Chưa kê khai tài sản tại nơi cư trú

ANTĐ - Sáng qua (23-11), Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN-sửa đổi), Nghị quyết về công tác tư pháp và Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Với 94,98% đại biểu tán thành, Luật PCTN (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-2-2013. Tiếp thu ý kiến thảo luận của các ĐBQH trước đó, UBTVQH đã giải trình lần cuối trước khi luật được biểu quyết thông qua, về một số nội dung như: Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTN; đề xuất lập cơ quan chống tham nhũng độc lập; vấn đề công khai minh bạch tài sản, thu nhập… Theo đó, UBTVQH tán thành việc thành lập BCĐ Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Tổ chức bộ máy và hoạt động của BCĐ sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng, không quy định trong Luật PCTN. Về đề xuất lập cơ quan chống tham nhũng độc lập, trực thuộc Quốc hội hoặc Chủ tịch nước là vấn đề được các ĐBQH và cử tri quan tâm, nhưng liên quan tới quy định của Hiến pháp và luật khác, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu nên UBTVQH đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu đề xuất phương án cụ thể khi sửa đổi cơ bản toàn diện Luật PCTN. 

Vấn đề công khai minh bạch tài sản thu nhập cũng là một nội dung được quan tâm trong Luật PCTN. Về phạm vi đối tượng kê khai tài sản, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị giữ như luật hiện hành và quy định rõ hơn về xác minh tài sản, thu nhập để khắc phục tính hình thức của biện pháp phòng ngừa này. Ngoài ra cũng có ý kiến đề xuất mở rộng đối tượng kê khai tài sản đến bố mẹ, con cái đã thành niên, anh, chị em ruột… của người có nghĩa vụ kê khai. UBTVQH cho rằng, phạm vi đối tượng kê khai tài sản phải phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, do đó đề nghị Quốc hội giữ nguyên phạm vi kê khai như luật hiện hành. Bởi trong trường hợp bố mẹ, con, anh chị em ruột đã thành niên là cán bộ, công chức, viên chức thì họ đã phải kê khai theo quy định. Còn trường hợp họ không phải là công chức, viên chức, theo quy định của pháp luật, họ có toàn quyền định đoạt tài sản của mình, kể cả việc kê khai hay không. Do đó luật không bổ sung đối tượng này. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tham nhũng thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn có thể điều tra những người liên quan, kể cả người thân của cán bộ, công chức, viên chức mà không nhất thiết phải kê khai.

Về vấn đề công khai bản kê tài sản, thu nhập, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành chỉ công khai bản kê khai tài sản tại nơi làm việc, công tác và chưa công khai tại nơi cư trú. Nhưng cũng còn ý kiến đề nghị công khai tại cả nơi công tác và cư trú để tạo điều kiện cho việc giám sát, phát hiện tham nhũng. UBTVQH nhận thấy đây là vấn đề mới nên cần có bước đi thận trọng sao cho phù hợp với điều kiện, năng lực quản lý.  Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Về vấn đề này sẽ giao cho Chính phủ quy định cụ thể về mức giá trị tài sản tăng thêm và việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu, trách nhiệm của người giải trình, trình tự, thủ tục của việc giải trình. Dự thảo luật cũng giữ nguyên quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Trước đó, 90,16% ĐBQH đã tán thành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến cuối năm 2015 và tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, báo cáo Quốc hội. Trong quá trình tiếp tục thí điểm, đề nghị Chính phủ tập trung các biện pháp xây dựng thể chế và chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhằm bảo đảm đúng định hướng của việc thí điểm và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian thí điểm vừa qua. Ngoài ra, Nghị quyết về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân, công tác thi hành án do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày cũng được thông qua với 96,39% đại biểu tán thành. 

Tin cùng chuyên mục