Chưa tạo được khác biệt

ANTĐ - Cục Thống kê Hà Nội vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,21% so với tháng 2-2013. Tính chung, CPI trong 3 tháng đầu năm so với tháng 12-2012 tăng 2,04%. 

Chỉ số CPI của TP.HCM tháng 3 cũng giảm 0,29%. Ở cả hai thành phố, hầu hết các nhóm hàng đều giảm đáng kể như lương thực, thực phẩm, ăn uống, giao thông, dịch vụ, văn hóa, giải trí… Điều này hoàn toàn đúng quy luật hàng năm là tháng liền ngay sau Tết Âm lịch, thường có mức giảm so với tháng trước Tết. Song có một nghịch lý là, giá cả đến tay người tiêu dùng không những không giảm theo CPI mà lại đứng yên, thậm chí còn tăng.

Theo số liệu thống kê, CPI 3 tháng đầu năm của Hà Nội so với tháng 12-2012 chỉ tăng 2,04%. Trong khi đó, CPI của TP.HCM 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 2,85% và là tháng có mức tăng thấp nhất kể từ năm 2003. Theo phân tích của một số chuyên gia, sở dĩ giá hàng lương thực, thực phẩm giảm là do lượng cung hàng cho xuất khẩu bị hạn chế, lúa hàng hóa còn tồn đọng lớn trong dân, mức tiêu thụ thực phẩm trên thị trường đã trở về mức trung bình.

Chính nhờ các chương trình khuyến mãi rầm rộ nên giá thực phẩm tháng 3 giảm so với tháng trước. Mặc dù giá đầu vào không giảm nhưng do tác động của khuyến mãi nên giá thịt lợn, rau củ quả tiếp  tục giảm từ 10-12% chủ yếu do nguồn cung dồi dào mà sức tiêu thụ lại không mạnh. Tuy nhiên, thực tế diễn biến trên thị trường lại đi ngược quy luật cung – cầu hàng hóa. Rõ rệt nhất là giá thịt lợn, thịt bò, sữa… ở các chợ truyền thống hầu như vẫn “bất động” như trong Tết, thậm chí còn tăng nhẹ. Nếu giá cả thật sự giảm thì đương nhiên chi tiêu sinh hoạt gia đình của người dân phải giảm, nhưng túi tiền của họ vẫn vơi như bình thường. Có chuyên gia giải thích rằng, giá một số mặt hàng thực phẩm hầu như không giảm mà chỉ có sức mua giảm, nếu có giảm là giảm giá bán buôn, còn giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng rất khó giảm.

Vấn đề được người dân quan tâm và đặt câu hỏi là, phải chăng có hiện tượng “vênh” giữa chỉ số CPI được cơ quan quản lý công bố và thực tế giá cả diễn biến trên thị trường? Cần xem lại cách lấy giá trên báo cáo để tính  chỉ số CPI chưa sát với thực tế hay chỉ là để “yên lòng” các nhà quản lý giá cả thị trường? Còn đối với người tiêu dùng, thước đo “chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày vẫn được tính chi ly, từng đồng ngoài chợ”. Một đại diện Cục Thống kê thì khẳng định rằng, các điểm khảo sát giá cả được thu thập trên địa bàn các thành phố lớn, bao gồm siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh và cửa hàng bán lẻ. Trung bình mỗi lần khảo sát đều tiến hành tại vài trăm điểm lấy giá, vì thế có thể “yên tâm” về độ khách quan và chính xác của chỉ số CPI.

Cơ quan điều hành giá cả thị trường tất nhiên là hoàn toàn yên tâm về cách tính của mình. Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế theo dõi lĩnh vực này lại lưu ý rằng, chỉ số CPI có sát với thực tế hay không phụ thuộc rất lớn vào các điểm lấy giá và thu thập dữ liệu giá. Nếu người dân không nhận thấy có sự khác biệt, chứng tỏ CPI giảm chưa mang lại niềm vui, chưa khiến họ thực sự yên tâm. Mức âm của CPI trong tháng 3 cho thấy, kinh tế chưa khởi sắc, thu nhập của người lao động chưa được cải thiện, sức mua yếu và sản xuất của doanh nghiệp sẽ còn không ít khó khăn.

Tin cùng chuyên mục