Chưa tìm được lối thoát

ANTĐ - Bất chấp việc nước chủ nhà Nam Phi kéo dài hội nghị thêm 2 ngày nhưng Hội nghị lần thứ 17 của LHQ về biến đổi khí hậu (COP-17) tại thành phố Durban vẫn không đạt được mục tiêu mong muốn.

Khí thải công nghiệp đang làm trái đất nóng lên

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới không mấy sáng sủa, các cường quốc kinh tế như Mỹ và Trung Quốc đều không muốn từ bỏ việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch, nguồn gốc gây “hiệu ứng nhà kính” làm trái đất nóng lên, nhằm duy trì sự tăng trưởng kinh tế. Tại Hội nghị Durban, Trung Quốc tuyên bố sẽ xem xét việc cắt giảm lượng khí thải nếu Mỹ ký vào một hiệp định ràng buộc toàn cầu, trong khi Mỹ lại chưa hề tỏ ý quan tâm đến một hiệp định khí hậu ràng buộc vì những lý do chính trị trong nước.

Thảm họa với trái đất do biến đổi khí hậu đã không còn là dự báo. Các báo cáo khoa học đều chỉ rõ rằng nếu không đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý về giảm khí thải, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng thêm hơn 2 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp. Hệ quả là tốc độ tan chảy băng trên các dòng sông băng của thế giới cũng như băng ở Bắc Cực và Nam Cực tăng nhanh, làm biến mất nhiều vùng đất màu mỡ và các hòn đảo giữa đại dương. Lượng khí mêtan thoát vào khí quyển từ các tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu và các vùng đất ướt ở Bắc Cực do trái đất nóng lên sẽ tăng nhanh. Bão táp, lũ lụt hoành hành làm thay đổi môi trường sống của con người.

Theo tính toán của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, để giữ cho nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 2 độ C, các nước công nghiệp phải giảm từ 25 - 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 và giảm một nửa lượng khí này vào năm 2050 so với mức của năm 1990. Nếu quy đổi, lượng khí thải phải được cắt giảm vào năm 2020 sẽ tương đương với 49 tỷ tấn CO2.

Thế nhưng, chính tác nhân chủ yếu thải khí CO2 là các nước công nghiệp phát triển lại không mấy mặn mà với yêu cầu trên bởi chi phí cho việc cắt giảm một tấn khí CO2 là từ 25-54 USD, tính trung bình là 34 USD. Không những thế, vì dầu mỏ và than đá đang ngày càng đắt giá, các nước công nghiệp thường tìm cách mua thêm các loại nhiên liệu hóa thạch chất lượng kém hơn, như dầu cát, để sử dụng khiến vấn đề khí hậu càng trở nên trầm trọng hơn.

Khả năng thế giới phát triển kinh tế trong khi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo là có, tuy nhiên các loại năng lượng tái tạo cần lượng vốn đầu tư rất lớn, nhất là đầu tư ban đầu quá đắt trong bối cảnh vốn đầu tư và tín dụng khan hiếm hiện nay. Chính vì thế mà giải pháp này cũng không mấy khả thi.

Vòng luẩn quẩn trên chỉ có thể thay đổi nếu thế giới bớt quan ngại về tăng trưởng ngắn hạn để tính đến triển vọng tồn tại lâu dài của nhân loại. Nếu không chung tay hành động ngay từ bây giờ, có thể sẽ quá muộn hoặc thậm chí là không thể đảo ngược được thảm họa biến đổi khí hậu. Sự tăng trưởng bằng mọi giá sẽ trở nên vô nghĩa.