“Chưa có nghiên cứu nào về hàng giả tăng hay giảm”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  TS Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho hay, về giá trị tuyệt đối thì số vụ hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tăng, nhưng chưa có nghiên cứu chính thức nào về việc này.
Lực lượng QLTT phát hiện, xử lý số lượng lớn hàng nghi giả mạo nhãn hiệu bán qua hình thức TMĐT

Lực lượng QLTT phát hiện, xử lý số lượng lớn hàng nghi giả mạo nhãn hiệu bán qua hình thức TMĐT

Tạp chí Kinh tế Việt Nam (Vneconomy) vừa tổ chức “Đối thoại chuyên đề” với chủ đề: “Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn sàn TMĐT”.

Đánh giá về tình trạng hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay, TS Võ Trí Thành cho biết: “hiện chưa có nghiên cứu nào về việc hàng giả nhái tăng hay giảm. Về con số tuyệt đối thì có tăng. Nhưng xét về so sánh tương đối về tỉ lệ so với quy mô giao dịch TMĐT thì giảm hay tăng bởi thương mại điện tử tại Việt Nam hiện tăng trưởng nhanh hàng đầu Đông Nam Á”.

Bên cạnh đó, ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, cần so sánh tỷ lệ hàng nhái hàng giả và hàng lậu qua TMĐT và các kênh khác như thế nào. Với TMĐT thì một thống kê cho thấy tỷ lệ hàng giả, hàng nhái là hơn 50%.

“Có nhiều lý do dẫn tới tỷ lệ cao như trên. Một là TMĐT ẩn danh trong quốc gia, xuyên biên giới nên khó tìm hơn. Ngoài ra, nó có tương tác tốt hơn và độ bao phủ rộng hơn nhiều, do đó thu hút ượng người cao hơn. Do đó, cần có các nghiên cứu chuẩn chỉnh để đưa ra đánh giá chính xác”- TS Võ Trí Thành nói.

Nói về tình trạng hàng giả, hàng nhái trên TMĐT, ông Nguyễn Đức Lê- Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương) cho hay, TMĐT trước kia chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, cao hơn là sàn TMĐT, nhưng hiện nay, hàng hóa còn được bán trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok.

Ngoài ra, các nền tảng trung gian trực tuyến, tức đơn vị cung cấp dịch vụ đằng sau, tiêu biểu như Netfix cũng như các đơn vị cung cấp các dịch vụ trên mạng khác nữa mà Việt Nam đang áp dụng cũng bán hàng.

Mô hình TMĐT không chỉ ở một nơi, mà đa quốc gia, lãnh thổ, lĩnh vực, một người có thể bán nhiều hàng hóa, sản phẩm khác nhau, không phải của mình, khi có đơn hàng mua chỗ khác chuyển về, mô hình linh động như vậy gây ra khó khăn cho lực lượng QLTT và cơ quan chức năng nói chung.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, các vi phạm chủ yếu liên quan đến buôn bán các mặt hàng trên mạng thường là đối tượng lợi dụng hình ảnh, đoạn video chính hãng để quảng cáo, tuy nhiên khi đến tay người tiêu dùng lại có thể là sản phẩm kém chất lượng hoặc hàng chính hãng nhưng đã qua sử dụng.

Một số sản phẩm đã được sửa chữa hoặc qua thời gian trưng bày, không đảm bảo tính mới như nguyên bản, điều này khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi trong chế độ bảo hành.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn ghi nhận việc một số đối tượng tìm cách đưa hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam do tính chất của TMĐT không có biên giới. Đơn cử như khi người tiêu dùng có nhu cầu đặt hàng trên các trang TMĐT, các đối tượng lại tìm cách móc nối với với nước ngoài, thông qua đường mòn lối mở để vận chuyển hàng hóa giả mạo từ ngoài vào, từ đó có thể bán sản phẩm vừa mang tính chất nhập lậu vừa không đảm bảo chất lượng.

Do đó, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, TS Võ Trí Thành cho rằng cần sự phối hợp của các Bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Bộ TT-TT, Bộ Công an… để xử phạt đến nơi, đến chốn các vi phạm.