"Chưa bao giờ phát hiện, xử lý sai phạm về thực phẩm chức năng nhiều đến thế"

ANTĐ -TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế đã khẳng định như vậy tại hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN)” do Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục ATTP  phối hợp với Báo Lao động tổ chức sáng nay, 29-12.

Cơ quan chức năng của Hà Nội phát hiện hàng chục tấn TPCN giả trong năm 2015

Hiện tại, hơn 60% số sản phẩm TPCN được sản xuất trong nước, hơn 30% còn lại được nhập khẩu. Nhu cầu sử dụng TPCN gia tăng rất nhanh và ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn. Theo khảo sát, số người sử dụng TPCN tại Hà Nội là 63% người trưởng thành, tại TP HCM là khoảng 43% người trưởng thành. Cũng do đây là mặt hàng lợi nhuận cao nên điều tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh TPCN rất đáng lo ngại, TPCN nhái, giả, kém chất lượng còn khá nhiều, thậm chí đã có không ít vụ người tiêu dùng phải nhập viện điều trị vì sử dụng phải TPCN giả.

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, qua thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về TPCN thời gian qua, những vi phạm phổ biến nhất là: sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã được công bố; quảng cáo TPCN sai sự thật, cường điệu hóa, thần thánh hóa công dụng của TPCN; sản xuất TPCN ở nơi không đảm bảo vệ sinh…

Trong năm 2015, chỉ tính riêng Cục ATTP đã phát hiện vi phạm và xử lý 251 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với tổng số tiền phạt lên tới trên 4,5 tỷ đồng. Ngay trong tuần này, Cục đang hoàn thiện hồ sơ xử lý thêm 18 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN có sai phạm. “Chưa năm nào Cục ATTP phát hiện, xử lý số cơ sở sai phạm về ATTP nói chung, TPCN nói riêng nhiều đến vậy” – ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.

TS Nguyễn Thanh Phong nói về sai phạm trong sản xuất, kinh doanh TPCN sáng 29-12

Nói thêm về thực trạng TPCN giả, nhái, kém chất lượng, ông Trần Hùng – Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, tình trạng sản xuất TPCN giả đang khá phổ biến. Chỉ trong 3 tháng gần đây, từ 15-7 đến 15-10-2015, cơ quan chức năng đã thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý 3.823 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN; thu nộp ngân sách nhà nước đến 22,319 tỷ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy 19,803 tỷ đồng; khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng.

Đơn cử như vụ thu giữ 20 tấn TPCN giả, có nhiều thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố tại Hà Nội, hay vụ thu giữ 12 tấn TPCN giả, không rõ nguồn gốc tại Quận 7- TP HCM... Phần lớn các mặt hàng TPCN làm giả, kém chất lượng đều được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Đáng nói, những sản phẩm làm giả này đều được bán ra thị trường với giá cao hơn hàng thật.

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp về dược phẩm cho rằng, thiếu định nghĩa chính xác, thống nhất và quy chế quản lý khác nhau, thiếu sự hòa hợp giữa các quốc gia… chính là những yếu tố góp phần làm cho thị trường TPCN rối loạn, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển như nước ta. Theo một số đánh giá, khoảng 50% sản phẩm TPCN được kiểm tra trên thị trường có vi phạm về chất lượng với những hình thức rất tinh vi.