Chưa “nhổ được gốc” lạm thu tiền trường

ANTĐ - Sau thông báo thanh tra kiểm tra ngay từ đầu năm học mới của Sở GD-ĐT Hà Nội, điều dễ nhận thấy là các trường đều tránh không cấp tập thu tiền ngay trong buổi họp phụ huynh đầu năm. Tuy nhiên, phản ánh của phụ huynh học sinh cho thấy vẫn phát sinh những khoản thu khá rườm rà, không rõ mục đích.

Chỉ riêng khoản thu đồng phục cũng khiến nhiều phụ huynh đau đầu

4 triệu đồng chỉ riêng tiền đồng phục

Đây là thông tin từ chính Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khi họp về việc triển khai công tác thanh tra ngành giáo dục. “Tôi được nghe phản ánh có trường thu tới 4 triệu đồng chỉ riêng để mua sắm đồng phục, chưa kể các khoản thu khác” - ông Nguyễn Hữu Độ cảnh báo về vấn đề thu chi đầu năm của các trường. 

Phụ huynh trường THPT Thạch Bàn phản ánh phải đóng gần 3 triệu đồng tiền trường đầu năm, trong đó riêng đồng phục là gần 2 triệu đồng để may 2 bộ đồng phục mùa hè, một bộ thể thao và một áo vest. Với mức thu này, nhiều phụ huynh tỏ ra khá bức xúc khi nó không phù hợp với hoàn cảnh của nhiều gia đình học sinh. Được biết, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã yêu cầu nhà trường thực hiện đúng quy định về may đồng phục và phải trả lại tiền cho phụ huynh. Tuy nhiên, theo phản ánh của phụ huynh, đồng phục đã may xong cho học sinh thì lấy tiền đâu trả lại? 

Bên cạnh khoản thu lớn, nhiều phụ huynh cảm thấy không thoải mái khi nhà trường đặt ra các quy định gây phức tạp cho phụ huynh về việc mua sắm sách vở cho con cái. “Ngoài bộ sách giáo khoa, phụ huynh cần mua vở ô ly cho con nhưng nhà trường lại yêu cầu chính xác phải là vở Bạn nhỏ mã 0509 của Hồng Hà. Còn trường của cô con gái lớn hơn thì yêu cầu phải sử dụng vở có in sẵn logo của trường. Trong khi đó, các con còn hàng chục cuốn vở các loại có được từ các phần thưởng cuối năm học trước. Thực sự là lãng phí không cần thiết” - chị Nguyễn Hồng Hà, có con học lớp 5 tại trường tiểu học Ba Đình, quận Ba Đình cho biết. 

Về tổng hợp các khoản thu, một ví dụ tiêu biểu về sự rườm rà theo phản ánh của phụ huynh là trường THCS Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức. Trường này thu các khoản như tiền phô tô 30.000đồng/HS/học kỳ, khám bệnh: 20.000 đồng/HS, gửi xe:100.000 đồng/HS, vệ sinh: 250.000 đồng/HS/năm, ngoài ra là tiền điện, tiền nước, tiền quỹ lớp…, tổng cộng hơn 2 triệu đồng/HS.

Thí điểm mô hình giám sát cộng đồng 

Cho rằng việc thanh kiểm tra thu chi đầu năm không phải là biện pháp hữu hiệu vì chỉ giải quyết phần ngọn vấn đề lạm thu tiền trường, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, đã đề cập đến đề án xây dựng mô hình Hội đồng giám sát cộng đồng trong trường học. Thành phần của Hội đồng tuyệt đối không có Ban Giám hiệu nhà trường mà gồm phụ huynh và đại diện các ban, ngành địa phương nơi trường hoạt động: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học... "Hội đồng này sẽ có tiếng nói quyết định trong việc thực hiện các khoản thu chi của trường học. Khi trường có kế hoạch thu - chi từ nguồn tiền đóng góp của phụ huynh, phải có sự đồng ý bằng chữ ký của Hội đồng giám sát. Chính vì vậy, Hội đồng này cũng phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý nhà nước nếu xảy ra lạm thu” - TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.

Khi được hỏi về mô hình này, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đây là mô hình đáng được ủng hộ. “Vấn đề là cần làm rõ cơ chế hoạt động của hội đồng, tránh tình trạng chồng chéo và sai mục đích hoạt động khi gây mất ổn định hoạt động giáo dục trong trường học” – ông Lê Ngọc Quang phân tích. Là một trong 5 trường đầu tiên của quận Hoàng Mai sẽ tham gia thí điểm mô hình này, bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hoàng Mai, điều khó khăn ở đây là phải làm thế nào để Hiệu trưởng các trường nhận thức được đây không phải tổ chức “ngáng đường” mà là một tổ chức tiếp sức cho họ huy động nguồn lực, tìm sự đồng thuận ở phụ huynh, minh bạch tài chính nâng cao uy tín chất lượng cho trường học. 

“Hãy để phụ huynh trực tiếp tham gia và quyết định vào các khoản thu chi của trường. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây là hiện tại Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ có chức năng giám sát chứ không có quyền quyết định, còn với mô hình Hội đồng giám sát trong trường học thì các thành viên không chỉ giám sát mà còn có quyền quyết định”.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội