Học sinh Việt Nam bất ngờ xếp hạng cao trong Pisa 2012:

Chưa phản ánh chất lượng toàn diện

ANTĐ - Sau niềm vui về thành tích vượt trội của học sinh Việt Nam: đứng thứ 17/69 nước trong bảng đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012, câu hỏi được đặt ra liệu đây có phải là một cách lấy thành tích khi chi phí cho việc tham gia chương trình khá lớn, và năng lực học sinh Việt Nam thực sự đến đâu. 

Học sinh Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng để vận dụng kiến thức vào cuộc sống

Khó có cơ hội gian dối

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, việc tham gia PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) là vì danh dự quốc gia của Việt Nam: “Kết quả này là hoàn toàn trung thực. Chúng ta cũng không chịu áp lực tâm lý nào vì mục đích không phải để đánh giá thành tích của bất kỳ tổ chức, cá nhân, địa phương nào mà là cuộc khảo sát để nhận diện chất lượng giáo dục phổ thông của cả một quốc gia”.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, bà Lê Mỹ Hà, Giám đốc văn phòng PISA Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi tuân thủ quy định của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đơn vị tổ chức đánh giá PISA về bảo mật đề thi. Những người tiếp xúc với đề thi PISA phải cam kết không được sử dụng câu hỏi này với bất kỳ mục đích nào khác. Nếu như họ phát hiện ra quốc gia nào để lộ câu hỏi, không trung thực thì quốc gia đó bị hủy kết quả”. Cũng theo bà Lê Mỹ Hà, chưa bao giờ giáo viên Việt Nam lại trải qua kỳ chấm nghiêm ngặt như vậy khi mỗi 1 bài thi có 5 người chấm và nhập phiếu chấm song song vào phần mềm của OECD. Khi giáo viên nhập phần mềm đó vào máy chủ của OECD thì họ đã nắm được bộ dữ liệu và nghiệm thu nên không nước nào có thể thay đổi hay sửa dữ liệu.

“OECD đã chất vấn Việt Nam trong vòng 2 tháng vì họ thấy kết quả khảo sát khá bất ngờ. Tuy nhiên, sau đó kết quả của Việt Nam đã được công nhận vì trung thực và chính xác” – bà Lê Mỹ Hà khẳng định. 

Về việc có luyện thi, đối phó với kỳ khảo sát này hay không, bà Lê Mỹ Hà cho biết, không phải cứ học sinh giỏi thì có kết quả kiểm tra PISA tốt vì cách đánh giá của họ rất mới và tập trung vào năng lực ứng dụng chứ không phải là kiến thức sách vở. “Chính vì vậy mà ngay cả học sinh của các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng có được kết quả khá tốt trong lần khảo sát vừa qua” – bà Lê Mỹ Hà nhấn mạnh.

Thêm cơ sở để cải cách giáo dục

Theo GS Hoàng Tụy, đây là kết quả khả quan, nhưng cần lưu ý là nó không nói lên chất lượng của cả nền giáo dục Việt Nam, mà chỉ tới bậc THCS. Còn theo GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, PISA  không phải đánh giá toàn diện nhiều môn học mà chỉ đánh giá 3 môn Toán, Khoa học và Đọc hiểu. Đánh giá 3 môn thì  không thể toàn diện được vì thế việc Việt Nam đứng trên Anh, Mỹ trong sát hạch PISA không có nghĩa là giáo dục chúng ta đã hơn cả Anh và Mỹ. “Không nên nói như vậy, cần khiêm tốn vì còn nhiều kỹ năng khác học sinh phải học. Chúng ta phải xây dựng nhiều mới theo kịp các nước. Học sinh Việt Nam được xếp thứ hạng cao ở PISA cũng khẳng định những mặt mạnh nhưng cũng đừng vì thế mà hân hoan chiến thắng, không khắc phục yếu kém” - GS.TSKH   Trần Văn Nhung chia sẻ.

Trước những băn khoăn về mục đích tham gia PISA, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT  Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định PISA không đánh giá được toàn bộ năng lực của học sinh. “Chúng ta chưa có điều kiện để so sánh, đánh giá về năng lực học sinh ở Việt Nam ở các mặt khác. Vì vậy, tới đây ngành giáo dục đang nỗ lực điều chỉnh những hạn chế để chuyển giáo dục theo hướng phát triển năng lực toàn diện của học sinh”. Thứ trưởng cũng thừa nhận: “Điều quan trọng tới đây là với kết quả khảo sát sẽ có cơ sở để tìm thấy điểm cần khắc phục và tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.

Năm 2012, Việt Nam khảo sát chính thức trên mẫu với 5.670 học sinh ở 162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố. Được biết, chi phí tham gia chương trình này, Việt Nam phải đóng là 160.000 euro cho mỗi chu kỳ đánh giá để chi cho toàn bộ kĩ thuật mà OECD cung cấp, chưa kể nhiều chi phí khác. Ở Canada mỗi chu kỳ PISA, nước này phải chi phí tổng cộng 8 triệu USD.

Tin cùng chuyên mục