Chưa chính thức đóng cửa bến xe Lương Yên

ANTĐ - “Theo quy hoạch, vị trí bến xe Lương Yên hiện nay sẽ dành để xây nhà cao tầng. Tuy nhiên bao giờ tiến hành xây dựng thì còn phải chờ quyết định của UBND thành phố, cũng như động thái của đơn vị quản lý khu đất trên”, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết.

“Chưa nghe thông báo chính thức nào”

Vị trí đón khách...

Đó là xác nhận với phóng viên ANTĐ của ông Trần Ngọc Thiều - Giám đốc Công ty Lương thực cấp I Lương Yên, đơn vị chủ quản bến xe Lương Yên. Ông Thiều cho biết, sự thay đổi lớn nhất ở bến xe Lương Yên thời điểm này là tiến hành việc thu hẹp diện tích bến từ hơn 12.000m2, xuống còn hơn 5.000m2, để phục vụ cho dự án nhà cao tầng trên nền đất cũ.

Theo thông tin từ vị đại diện Công ty Lương thực cấp I Lương Yên thì bến bị thu hẹp diện tích nhưng dịch vụ và hoạt động của bến không có gì thay đổi, thậm chí, theo hướng hiện đại và chặt chẽ hơn. Khoảng 10 tỷ đồng đã được đơn vị quản lý bến xe đầu tư cho bến tạm mới, vẫn gồm hai lối ra - vào; đầu vào và nơi trả khách được mở ở khu vực trước cổng cây xăng. Rồi có khu quảng trường để nhà xe đón khách, xếp lượt. Hệ thống nhà chờ, bán vé đang được hoàn thiện ở khoảng giữa nơi trả khách và đón khách. Ghi nhận của phóng viên sáng 27-8, ngay lối cổng vào bến xe Lương Yên hiện nay đã hình thành khu mặt bằng mới được thảm bê tông, cao hơn “cốt” cũ của bến chừng 2 mét.

“Dự kiến, trong tháng 9 này chúng tôi sẽ khai trương bến tạm, bàn giao phần lớn diện tích bến cũ cho đơn vị thi công nhà cao tầng quản lý”, ông Thiều chia sẻ. Và để phù hợp với diện tích bến tạm mới, đơn vị quản lý bến xe Lương Yên thời điểm này đã thỏa thuận, dừng hoạt động đối với 4 tuyến xe buýt kế cận, 2 tuyến xe buýt nội đô, cùng một số tuyến xe khách đường dài như Hà Nội đi Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An. So với tổng lượng xe ra vào bến mỗi ngày trước kia, chừng hơn 700 lượt, quy mô bến tạm Lương Yên mới sẽ có chừng gần 260 lượt xe. Thời gian mỗi xe đón khách trong bến cũng bị rút ngắn.

Vẫn còn băn khoăn

... và khu nhà chờ mới đang được thi công

Băn khoăn nhất thời điểm này, trước thông tin “đóng cửa” bến từ nay đến cuối năm, có lẽ là các đơn vị vận tải. Về vị trí, bến xe Lương Yên được coi là đắc địa cho các lộ trình Hà Nội đi các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh... Thị phần này, nếu phải sang bến Gia Lâm, xuống Giáp Bát hay lên Mỹ Đình, sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà xe. “Khi ấy, hoặc chúng tôi phải bán xe, chuyển nghề, hoặc chấp nhận những “cuộc chơi” như những nhà xe khác”, nhà xe T.H, chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng chia sẻ. Anh Hùng, một phụ xe của hãng H.L tâm sự thay cho lời kiến nghị: “Hơn 5 năm trong nghề, cuộc sống chính của gia đình tôi trông cả vào những chuyến xe. Tôi mong muốn cơ quan chức năng khi đóng cửa bến Lương Yên hoặc luân chuyển các nhà xe đến các bến khác, có sự tính toán luồng tuyến hợp lý, để vừa đảm bảo trật tự giao thông, vừa tránh được sự cạnh tranh không lành mạnh, trong bối cảnh xe nhiều, khách ít như hiện nay”.

Thực tế câu chuyện xung quanh thông tin đóng cửa bến xe Lương Yên cho thấy, tất cả mới chỉ là chủ trương, là “dự lệnh” cho một đề án di chuyển các bến xe trong nội đô ra ngoại thành mà Hà Nội đang hướng đến. Đề án này về lý thuyết là hợp lý, nhưng khi áp dụng thử lại có vẻ chưa “thuận” (bến xe Yên Nghĩa - Hà Đông là một ví dụ điển hình). Thế nên, việc cần thiết lúc này là đơn vị quản lý bến xe Lương Yên cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cơ quan chức năng, tính toán, nghiên cứu việc tổ chức giao thông trong bến và khu vực xung quanh sao cho hợp lý.