia phần “chiếc bánh” vàng đen đầy hấp dẫn của Libya đã bắt đầu ngay khi tiếng súng còn chưa lắng tại quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi này.

Tay súng NTC canh giữ một nhà máy lọc dầu vừa chiếm được

Cho dù lực lượng vũ trang của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC) đã kiểm soát hầu hết lãnh thổ đất nước nhưng cuộc chiến chưa thể kết thúc. Lực lượng quân đội trung thành với ông Muammar Gadhafi vẫn chiếm giữ một số thành phố. Điều quan trọng là hiện cả NTC và liên quân phương Tây đều không biết nhà lãnh đạo này hiện đang ở đâu.

Thế nhưng, bất chấp cuộc chiến chưa biết khi nào hạ màn hoàn toàn, những người thắng thế trong cuộc chiến Libya đã tiến hành phân chia chiến lợi phẩm. Trong khi những chiếc ghế quyền lực của chính thể mới đang được rốt ráo dàn xếp trong nội bộ NTC thì bên ngoài cũng nóng bỏng cuộc đua giành “chiếc bánh” dầu mỏ béo bở của Libya.

Chẳng thế mà, vừa chân ướt chân ráo về tiếp quản Thủ đô Tripoli, Chủ tịch NTC Mustafa Abdul Jajil đã vội vã tuyên bố chính quyền mới sẽ có “những quan hệ đặc biệt” với các nước đã ủng hộ lực lượng nổi dậy lật đổ chính quyền ông Gadhafi. Không khó để nhận ra nội dung của bức thông điệp này chính là sự ưu ái mà chính quyền mới của Libya dành cho các quốc gia phương Tây trong quá trình tái thiết.

Phần màu mỡ nhất trong quá trình trên tất nhiên là các mỏ dầu của Libya. Trước chiến tranh, Libya là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất châu Phi với tổng trữ lượng khoảng 46,5 tỷ thùng, đủ để khai thác trong khoảng 8 thập kỷ nữa.

Tuy chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản lượng dầu mỏ toàn cầu trước chiến tranh, song Libya sở hữu một loại dầu ngọt nhẹ đặc biệt chỉ có ở một số ít các quốc gia trên thế giới như Nigeria và Azerbaijan. Ai nắm được dầu Libya sẽ tác động tới giá cả của dầu thô Brent tại biển Bắc.

Cung cấp tiền bạc và vũ khí cho NTC để lật đổ chế độ Gadhafi, các quốc gia phương Tây không hề giấu giếm tham vọng giành phần to nhất trong “chiếc bánh” dầu mỏ Libya. Ngay sau khi quân của NTC thắng thế tràn vào Tripoli, Ngoại trưởng Italia Franco Frattini đã tuyên bố thẳng thừng rằng Tập đoàn dầu khí đa quốc gia ENI Spa của nước này “phải đóng vai trò số 1 trong tương lai” tại Libya.

Các đồng minh phương Tây cùng hậu thuẫn NTC tất nhiên chẳng thể ngồi yên trước tuyên bố của ông Frattini. Không tuyên bố to tát nhưng nước Pháp đang khiến các nước phương Tây phát sốt lên với thông tin Paris và NTC đã đạt được một thỏa thuận “giao cho Pháp 35% trữ lượng dầu thô” của Libya để đổi lấy “sự ủng hộ toàn diện và liên tục đối với NTC”.

Lo ngại phải đối mặt với sức ép phân chia thị phần dầu mỏ Libya đến từ các “ông lớn” phương Tây, đại diện của NTC tại Anh Guma al-Gamaty đã phải vội vã lên tiếng trấn an rằng, các hợp đồng tương lai trong lĩnh vực dầu mỏ của nước này sẽ được trao cho người xứng đáng chứ không thiên vị. “Những người xứng đáng này”, theo ông al-Gamaty, ngoài các công ty dầu mỏ của Italia và Pháp còn có BP của Anh hay Exxon Mobil của Mỹ.

Những công ty dầu mỏ lớn của Nga và Trung Quốc dù cảm nhận được sự yếu thế của mình, song cũng không phải vì thế mà “buông” thị trường Libya, nơi họ từng có các hợp đồng làm ăn hàng tỷ USD trước chiến tranh.