“Chúa” đảo Thác Bà và kho ngọc báu dưới núi mâm xôi.

ANTĐ -Biết bao tinh túy của trời đất đọng lại bên dòng sông Chảy để kết tinh nên những viên ngọc bích, đá quý giá trị.

Đảo đá quý.

Một thời, những núi đảo trên mặt hồ Thác Bà trở thành đại công trường rền vang tiếng máy suốt ngày đêm phá tan tành thiên nhiên, phong cảnh của lòng hồ huyền ảo. Khi ấy, những “bưởng” khét tiếng ở khắp nơi hội tụ về đây để khai thác ngọc, đá đỏ với ước mơ trở thành giàu có một cách mơ hồ. Những dãy núi trùng điệp cứ bị san bằng phẳng theo ngày tháng. Những cuộc tranh giành đất đai để đào ngọc quý, đá đỏ nảy ra triền miền gây rúng động cả vùng lòng hồ yên ả.

Chợ đá đở ở Lục Yên

Giờ chuyện về lòng hồ một thời đã đi vào dĩ vãng, song những tên xưng hùng, xưng bá như một “đại ca” về đá đỏ vẫn còn được người dân ở Lục Yên, Yên Bình , tỉnh Yên Bái biết rõ tên tuổi và giờ có cuộc sống ra sao. Như “Long ruby”, “Hùng ngọc bích” hay “Tuân vua đá gốc”… đã như “tín đồ” của những người đào đá. Tên như thế thì người bán đá quý ở chợ đá Lục Yên, Yên Bái vẫn mang mang, nhưng họ sống chết ra sao thì giờ chẳng ai tường tận nữa.

“Ngòi nổ” của về vựa đá đỏ ở lòng hồ Thác Bà khởi xuất từ việc người dân sở tại đi làm nương nhặt được đá đỏ dễ như lá cây rừng. Tiếng thơm đồn xa, người kéo về như hội, theo tài liệu của công an huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, cuộc tranh giành đá đỏ tại lòng hồ Thác Bà nóng bỏng nhất là vào khoảng những năm 1980, 1990.  

Những việc khai thác đá quý ở những ngọn núi trong đấn liền đã dần trở nên hiếm hoi thì phong trào ra đảo như cơn lốc cuốn bất chợt ở vùng lòng hồ Thác Bà. Hầu hết những ngọn núi bị nước dòng sông Chảy nhấn chìm một nửa thì đều có người chiếm giữ để khai thác đá đỏ. Nhiều người giàu lên nhanh, nhiều người khuynh gia bại sản tỏng chớp nháy, tất cả vì hai chữ đá quý và ước mơ đổi đời. Và trong cuộc tranh giành ở nơi đảo hoang như thế, mặc dù lực lượng công an tăng cường nghiêm ngặt, song cũng không tránh khỏi những cuộc ẩu đả, trả thù lẫn nhau xảy gây đổ máu trên ốc đảo biệt lập.

Lòng hồ Thác Bà yên ả

Đá mầu tức đá đỏ khi ấy đã biến nhiều người phải chôn vùi thây xác vì những vụ sập hầm, những vụ thanh toán lẫn nhau ở ngoài hoang đảo trên lòng hồ Thác Bà mênh mông. Quy luật khắc nghiệt của thiên nhiên, không thể cho không ai một cái gì, và những người cố tình phạm vào điều cấm của thiên nhiên thì phải trả giá bằng tính mạng. Mỗi chuyến thuyền chở máy móc ra đảo để khai thác tài nguyên trong lòng núi, đều gặp những khó khăn, trắc trở, và những tai nạn đáng tiếc xảy ra như một tất yếu.

“Khi ấy nhiều người bỏ ra tiền của đầu tư vào máy móc để mang ra đảo đào bới đá quý, nhưng người mang được về thì đếm trên đầu ngón tay, còn người phải bỏ lại tài sản trên đảo thì không đếm được. Mang tiếng là nằm trong vùng đất ngọc quý, nhưng thường ngày phải dùng những bữa cơm cá khô, rau rừng để sống qua ngày. Tằn tiện trong từng bữa ăn, lao động trong môi trường vất vả, khổ cực và nguy hiểm thế nên nhiều người đã mang bệnh khi trở về, và nhiều người đã không những phải tay trắng khi đặt cược tính mạng với đá quý mà còn tan nhà nát cửa bởi nợ nần”- anh Nguyễn Văn Long, người từng khai thác đá đỏ ở hồ Thác Bà kể lại.

“Sợ nhất nợ thiên nhiên”.

Được thua trong cuộc đào đá đỏ đã phân định rất rõ trong câu chuyện của người từng một thời đã liều mạng với đảo hoang. Hầu hết những người trực tiếp khai thác đào bới chỉ mang được thây xác gầy yếu trở về. Và theo anh Long, người được ở thời đó chỉ là những người mua bán lại của những người đào chứ chính người trực tiếp chẳng được là bao, chỉ đủ cơm gạo cho những ngày vất vả trên đảo Thác Bà. Còn nhiều người biết chuyện ở hoang đảo, đã thường nói rằng, nợ thiên nhiên thì khó mà trả được bằng bất cứ cái gì, ngoài tính mạng.

Người dân mót đá gốc về lọc lấy đá quý ở vùng lòng hồ Thác Bà

Sự vào cuộc của chính quyền và Công an huyện Yên Bình khi ấy phải rất quyết liệt mới ngăn chặn được nạn khai khoáng bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi sinh của lòng hồ Thác Bà. Giờ những quả núi còn lại, lòng hồ yên ả, không chỉ thành tài nguyên của quốc gia mà còn mang đến thắng cảnh trữ tình đón nhiều lượt du khách. Những quả núi mâm xôi, nhô trên mặt nước hồ, như minh chứng cho đảo thiêng ở vùng sơn cưới, non xanh của Yên Bái. Câu chuyện một thời về lòng hồ Thác Bà, nhiều người biết đến vừa sợ, vừa hoang mang. Bởi họ cho rằng, những trả giá của người phá phách thiên nhiên đã rất rõ trong những lần sập hầm khai thác đá quý. Hay những vụ chìm thuyền chở nhân công ra đảo đào đá đã nhấn chìm nhiều người mà chẳng ai dám thực hiện ý đồ ra đảo sau khi được cứu sống.

Rau rừng và đá quý được bán cùng trong một phiên chợ

Giờ lòng hồ Thác Bà trở thành điểm du lịch để du khách đắm chìm vào không gian yên ả. Những hoang đảo một thời giờ cây không thể mọc, nhưng bàn tay người dân sở tại đã ươm trồng bạch đàn, keo, luồng để phát triển kinh tế bền vững. Trong số “tua” du lịch lòng hồ, du lịch xanh trên hoang đảo đã trở thành điểm đến cho du khách hòa vào thiên nhiên của non nước lòng hồ. Câu chuyện về những đảo thiêng Thác Bà nhiều người biết đến khi ngược lòng hồ Thác Bà đến với phiên chợ ngọc ngà, đá quý Lục Yên. Đó là những gì còn lại của một thời vang bóng, với những chúa đảo thất thế giờ về buôn những viên đá đổ mót được từ trên núi hay từ việc khai thác trong những khu vườn của riêng gia đình để cố vớt những hy vọng sang giàu.

Đá quý ở “vựa” đá đỏ giờ cũng chẳng đắt đỏ hay giá trị như xưa, người ta cũng chỉ giao dịch mua bán như những mớ rau rừng. Họ bán mua những viên đá vụn, hay đá mầu cũng chỉ cốt để kiếm sống mưu sinh, chứ  mong muốn để trở nên giàu sụ như nhiều người từng nghĩ thì quả thật rất khó. Bởi giờ đây đá quý ở chợ Lục Yên đã đầy dãy ở nhiều nơi, và cũng chính trong phiên chợ này cũng khó có thể nhìn nhận được giá trị thực, do sự xô bồ ngược xuôi mang đến với những chất lượng khác nhau thật khó đánh giá, vì thế đá quý cũng chỉ nhỉnh giá hơn những mặt hàng nông sản bình thường khác của địa phương mà thôi.