Chưa an tâm với chất lượng nước đá viên, nước đóng chai

ANTĐ - Vào hè, nhu cầu sử dụng các sản phẩm nước đá viên, đá cây, nước uống đóng chai… tăng mạnh. Theo khảo sát của chúng tôi và kết quả kiểm tra ban đầu của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) của các mặt hàng này năm nay đã được cải thiện nhưng vẫn còn không ít lo ngại.

Công nhân lấy nước đá viên trước cửa một xưởng sản xuất quy mô hộ gia đình

Sản xuất đá tại nhà

Theo chân một nhân viên chuyên giao đá viên mang nhãn hiệu G.P cho quán nước vỉa hè dọc các tuyến đường Minh Khai, Kim Ngưu, Lạc Trung… (quận Hai Bà Trưng), chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất đá sạch có nhãn hiệu nói trên. Đây là cơ sở sản xuất nhỏ quy mô hộ gia đình, nằm sâu trong một hẻm nhỏ ở giữa phố Vĩnh Tuy. Nơi sản xuất ở ngay trong nhà dân và trước cửa không hề có bất cứ biển hiệu hay dòng chữ nào thể hiện là cơ sở sản xuất thực phẩm được cấp phép.

Qua quan sát, xưởng sản xuất là 2 phòng nhỏ rất chật chội, mỗi phòng chưa đến 10m2. Gọi là xưởng song thực chất đây chỉ là phần sân nhỏ trước nhà được chủ nhà tận dụng, không hề được ngăn cách, tách biệt với phòng ở, sinh hoạt bên trong nên vốn đã chật lại càng bừa bộn. Đá thành phẩm được đóng gói vào túi nilon, xếp tạm thành chồng đặt sát tường, cách biệt với nền xưởng ẩm ướt bằng một tấm ván mỏng. Công nhân sản xuất mặc áo phông, quần ngủ, đi dép lê, không hề đeo găng tay và trang bị bảo hộ theo quy định… Được biết, những ngày mùa hè, cơ sở này sản xuất gần như hết công suất, khoảng 2 tấn đá viên mỗi ngày. Cứ 30-40 phút lại có một nhân viên giao hàng về xưởng, hối hả chất những bao đá viên 5kg vừa đóng gói vội vàng (nhiều túi đá chỉ buộc túm phần đầu chứ không hàn kín) lên xe, phủ lên trên một tấm vải dày rồi nhanh chóng mang đến cho khách hàng với giá chỉ 5.000-6.000 đồng/túi.

Khảo sát thêm một cơ sở sản xuất đá viên quy mô hộ gia đình nằm trên địa bàn phường Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), chúng tôi tiếp tục ghi nhận tình trạng sản xuất khá nhếch nhác, không tuân thủ các quy định về VSATTP. Cơ sở này đưa ra thị trường loại đá viên mang nhãn H.V, hoạt động đã vài năm nay nhưng tại đây không hề treo biển hiệu gì. Dù nhà xưởng sản xuất đá đã được ngăn cách riêng biệt với nhà ở nhưng trong xưởng công nhân không hề đeo găng tay và trang thiết bị bảo hộ. Từ máy làm đá, đá thành phẩm đổ xuống chậu nhôm đặt trên nền gạch rồi được công nhân dùng tay trần hứng vào túi nilon để bao gói, đưa ra thị trường.

Nước đá viên là mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ mạnh trong mùa hè

Vẫn còn nhiều lo ngại

Trao đổi với ANTĐ về vấn đề này, ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, từ tháng 6 tới, Chi cục sẽ chỉ đạo giám sát và tăng cường kiểm tra chuyên đề VSATTP với các thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong mùa hè, đặc biệt là mặt hàng nước đá viên, nước uống đóng chai, đồ uống không cồn… Với các cơ sở sản xuất thực phẩm không nằm trong danh mục quản lý của ngành y tế như loại sản phẩm đồ uống không cồn, Chi cục sẽ tiến hành hậu kiểm sau công bố chất lượng.

Một điểm đáng chú ý là so với năm ngoái, số cơ sở đăng ký, được cấp phép về sản xuất nước uống đóng bình trên địa bàn Hà Nội năm nay giảm mạnh đến gần 1/4. Theo thống kê của Chi cục ATVSTP Hà Nội, nếu như năm ngoái toàn thành phố có trên 370 cơ sở thì dù đã bước vào mùa hè nhưng hiện chỉ còn 303 cơ sở hoạt động. Vừa qua, Chi cục ATVSTP Hà Nội bắt đầu tiến hành kiểm tra các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này nhưng có những buổi kiểm tra 10 cơ sở thì chỉ 3 cơ sở hoạt động. Tính đến thời điểm này, qua kiểm tra khoảng 20 cơ sở sản xuất nước đóng bình và nước đá viên, nhìn chung vấn đề đảm bảo ATVSTP đã được thực hiện tốt hơn, song vẫn tồn tại một số sai phạm, hạn chế, nhất là những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Được biết, sai phạm phổ biến nhất vẫn là vấn đề nhãn mác, điều kiện sản xuất chật chội, vệ sinh không tốt, một số cơ sở giấy phép đã hết hạn nhưng chưa xin cấp mới… Qua kiểm tra, Chi cục đã lấy nhiều mẫu nước đóng bình, nước đá viên để kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, kết quả sẽ được công bố trong thời gian tới.