Chữa trị những “ca” khó

ANTĐ - Nguyên tắc của bảo hiểm y tế là đóng theo thu nhập và hưởng theo mức độ bệnh tật, đồng thời theo nhóm đối tượng. Tức là, bệnh nặng thì được hưởng nhiều, bệnh nhẹ thì hưởng ít. Một thực tế diễn ra nhiều năm nay là, các tỉnh nghèo thường có kết dư quỹ bảo hiểm y tế nhưng lại phải bù bội chi cho các tỉnh giàu. Có ý kiến cho rằng, điều này có nghĩa là người nghèo tham gia bảo hiểm đang phải đóng tiền bù đắp chi phí khám chữa bệnh cho người giàu.

Hiện tại, ở các tỉnh miền núi hoặc vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, trang thiết bị khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu, dịch vụ y tế kém phát triển nên không đủ cơ sở để chi cho người bệnh. Do vậy tỷ lệ kết dư bảo hiểm y tế (BHYT) khá lớn. Tuy vậy, theo Vụ trưởng Vụ BHYT, ngành y tế thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm theo phác đồ điều trị nên không hẳn là người giàu được chi nhiều hơn. Nói rằng tỉnh nọ bù cho tỉnh kia cũng không hoàn toàn chính xác. Trong thực tế, ngành y tế đang phân tuyến kỹ thuật, tức là bệnh nhẹ điều trị ở tuyến dưới, bệnh nặng điều trị tuyến trên. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương thường quá tải vì phải khám chữa bệnh cho rất nhiều bệnh nhân “vượt tuyến”, nhiều trường hợp bệnh nhân nặng.

Điều quan trọng của BHYT không phải là chi nhiều hay ít mà là chi có đúng người bệnh hay không, có lạm dụng hay không và việc chi có hiệu quả để cứu người bệnh hay không. Với số kết dư quỹ BHYT lên tới 12.800 tỷ đồng, dư luận cho rằng, để giảm sự bất bình đẳng trong thụ hưởng BHYT, ngành y tế nên để phần kết dư này cho các tỉnh sử dụng và đầu tư vào trang thiết bị y tế, đội ngũ cán bộ y tế. Luật BHYT năm 2008 quy định trường hợp địa phương có kết dư quỹ sẽ được sử dụng một phần để đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhưng một thời gian dài không thực hiện được.

Khi xây dựng Luật BHYT sửa đổi vẫn tồn tại hai luồng ý kiến. Một là, sau khi có một nguồn quỹ dự phòng ổn định, nên phân bổ một tỷ lệ kết dư cho địa phương để nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ. Hai là, quỹ BHYT phải được tập trung, thống nhất trong cả nước để dự phòng và chia sẻ, điều tiết cho các địa phương. Trước câu hỏi, việc quy định mức trần chi trả BHYT có hợp lý hay không. Vụ trưởng Vụ BHYT cho rằng, không nên quy định trần chi trả, nhất là đối với các tuyến dưới để nếu bệnh nhân nặng cần điều trị nhiều tiền thì quỹ phải hỗ trợ và chia sẻ. Song thực tế là có quy định mức trần nhằm mục đích giảm chi trả từ quỹ BHYT cho bệnh nhân chuyển tuyến và tránh tình trạng lạm dụng quỹ ở tuyến trên. Hiện nay, quy định trần không dành cho tuyến huyện mà chỉ áp dụng cho tuyến tỉnh để hạn chế bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Như vậy, bệnh nhân tuyến dưới điều trị bao nhiêu cũng được, nhưng lên tuyến trên thì phải có trần chi trả.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHYT sẽ có nhiều điểm mới so với luật cũ như giảm dần mức đóng theo hộ gia đình; quy định gói dịch vụ y tế do BHYT chi trả… Dư luận mong chờ và hy vọng Luật mới sẽ chữa trị tận gốc những “ca” khó của ngành y tế đã và đang tồn tại lâu nay như quá tải, nằm ghép giường, “vượt tuyến”…