Kết thúc thi tốt nghiệp THPT 2012:

Chưa thể bỏ thi tốt nghiệp THPT

ANTĐ - Bộ GD-ĐT dự đoán tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay của nhiều địa phương sẽ không dưới 99%. Điều này đặt ra câu hỏi liệu việc tổ chức một kỳ thi cồng kềnh, tốn kém như vậy có thực sự cần thiết cho các năm tới? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trao đổi với báo chí.

Thí sinh vui vẻ sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011-2012

(Ảnh chụp tại Hội đồng thi trường THPT Việt-Đức Hà Nội)

- PV: Năm nay Bộ GD-ĐT chủ động giao tự chủ cho địa phương tổ chức thi TN THPT. Vậy nếu kết quả thi có dấu hiệu bất thường thì Bộ có tiến hành hậu kiểm và công bố công khai kết quả không?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Thực tế cho thấy ngoài việc tạo thuận lợi cho thí sinh và địa phương trong khâu tổ chức thi thì chủ trương trên còn phát huy tốt hơn vai trò của địa phương với nhiều sáng kiến tùy theo điều kiện mỗi nơi. Tuy nhiên, nói về sai phạm thì chắc chắn vẫn còn. Về khâu kiểm tra sau thi thì Bộ vẫn làm hàng năm và có biện pháp kỹ thuật để đánh giá khâu coi thi có nghiêm túc hay không để có xử ký cần thiết. Còn việc công khai thì tùy tính chất, trong công tác quản lý không phải điều gì cũng có thể công khai. 

- Điểm mới năm nay là tất cả thí sinh đều có quyền làm đơn xin phúc khảo, liệu các địa phương có đảm bảo đúng tiến độ để thí sinh kịp tham gia thi tuyển sinh ĐH?

- Điểm mới này cũng là hướng đi của ngành giáo dục từ nay về sau trong việc đảm bảo quyền lợi cho thí sinh một cách dân chủ, công bằng hơn. Khâu phúc khảo không cần điều kiện như các năm trước sẽ gây khó khăn cho Sở GD-ĐT các tỉnh nhưng vì quyền lợi của thí sinh thì ngành giáo dục phải khắc phục và chắc chắn sẽ đảm bảo đúng thời gian như mọi năm để thí sinh có thể hoàn thành thủ tục dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012.

- Bộ chỉ nhận định rằng tình trạng thí sinh vứt bỏ tài liệu không được mang vào phòng thi ở sân trường gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan môi trường giáo dục. Tuy nhiên, điều này còn phản ánh sự thiếu chặt chẽ của công tác coi thi?

- Theo tôi đánh giá của Bộ GD-ĐT không có gì sai. Học sinh thì có thể tranh thủ sử dụng tài liệu để học trước khi thi hoặc đối chiếu sau khi thi. Cũng có thí sinh mang tài liệu hy vọng có khả năng quay cóp nhưng không phải tất cả tài liệu trên sân trường đều là phao thi. Việc có phao thi cũng không có nghĩa là hội đồng thi không nghiêm. Tất nhiên các trường cần rút kinh nghiệm, giáo dục học sinh tốt hơn, nếu có mang tài liệu thì phải để bên ngoài phòng thi và không được vứt bừa bãi.

- Thực tế có rất nhiều phản ánh về tình trạng thiếu nghiêm túc, nương nhẹ của giám thị cũng như có thí sinh sẵn sàng cung cấp clip về tình trạng này ở phòng thi của mình. Vậy Bộ sẽ có hướng xử lý như thế nào về quyền lợi của những người phản ánh?

- Những sai phạm do thí sinh phát hiện Bộ hoàn toàn ủng hộ và rất mong muốn nhận được phản ánh này để cơ quan thẩm quyền xử lý nghiêm túc. Tuy nhiên, cũng phải nói quyền lợi của người phản ánh có được đảm bảo hay không còn phụ thuộc vào quy chế. Thí sinh đó quay lại những vi phạm của giám thị nhưng liệu có quay bài của thí sinh khác không? Phải khẳng định là Bộ không khuyến khích thí sinh mang máy quay vào phòng thi. Việc bảo vệ quyền lợi người tố cáo là cần nhưng phải đúng pháp luật. Xử lý những vụ việc như vậy cần quy trình, theo đúng quy định và phải có đủ chứng cứ.

- Dự đoán tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay nhiều nơi sẽ là 99% vậy có thực sự cần thiết phải tổ chức kỳ thi này hay không?

- Nếu cho đã đỗ 100% thì không nên thi là không đúng vì mục đích của kỳ thi này không phải để đánh trượt thí sinh mà để đánh giá trình độ thí sinh, chất lượng giáo dục các nơi. Tôi cho rằng không thể nhìn kỳ thi thành công hay không ở tỷ lệ đỗ hay trượt. Hiện tại Bộ vẫn tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp để đổi mới kỳ thi này. Tuy nhiên, việc thay đổi hoàn toàn phải đợi tới sau năm 2015 khi triển khai chương trình và sách giáo khoa mới. Từ nay đến đó vẫn sẽ giữ ổn định đối với kỳ thi này bên cạnh những cải cách nếu cần thiết.

34 thí sinh và 8 giám thị bị đình chỉ 

Chiều 4-6, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy trên phạm vi toàn quốc, số thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật giảm hẳn so với năm 2011. Theo đó, có 34 thí sinh bị đình chỉ thi, giảm 11 trường hợp so với năm 2011 và giảm 56 trường hợp so với năm 2010. Cả nước có 8 giám thị bị đình chỉ làm công tác thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, cả nước đã thành lập 2.307 hội đồng coi thi với tổng số 40.620 phòng thi, huy động 124.153 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả nước là 963.474 và tỷ lệ thí sinh đến thi đạt 99,71%, tăng 0,07% so với cùng kỳ năm 2011. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đáp án cả 6 môn thi được công bố ngay tối 4-6. Trong khâu chấm thi, để đảm bảo tính khách quan của giám khảo chấm thi bài thi của chính địa phương mình, Bộ GD-ĐT đưa ra tỷ lệ 5% số bài thi bắt buộc qua thanh tra chấm thi và nâng số lượng bài thi chấm chung để đảm bảo giám khảo chấm đúng với yêu cầu hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.