Chưa vội mừng dù giá dầu tăng

ANTD.VN - Tuần này, giá dầu thế giới đang trên đà tăng rõ rệt, vượt mốc 50 USD/thùng. Nhiều yếu tố tác động tới đợt tăng giá lần này, nhưng các chuyên gia dự báo, đây chưa hẳn là dấu hiệu khả quan đối với những quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào khai thác và xuất khẩu dầu mỏ.

Giá dầu tăng một phần do dự đoán các nước xuất khẩu dầu mỏ chính sẽ quyết định đóng băng sản lượng 

Giá dầu tăng, chứng khoán khởi sắc

Theo hãng Reuters, giá dầu thô Brent đầu giờ giao dịch hôm qua 19-8 vẫn giữ được mức cao với giá hơn 50 USD/thùng. Thị trường xăng dầu đã tăng hơn 20% kể từ đầu tháng 8.

Trước đó, giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 50,80 USD/thùng vào ngày 18-8, giảm 9 cent so với đóng cửa phiên trước. Xu hướng thường thấy trong tuần này là giá dầu giảm vào buổi sáng ở châu Á (tức là chiều tối ở châu Mỹ) và chỉ tăng mạnh hơn vào cuối ngày khi châu Mỹ trở lại phiên giao dịch vào ngày tiếp theo. Các thương nhân cho biết, hiện tượng giảm giá trong những giờ đầu giao dịch ở châu Á phần lớn là do các nhà đầu tư đã chốt lời ở châu Mỹ sau sự tăng giá mạnh trong ngày hôm đó. 

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng tăng tại phiên giao dịch hôm 18-8, ở mức 48,22 USD/thùng, đánh dấu 6 ngày tăng liên tiếp, đồng thời gần bằng giá đỉnh cao của một phiên giao dịch ngày 5-7 vừa qua.

Giá dầu tăng đã khiến thị trường chứng khoán Phố Wall ngày 18-8 có một phiên khởi sắc. Chốt phiên, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 hay Nasdaq Composite đều tăng với mức từ 0,13% tới 0,22%. Chỉ số năng lượng SPNY tăng 1,8%. Đáng chú ý, cổ phiếu Wal-Mart tăng 1,9% - con số cao nhất trong 14 tháng qua. 

Trong bối cảnh giá dầu tăng, theo thông tin sáng 19-8 trên trang Ibtimes, hầu hết chỉ số của thị trường chứng khoán châu Á đều hiển thị màu xanh. Chỉ số Shanghai Composite tăng 0,06%,  lên điểm 3.105,83 vào 6h46 giờ GMT. Vào lúc 6h55 giờ GMT ngày 19-8, chỉ số Nikei 225 của Nhật Bản tăng 0,36%; KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,04%; CNX Nifty của Ấn Độ tăng 0,03% và chỉ số S&P/ASX200 của Australia tăng 0,34%.

Lý giải và dự báo

Từ đầu tháng 8 tới nay, xu hướng tăng giá chi phối thị trường dầu mỏ, có thể nêu ra 3 yếu tố dẫn tới hiện tượng này. Theo số liệu mới của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ xăng, dầu thô tại Mỹ đang giảm. Dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 2,5 triệu thùng, dự trữ xăng giảm 2,7 triệu thùng.

Cùng với đó, đồng USD yếu cũng hỗ trợ cho giá dầu tăng. Trong phiên giao dịch hôm 18-8, đồng USD đã giảm 0,6% so với các đồng tiền chủ chốt trong giỏ tiền tệ và thiết lập mức thấp nhất trong 8 tuần so với đồng franc của Thụy Sĩ. 

Theo nhận định của ông Tyler Richey - chuyên gia trên thị trường năng lượng, giá dầu giao kỳ hạn đang trên đà tăng không hoàn toàn do cung cầu trên thị trường biến động tích cực mà bởi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng các nước trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ đưa ra thỏa thuận đóng băng sản lượng trong một cuộc họp vào tháng tới.

Theo hãng Reuters, nhiều quốc  gia thành viên OPEC đã bị thiệt hại nặng nề khi dầu rớt giá thảm hại trong 2 năm qua. Trong khi một vài nhà xuất khẩu dầu ở vùng Vịnh có chi phí sản xuất tương đối thấp, thì một số nhà sản xuất khác như Iran và Venezuela lại cần giá dầu tăng hơn 100 USD mới có thể giúp họ cân đối ngân sách.

Nhưng nhiều nhà phân tích cảnh báo, cuộc họp giữa  OPEC và các nhà sản xuất dầu quy mô lớn khác như Nga với mục tiêu hạn chế số lượng sản xuất dư thừa dường như sẽ không dẫn tới sự suy giảm nguồn cung.

“Một số người hy vọng rằng OPEC có thể đưa ra một kế hoạch để hỗ trợ giá dầu trong buổi họp không chính thức của tổ chức này vào tháng tới, nhưng chúng tôi nghi ngờ khả năng xảy ra” - Fawad Razaqzada, một nhà phân tích thị trường tại Forex.com cho biết.

Việc đóng băng nguồn cung để tăng giá dầu có thể khó thực hiện, nhất là khi Ảrập Xêút báo hiệu tăng nguồn cung dầu thô vào tháng 8 này lên mức kỷ lục mới.

Giá xăng tăng 675 đồng/lít

Từ 15h30 ngày 19-8, giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước sẽ đồng loạt tăng giá. Theo đó, xăng RON 92 tăng 675 đồng/lít, lên mức 15.374 đồng/lít. Do điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu E100 nên giá xăng E5 tăng mạnh, thêm 975 đồng/lít, lên mức 15.225 đồng/lít.

Dầu diezel tăng 253 đồng/lít, lên mức 11.914 đồng/lít; dầu hỏa tăng 200 đồng/lít, có giá mới là 10.496 đồng/lít; dầu madut tăng 214 đồng/kg, lên mức 8.837 đồng/lít. Mức trích lập quỹ bình ổn xăng dầu vẫn giữ nguyên là 300 đồng/lít. Như vậy, sau 4 lần giảm giá liên tiếp, giá xăng dầu trở lại đà tăng. 

Từ đầu năm đến nay, giá xăng RON 92 đã có 14 lần điều chỉnh, trong đó có 8 lần giảm giá. Nhiên liệu này cũng có 6 lần tăng, với tổng cộng 2.750 đồng/lít.