Chủ tịch xã Uy Nỗ nói gì về việc "không đi thi mà vẫn có bài thi"?

ANTĐ - Trước thông tin ông Đặng Bá Sướng - Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ trong quá trình học ĐH không chính quy nhờ người thi hộ, nhiều người dân trong xã tỏ ra khá bất bình.

Học là cần thiết, nhưng phải thực chất

Tiếp xúc với chúng tôi, bà N.T.T (xin được giấu tên) ở đường Cao Lỗ, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh cho biết, từ khi thông tin ông Chủ tịch UBND xã không đi thi nhưng vẫn có bài thi được đăng tải trên mạng, người dân nơi đây không ngớt bàn ra, tán vào. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc làm của ông Sướng là hoàn toàn không nên.

Theo bà T, mặc dù với các lãnh đạo xã, việc đi học thêm để nâng cao trình độ là điều cần thiết và nên khuyến khích, song họ cần sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ các buổi học, các kỳ thi để đảm bảo chất lượng học tập cũng như sự thực chất của tấm bằng.

Còn nếu học tập chỉ mang tính đối phó, cốt để có bằng nhằm mục đích thăng tiến là điều khó có thể chấp nhận được.

Chủ tịch xã Uy Nỗ nói gì về việc "không đi thi mà vẫn có bài thi"? ảnh 1

Trụ sở UBND xã Uy Nỗ - nơi ông Đặng Bá Sướng đang công tác

“Người dân luôn tin tưởng vào lời nói, việc làm của lãnh đạo chính quyền địa phương. Tuy vậy, sau sự việc này tôi nghĩ uy tín của ông chủ tịch đã giảm hẳn. Lãnh đạo mà không trung thực thì nói ai nghe?” - bà T bày tỏ quan điểm.

Cùng là người dân trong xã, nhưng ông Đ.V.S lại tỏ ra khá bình thản trước thông tin này. Ông S cho rằng, việc học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ là chuyện riêng của mỗi cá nhân, miễn là nó không ảnh hưởng đến công việc, nhiệm vụ hàng ngày của họ. Do vậy, khi lãnh đạo địa phương là học viên của trường nào đó, nếu họ vi phạm quy chế về học tập, thi cử, họ sẽ bị xử lý theo quy định của nhà trường.

“Tôi nghe nói ông Sướng đã bị nhà trường cho thôi học, đây sẽ là bài học cho cá nhân ông Sướng và bản thân ông sẽ phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm. Còn về trọng trách, nhiệm vụ tại địa phương, thời gian tới, ông Chủ tịch sẽ phải nỗ lực hơn nữa để khẳng định mình, lấy lại niềm tin trong nhân dân. Theo tôi, không nên chỉ căn cứ vào một sai phạm nhỏ của cá nhân để đánh giá, mà cần xem xét tổng thể chất lượng giải quyết công việc của họ trong cả một quá trình” – ông S chia sẻ.

Không nhờ đi thi hộ, mà...

Để có thông tin nhiều chiều, sáng 29-7 phóng viên Báo ANTĐ  đã trao đổi  với “người trong cuộc” - ông Đặng Bá Sướng, Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ. Dù đang chuẩn bị tham dự một cuộc họp, song khi được hỏi về sự việc trên, ông Sướng khẳng định, việc ông đi học để nâng cao trình độ là do bản thân có nhu cầu. Vừa qua, Viện ĐH Mở (nơi ông theo học) có quyết định cho thôi học đối với ông là hoàn toàn đúng đắn. Tuy vậy, việc thi hộ không phải do ông Sướng nhờ mà người đi thi hộ chủ động làm. 

Về sự việc trên, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Đông Anh thông tin thêm, UBND huyện đã nắm được việc Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ tự đi học để nâng cao trình độ tại Viện ĐH Mở nhưng do có người thi hộ nên đã bị đình chỉ học. Do đó, Chủ tịch UBND huyện đã giao Phòng Nội vụ kiểm tra đối chiếu các quy định, nếu phát hiện có vi phạm thì phải xác định là vi phạm gì, có gây hậu quả nghiêm trọng không... 

Trả lời câu hỏi: “Sự cố liên quan đến thi cử của Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ có ảnh hưởng đến uy tín chung của cán bộ cấp cơ sở?”, ông Nguyễn Văn Hoàng cho rằng: “Với quan điểm cá nhân,  tôi nghĩ sự việc này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo địa phương. Nhưng do đây là vấn đề mới phát sinh, chưa có tiền lệ trên địa bàn nên việc kiểm tra, xử lý thông tin phải thận trọng theo một quy trình chặt chẽ.

Hiện bộ phận tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện đang  rà soát, nghiên cứu các văn bản liên quan để xác định rõ đối với sự việc này, thẩm quyền của cấp huyện đến đâu và mức độ lỗi của cá nhân như thế nào, từ đó đề xuất hướng xử lý phù hợp, đúng quy định… Kết quả xử lý sẽ được thông báo công khai tới người dân và các cơ quan báo chí có nhu cầu quan tâm”.

Buộc thôi học là hình thức kỷ luật cao nhất

Chiều 29-7, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Trương Tiến Tùng, Phó Hiệu trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội cho biết, hình thức buộc thôi học đối với ông Đặng Bá Sướng, Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội là hình thức kỷ luật cao nhất, chưa từng xảy ra với hệ đào tạo không chính quy của trường.

- PV: Quyết định buộc thôi học của Viện ĐH Mở Hà Nội với ông Đặng Bá Sướng có phải là mức xử lý kỷ luật phù hợp với hành vi thi hộ hay không, thưa ông?

- Ông Trương Tiến Tùng: Để đưa ra quyết định này, Hội đồng Kỷ luật của nhà trường đã phải họp nhiều lần và trực tiếp trao đổi với sinh viên Đặng Bá Sướng. Qua trao đổi, sinh viên này đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc thi hộ và hoàn toàn nhất trí với mức kỷ luật nhà trường đưa ra.

- Việc học hộ, thi hộ lâu nay vẫn xảy ra, chỉ có điều là các trường có phát hiện được hay không. Đây có phải là trường hợp đầu tiên nhà trường xử lý kỷ luật hành vi này?

- Thực tế, có nhiều trường hợp vi phạm khác nhau bị nhà trường xử lý kỷ luật nhưng theo từng mức độ. Từ phê bình, khiển trách đến dừng học một năm. Nếu vẫn tiếp tục tái diễn thì mới phải buộc thôi học. Trường hợp phải áp dụng ngay mức kỷ luật cao nhất như thế này là lần đầu tiên.

- Điều này phải chăng phản ánh tình trạng coi thi, đánh giá thường xuyên vẫn chưa thực sự nghiêm túc?

- Phải thừa nhận có sự chủ quan, buông lỏng của cán bộ nhà trường trong việc tổ chức thi lại cho sinh viên. Vì vậy, sau vụ việc này nhà trường sẽ tăng cường khâu thanh tra coi thi không chỉ ở các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp đại học mà cả ở các kỳ thi hết học phần, thi lại của sinh viên để tránh trường hợp đáng tiếc nói trên.

Những cán bộ liên quan đến sự việc này cũng đều nhận mức kỷ luật tương ứng với trách nhiệm của mình. Chúng tôi cũng hy vọng, mức xử lý kỷ luật nghiêm khắc này sẽ là lời cảnh báo tới tất cả sinh viên cũng như cán bộ, giảng viên của trường để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Vinh Hương (Thực hiện)