Chu Vĩnh Khang từng lên kế hoạch ám sát Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

ANTĐ -Cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, từng là một trong những nhân vật quyền lực nhất Đảng Cộng sản Trung Quốc, hiện đang bị điều tra về hành vi tham nhũng. Nhân vật này từng lên kế hoạch ám sát Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngày 29-7 Trung Quốc đã quyết định điều tra ông Chu Vĩnh Khang (71 tuổi)- cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, do tình nghi “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” (cụm từ thường được dùng để ám chỉ hành vi tham nhũng). Cuộc điều tra sẽ do Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương tiến hành và quyết định điều tra phù hợp với điều lệ đảng cũng như các quy định chống tham nhũng hiện hành.
Chu Vĩnh Khang là chính khách cao cấp nhất của Trung Quốc bị điều tra kể từ phiên tòa xử bè lũ 4 tên về tội danh chống đảng vào đầu thập niên 1980. Với cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp trước khi về hưu năm 2012, ông Chu từng nắm trong tay toàn bộ các bộ máy cảnh sát, tình báo dân sự, tòa án và viện kiểm sát. Trong thời gian ông Chu tại chức, ngân sách dành cho an ninh quốc nội thậm chí cao hơn cả ngân sách quốc phòng. 
Chu Vĩnh Khang từng lên kế hoạch ám sát Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ảnh 1
Chu Vĩnh Khang

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vốn xác định chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian cầm quyền của mình và đã cam kết xử lý mạnh tay quan chức tham nhũng ở mọi cấp. Bằng cách ra lệnh điều tra ông Chu, ông Tập đã phá vỡ luật bất thành văn là các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ không bị điều tra sau khi về hưu. Do vậy, quyết định điều tra ông Chu chẳng khác nào một cơn địa chấn chính trị ở Trung Quốc.
Quá trình điều tra, chính quyền Trung Quốc đã tịch thu 300 căn hộ và biệt thự, đóng băng tài khoản ngân hàng, tịch thu tiền mặt và nhiều tài sản khác có tổng trị giá ít nhất 14,5 tỉ USD từ hơn 300 người thân, quan chức, thuộc cấp thân cận của ông Chu Vĩnh Khang. 
Theo Reuters, một nguồn tin tiết lộ ông Chu bác bỏ mọi cáo buộc và tuyên bố mình là “nạn nhân của một vụ thanh trừng chính trị”. 
Theo đó, Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang, cũng đã bị chính quyền Trung Quốc bắt để phục vụ điều tra. 
Chu Bân bị tình nghi lợi dụng ảnh hưởng của cha để kiếm lợi thông qua các hợp đồng làm ăn lớn, mua và bán lại đất công, can thiệp vào các dự án dầu khí, hối lộ quan chức, thu tiền bảo kê…

Theo các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người từng là đồng minh thân cận của Chu Vĩnh Khang và hiện đang thụ án tù chung thân vì tội tham nhũng, ông Chu đã biết mình sắp “gặp hạn” khi Bạc Hy Lai bị khai trừ khỏi đảng vào ngày 15-3-2012.
Vào hôm 19-3-2013, có nhiều trang mạng Trung Quốc đưa tin cho biết đã có nổ súng ở trung tâm Bắc Kinh và điều này được cho là có liên quan đến Chu Vĩnh Khang, các nguồn tin của China Times cho hay.
Sự việc được cho là đã xảy ra sau khi tỉ phú Từ Minh, chủ tịch tập đoàn cung cấp vật liệu xây dựng Thực Đức Đại Liên và là doanh nhân hỗ trợ tài chính cho ông Bạc, bị cơ quan điều tra tham nhũng bắt giữ.
Chu Vĩnh Khang khi đó lo sợ rằng Từ sẽ khai ra những việc làm sai trái của Bạc Hy Lai (được cho là đã ngầm ra lệnh cho cảnh sát vũ trang dùng vũ lực giải thoát cho tỉ phú Từ, dẫn đến đụng độ với binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trên đường phố Bắc Kinh).
Do thấy không thể bịt miệng Từ, Chu Vĩnh Khang cùng đường nên chuyển qua lập mưu ám sát ông Tập Cận Bình, người khi đó đang chuẩn bị lên nhậm chức chủ tịch Trung Quốc, tại hội nghị thường niên Bắc Đới Hà vào tháng 8-2012 bằng cách đặt bom hẹn giờ tại một phòng họp, nguồn tin của China Times cho hay.
Kể từ thời Mao Trạch Đông, lãnh đạo Trung Quốc có truyền thống gặp nhau ở khu nghỉ mát Bắc Đới Hà, một quận thuộc tỉnh Hà Bắc, trong mùa hè để bàn chuyện chính trị, theo BBC.
Tuy nhiên, do kế hoạch này không thành, ông Chu chuyển qua âm mưu tiêm thuốc độc Tập Cận Bình nhân dịp ông này đi khám sức khỏe định kỳ tại một bệnh viện quân đội ở Bắc Kinh.
Ông Chu được cho là đã giao phó trách nhiệm tiến hành cả hai kế hoạch ám sát này cho Tân Hồng, trợ lý và là bảo vệ của mình. Các kế hoạch sau đó đều thất bại và Tân Hồng cũng đã bị cảnh sát bắt giữ, theo China Times.
Các nguồn tin còn xác nhận thông tin cho rằng ông Chu và ông Bạc từng cùng âm mưu tiến hành đảo chính để phá quyết định bổ nhiệm ông Tập vào vị trí tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc, cũng như ngăn không cho ông Lý Khắc Cường lên làm thủ tướng.
Trước khi nghỉ hưu vào tháng 11-2012, Chu Vĩnh Khang từng là người đứng đầu Ủy ban Chính pháp, cơ quan quyền lực điều hành lực lượng cảnh sát, tòa án và viện kiểm sát.
Trước đó, ông từng kinh qua các chức vụ như bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và bộ trưởng đất đai và tài nguyên.
Hiện nay, truyền thông Trung Quốc bắt đầu đưa ra hàng loạt thông tin cho rằng, ông Chu đã giết người vợ đầu tiên.
Bà Wang được mô tả là một phụ nữ “giản dị” đã gặp ông Chu khi họ cùng làm việc tại một mỏ dầu ở Nội Mông trong thập niên 1970. Bà Wang qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi vào năm 2000.
Đài Phoenix trụ sở ở Hồng Kông thì cho rằng một chiếc xe mang biển số quân đội đã tông vào xe chở bà Wang sau khi bà phát hiện chồng mình ngoại tình.
Chỉ một năm sau cái chết của bà Wang, ông Chu cưới bà vợ thứ hai là bà Jia Xiaoye, lúc bấy giờ là xướng ngôn viên CCTV.
Tờ China Times, báo mẹ của trang tin Want China Times (Đài Loan), ngày 31-7 cho rằng ông Chu bắt đầu có "bồ nhí" kể từ năm 1999, khi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên.
Các quan chức thuộc cấp thường xuyên dâng tặng phụ nữ cho ông Chu như quà hối lộ, nhờ ông dùng quyền lực để nâng đỡ họ.
China Times dẫn lời các điều tra viên cho rằng ông Chu Vĩnh Khang có đến 6 căn nhà riêng để “vui vẻ” với trên 400 phụ nữ vốn là quà tặng hối lộ của các quan chức khác.
Thế nhưng, một nhà báo điều tra Trung Quốc giấu tên cho rằng hàng loạt những bài báo phơi bày đời tư của ông Chu chỉ là một chiến dịch nhằm bôi nhọ thanh danh trong mắt dư luận.
Hiện vụ án Chu Vĩnh Khang đang được chính quyền Trung Quốc tiếp tục điều tra làm rõ.