Chưa hội đủ điều kiện

ANTĐ - Nhìn vào toàn cảnh “bức tranh” kinh tế đã thấy xuất hiện những tín hiệu “thoát đáy” và đang gắng gượng “vượt dốc” đi lên. Như vậy, sau khi tăng trưởng kinh tế rơi xuống tận đáy vào quý I năm nay, đến cuối quý II này “con tàu” kinh tế đang “rục rịch” leo lên.

Trong 5 tháng đầu năm nay, khi lạm phát giảm sâu, một số chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 11 của Chính phủ sau hơn 15 tháng thực thi đã phát huy hết tác dụng, đến nay đã “hết hạn sử dụng”. Trước luồng ý kiến này, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, ngay từ tháng 2-2011 khi Chính phủ ban hành Nghị định 11 đã khẳng định sẽ thực hiện không chỉ trong năm 2011 mà cả trong những năm tiếp theo. Như một chứng bệnh kinh niên, lạm phát ở nước ta có thể tái phát bất cứ lúc nào do nền kinh tế phát triển thiếu bền vững, bên trong “nội tạng” cơ thể còn nhiều hệ thống, bộ phận tiềm ẩn yếu kém quá lâu. Do đó, kiềm chế lạm phát chưa thể nói là đã thực sự vững chắc.

Với một thể trạng và sức khỏe kinh tế vĩ mô như vậy, không chỉ trong một vài năm mà nhiều năm sau, vẫn phải duy trì thường xuyên “liều thuốc” điều trị bao gồm: thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát; điều hành và kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng; tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, nông nghiệp. Tuy vậy, cũng có một số chuyên gia nhận xét, vì mục tiêu kiềm chế lạm phát, việc thực hiện Nghị quyết 11 với biện pháp thắt quá chặt tín dụng đã khiến cho cả nền kinh tế, đặc biệt là nhiều ngành kinh tế, hàng chục nghìn doanh nghiệp “khó thở” đến mức ngừng hoạt động, giải thể và phá sản.

 Ông Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, để xảy ra như vậy không phải tại Nghị quyết 11, mà là do việc triển khai chưa làm theo đúng mục tiêu Nghị quyết đề ra. Cụ thể, mục tiêu mà Nghị quyết 11 đặt ra trong công tác điều hành và kiểm soát là đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán từ 15-16%. Thế nhưng khi thực hiện, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 12,37%, dư nợ tín dụng mới đạt khoản 14%. Chính vì tốc độ tăng trưởng tín dụng không đạt mục tiêu cộng với nhiều yếu tố khác đã làm cho hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khốn đốn. Trong bối cảnh này, “bài toán” bỏ trần lãi suất liệu có phù hợp? Chỉ trong một thời gian ngắn, đã ba lần cắt giảm trần lãi suất huy động từ 14% xuống còn 11%/năm, nhưng xem ra vẫn là quá cao so với thực trạng của doanh nghiệp. Không ít ý kiến gợi ý Ngân hàng Nhà nước nên tự do hóa lãi suất, tức là bỏ trần lãi suất huy động và cho vay. Một chuyên gia ngân hàng nước ngoài cũng băn khoăn có nên bỏ hoàn toàn trần lãi suất hay không.

Quả thật đây là bài toán hóc búa. Nếu bỏ trần lãi suất, một mặt bằng lãi suất cao hơn sẽ được thiết lập, tác động ngược trở lại gây lạm phát. Tự do hóa lãi suất chỉ được đảm bảo khi tái cơ cấu rốt ráo hệ thống ngân hàng, đồng thời có chính sách bảo vệ người gửi tiền. Chưa hội đủ điều kiện thì chưa thể dỡ bỏ hoàn toàn trần lãi suất.