Chưa hiểu bảo hiểm xã hội là gì mới đem so với gửi ngân hàng lấy lãi

ANTD.VN - Trước câu hỏi đóng bảo hiểm xã hội có lợi hơn lấy tiền gửi ngân hàng nhận lãi suất không? Các chuyên gia cho rằng, người đặt câu hỏi chưa hiểu rõ bản chất bảo hiểm xã hội là gì mới đem so sánh với những đối tượng không cùng hệ quy chiếu như gửi ngân hàng hưởng lãi suất.

Chưa hiểu bảo hiểm xã hội là gì mới đem so với gửi ngân hàng lấy lãi

Theo Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội

Đây là loại hình bảo hiểm do nhà nước tổ chức và quản lý nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất ổn định cuộc sống của người lao động và gia đình họ khi gặp những rủi ro làm giảm hoặc mất khả năng lao động. Mỗi tháng người lao động đóng bảo hiểm xã hội bằng 10,5% tiền lương (trong đó 8% đóng bảo hiểm xã hội, 1% bảo hiểm thất nghiệp, 1,5% bảo hiểm y tế). Mức đóng trên nhằm đề phòng rủi ro cho bản thân và xã hội chứ không phải là quá trình đầu tư, kinh doanh nên không thể tính lãi, lỗ.

Người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ nhận được một khoản hỗ trợ khi ốm đau, gặp tai nạn lao động, thai sản. Khi người lao động thất nghiệp cũng sẽ có một khoản hỗ trợ giúp trang trải cuộc sống. Và đóng bảo hiểm xã hội cũng giúp người lao động có một khoản tiền để chăm lo sức khỏe tuổi già khi nghỉ hưu.

Trường hợp đóng bảo hiểm xã hội nhưng không bị ốm đau, tai nạn lao động, thất nghiệp… thì số tiền đó dành để hỗ trợ cho những người lao động khác kém may mắn hơn. Việc đóng bảo hiểm xã hội có ý nghĩa là cùng mọi người đề phòng rủi ro cho nhau nhằm giúp xã hội phát triển.

Theo cách tính được đưa ra trên mạng xã hội, một số ý kiến nêu giả thiết: “Với mức lương 5 triệu đồng thì người lao động đóng bảo hiểm xã hội bằng 8% lương, công ty đóng 18% lương. Theo đó, mỗi tháng số tiền đóng vào bảo hiểm xã hội là 26% lương, tương đương 1,3 triệu đồng. Tính lũy kế cộng với lãi suất đến năm thứ 30 đóng bảo hiểm xã hội thì số tiền đóng vào lên tới 1 tỷ 27 triệu đồng.

Với số tiền này nếu mang gửi ngân hàng sẽ nhận tiền lãi mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng. Nhưng tham gia bảo hiểm xã hội thì chỉ nhận được 75% lương, tương đương 3,75 triệu đồng/tháng. So với gửi ngân hàng thì người lao động nhận chưa đủ phần lãi và mất luôn tiền gốc”.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề của Xã hội của Quốc hội nhận định: “Khi người lao động đóng 8% vào bảo hiểm xã hội thì doanh nghiệp, Nhà nước đóng vào quỹ này 18%, đây là điểm khác biệt giữa gửi tiết kiệm và đóng bảo hiểm xã hội. Khi tham gia bảo hiểm xã hội thì người lao động không chỉ hưởng lương hưu, tử tuất mà còn được hưởng chính sách bảo hiểm y tế.

Quỹ bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, khi tiền lương danh nghĩa người lao động về hưu nhận được bị trượt giá thì Nhà nước bù đắp. Đây là chính sách rất nhân văn, vì vậy không nên đem câu chuyện so sánh giữa gửi tiết kiệm với chính sách bảo hiểm xã hội”.

Bình luận về giả thiết nêu trên, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, cách tính trên hoàn toàn không chính xác. Bài toán trên mới dựa vào các thông số đơn giản, như tỷ lệ đóng, số tiền đóng, lãi suất ngân hàng, mức hưởng. Tuy nhiên, còn các yếu tố nhà nước bù đắp chi phí trượt giá của đồng tiền đóng góp, bảo hiểm xã hội trả lương hưu trên cơ sở tính toán trượt giá của đồng tiền, tốc độ tăng trưởng kinh tế từng thời kỳ chưa được tính tới.

Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, nếu chọn cách không đóng BHXH mà lấy tiền đó đi đầu tư, kinh doanh để sinh lời nhiều hơn thì vấn đề đặt ra là phải chấp nhận rủi ro trong kinh doanh có lãi - có lỗ. Nếu lỗ thì người lao động sẽ không còn tiền để lo cho cuộc sống khi về già. Việc lấy tiền gửi ngân hàng cũng không phải biện pháp tốt vì lãi suất bị bào mòn bởi lạm phát. Vì vậy, cần tránh sự so sánh khập khiễng dẫn đến suy nghĩ tiêu cực.

Tin cùng chuyên mục