Chữ tình là trọng

ANTĐ - Năm lần bảy lượt hẹn gặp, nhưng lúc thì Sơn bận làm án, lúc thì đi công tác tận miền Trung. Mãi tới hôm Công an Thành phố họp mặt 10 gương mặt thanh niên trẻ tiêu biểu năm 2011, tôi mới “tóm” được anh.
Chữ tình là trọng  ảnh 1
Đại úy Nguyễn Hoài Sơn (bên trái) trao đổi công việc cùng đồng đội

Nghề chọn người

Gặp nhau, ban đầu tôi hơi thất vọng. Lính hình sự thì tướng tá phải to cao, hầm hố, thì hội đầu gấu, lưu manh nó mới sợ chứ ai lại cứ trắng trẻo, thư sinh và rụt rè như dân công chức văn phòng. Đại úy Nguyễn Hoài Sơn Đội CSHS - CAP Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội, tủm tỉm cười: “Anh nhầm, em bắt đối tượng nhiều khi chẳng cần dùng sức. Chỉ cần thẽ thọt vài ba câu, thế mà khối “chú” nghe xong cứ lẳng lặng theo em về phường đấy”. Tôi nhầm thật! Cứ nhìn vào bảng thành tích của Sơn, ít ai có thể nghĩ rằng anh đã từng trải qua 3 lĩnh vực công tác khác nhau của lực lượng. Từ PCCC, sang ma túy rồi đóng đinh với nghiệp hình sự suốt 7 năm nay. Mà trong lực lượng công an thì lính ma túy, hình sự được xem như cực nhất bởi tính chất công việc là khá nguy hiểm và cứ đi biền biệt, vợ con chẳng mấy khi được nhờ. Sơn bảo: “Làm cái nghề này, không máu lửa thì “không chịu nổi nhiệt”, em may mắn hơn các đồng đội khác là gia đình có truyền thống 3 đời đều phục vụ trong ngành công an. Ngay cả vợ em cũng thế, vậy nên gia đình rất hiểu và thông cảm cho mình. Với em, có lẽ là nghề chọn người anh ạ”.

Cái sự “máu lửa” của Sơn thì đã được chính chỉ huy của anh - Trung tá Trịnh Quốc Tuấn xác nhận: “Sơn nó bám sát địa bàn chắc không kém gì CSKV. Mọi di biến động của các đối tượng ma túy, hình sự, đặc xá… có thể nhắm mắt đọc vanh vách về nhân thân hay thậm chí cả hoàn cảnh gia đình. Nhờ thế mà Đại úy Sơn đã bắt rất nhiều đối tượng, phá hàng chục vụ từ truy nã đến ma túy, tiêu thụ tiền giả, hay trộm cướp có vũ khí”. Điển hình như nhờ công tác bám sát địa bàn, tháng 8-2010 Sơn bám sát một nhóm đối tượng có biểu hiện lạ hay tụ tập tại nhà nghỉ Phú Hưng trên đường Đê La Thành. Sau khi xác minh rõ, 1h sáng 26-8, anh cùng đồng đội ập vào bắt quả tang băng nhóm này gồm 10 đối tượng đang tàng trữ, sử dụng ma tuý và vũ khí nóng. Đối tượng cầm đầu là Trần Đình Tuấn (SN 1974) trú tại 275 Đê La Thành. Tại hiện trường thu giữ của Tuấn 1 khẩu súng, 4 viên đạn, 2 bình xịt hơi cay, 1 dao và bộ đồ chơi đập đá... Ngoài ra Tuấn còn tàng trữ 40 viên ma tuý tổng hợp, 22 viên nén màu hồng loại thuốc R và 10,672g bột đá. Cũng tại đây, lực lượng công an còn phát hiện và thu giữ của Nguyễn Ngọc Tú (SN 1981) 12 viên thuốc lắc, 5 gói ketamin và một số lượng bột đá.

Tội phạm cũng là người

Đã tấn công tội phạm là phải nhanh, mạnh và đặt yếu tố bất ngờ lên hàng đầu không để chúng kịp trở tay có những phản ứng tiêu cực gây tổn hại đến anh em tham gia đánh án - Đại úy Sơn chia sẻ về kinh nghiệm của mình. Tuy thế, nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng được như vậy,  tùy tình huống mà mình có những xử lý phù hợp. Còn nhớ cách đây vài năm, khi phường Nam Đồng còn vô cùng phức tạp với đủ loại đối tượng nghiệp ngập, lưu manh thường xuyên tụ tập và cư trú. Đáng chú ý nhất là một đối tượng giang hồ thuộc loại có số má tên Thành. Thành “nổi” đến mức người dân ai cũng sợ. Hắn thích cái gì là có thể ngang nhiên bê thẳng về nhà mà không ai dám làm gì. Vốn lăn lộn nhiều, Sơn xuống tận nơi nhẹ nhàng nói chuyện rồi khuyên bảo Thành tu chí làm ăn, từ bỏ thói hư tật xấu. Dần dần rồi thành quen. Thành coi anh như người thân. 

Cho đến một hôm, hắn manh động gây án. Công an ập đến bắt. Thành khóa trái cửa thủ sẵn 2 con “phóng lợn” trong nhà tuyên bố: “Ai vào tao đâm chết, rồi muốn ra sao thì ra”. Nghe tin, Sơn từ Hà Đông chạy vội về. Anh lẳng lặng gạt đám đông, nói nhỏ cho anh em rút ra ngoài rồi tay không đi vào gõ cửa: “Thành à! Anh Sơn đây. Mày mở cửa ra anh bảo!”. Nghe tiếng Sơn, bấy giờ hắn mới chịu mở. Không khí bớt căng khiến “con thú” trong người Thành dịu lại. Sơn bảo: “Mày đi pha ấm trà rồi anh em mình nói chuyện”. Mọi người nín thở. 30 phút trôi qua, người ta thấy cánh cửa lại mở. Sơn đi trước, Thành lẽo đẽo đi sau lên Công an phường. Bà con thở phào. Không ai rõ Sơn nói những gì, chỉ biết lúc anh ngồi ghi lời khai thì Thành lặng lẽ gấp 1 con hạc giấy. Trước khi chuyển lên trại tạm giam, Thành đưa con hạc ấy tặng cho anh. Sơn bảo: “Anh sẽ giữ hộ đến lúc mày về. Cố gắng chuộc lại lỗi lầm, rồi mày lại sẽ có ngày được tự do như cánh hạc này”. Vài năm sau Thành về thật. Cũng chẳng ai ngờ câu chuyện với Sơn khiến Thành nhớ mãi. Dù nhà Thành đã chuyển đi chỗ khác, nhưng Thành vẫn về gặp anh xin lại cánh hạc tự do của đời mình.

Nếu có thể hãy đừng đối xử với người phạm tội như 1 tên tội phạm, hãy cố gắng có một cái nhìn bao dung theo tình cảm của con người với con người. Sơn bảo: “Chẳng giấu gì anh, với nhân dân trong phường, mặt em có khi bà con còn thuộc hơn thổ địa”. Thế nên, cái hạnh phúc nhất của một anh lính hình sự phường là mỗi dịp Tết nhất hay đúng bữa cơm chiều, mình có việc đi ngang cửa là lại nghe những lời mời thân thuộc của bà con nhân dân: “Sơn đấy à? Cơm chưa? Mày vào làm với bố 1 chén!”.