Chủ tịch TP.HCM lý giải vì sao chi phí giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 cao hơn các dự án khác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận tổ tại Quốc hội, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã lý giải việc vì sao chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường Vành đai 3 TP HCM cao hơn các dự án khác và vì sao phải chọn đầu tư công?
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thảo luận tổ tại Quốc hội sáng 6-6

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thảo luận tổ tại Quốc hội sáng 6-6

Sáng nay, 6-6, Quốc hội thảo luận tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP HCM.

Tại tổ ĐBQH đoàn TP HCM, phát biểu về nội dung này, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM thông tin, thực tế quá trình chuẩn bị hồ sơ quy hoạch dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đã có từ năm 2011, tức cách đây 11 năm.

Ông Mãi nêu, nếu chúng ta triển khai ngay khi có quy hoạch (từ năm 2011) thì chắc chắn chi phí giải phóng mặt bằng sẽ giảm chỉ bằng 1/10 so với bây giờ. Tuy vậy, do nhiều lí do nên chưa thể triển khai.

Sau đó, Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu, chuẩn bị dự án. Đến tháng 7-2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao lại cho TP HCM làm đầu mối để tiếp nhận nghiên cứu trước đó từ Bộ GTVT.

Về sự cần thiết của dự án, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, dự án đường Vành đai 3 nếu sớm hoàn thành sẽ giúp cho TP HCM, các tỉnh trong khu vực dự án, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giải quyết được điểm nghẽn về giao thông, đồng thời mở ra một tuyến giao thông chiến lược; tạo ra một dòng lưu thông thông suốt, thuận tiện, giảm chi phí logistics.

Bên cạnh đó, Vành đai 3 cũng là điểm đầu kết nối nhiều các tuyến cao tốc kết nối Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Vì thế, khi đường Vành đai 3 hoàn thiện sẽ tạo ra hành lang đô thị và công nghiệp cho không chỉ 4 địa phương thực hiện dự án mà tác động lan tỏa cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực mới cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về phương thức đầu tư, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, ban đầu đặt vấn đề nghiên cứu thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu tất cả các phương án có thể có, thì thấy không khả thi.

Cụ thể, nếu đầu tư theo phương thức PPP, đóng góp của ngân sách nhà nước để thực hiện dự án lên tới 82%, vượt quy định của pháp luật. Bên cạnh đó thời gian thu hồi vốn cần 28 năm là quá dài nên không hấp dẫn các nhà đầu tư. Do vậy TP HCM lựa chọn phương thức đầu tư công để trình cấp có thẩm quyền.

Vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Phan Văn Mãi, trước một số ý kiến băn khoăn về việc chi phí giải phóng mặt bằng dự án này cao hơn so với một số dự án khác, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phân tích, nguyên nhân bởi dự án này quy hoạch từ năm 2011.

Khi có quy hoạch thì hành lang đường Vành đai 3 đã đô thị hoá, các điểm công nghiệp cũng rất dày. Hiện nay phần đất cần giải phóng mặt bằng có thể là đất nông nghiệp nhưng nằm xen kẹt trong đô thị ở những vùng đô thị hóa rất cao, mật độ dân cư đông nên chi phí mặt bằng phải cao hơn so với những địa bàn chỉ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp.

Ông Mãi cũng cho rằng, nếu không giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn thiện ngay thì sau này làm 6 làn, 8 làn xe sẽ rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng và tăng chi phí lên rất nhiều.

Cuối cùng, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chia sẻ, do dự án đi qua khu dân cư đông đúc nên việc quan trọng là cần sự đồng thuận của nhân dân. Sau khi được Quốc hội thông qua, TP HCM sẽ cùng các địa phương tổ chức làm những phần việc chi phí đền bù, giải quyết tạm cư trong thời gian chờ tái định cư cho nhân dân, đào tạo nghề tạo sinh kế cho nhân dân trong vùng giải phóng mặt bằng.

Tin cùng chuyên mục