Chủ tịch Quốc hội: Không chấp nhận dự án luật sơ sài hay "tham nhũng chính sách"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đều nhấn mạnh, trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội phải ưu tiên chất lượng, chống lợi ích nhóm...
Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Sáng 3-11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì Hội nghị toàn quốc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TƯ ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phát biểu quán triệt Kết luận số 19-KL/TƯ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Kết luận số 19-KL/TƯ là một chủ trương quan trọng, là cơ sở để Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp trong nhiệm kỳ khóa XV.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, trong quá trình xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, trong giám sát, phản biện quá trình lập pháp và thực thi pháp luật.

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu quán triệt tại hội nghị

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu quán triệt tại hội nghị

Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, cần chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”; không được lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp.

Tại hội nghị, trình bày tham luận của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Kết luận số 19-KL/TƯ xác định 4 nhóm nhiệm vụ.

“Dự kiến kế hoạch, Chính phủ giao trách nhiệm cho 9 bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các dự án, dự thảo theo các quyết định phân công của Thủ tướng Chính phủ về thực thiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.

Về phía các địa phương, thay mặt Thành ủy Hà Nội trình bày tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quản, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Thành ủy Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến chỉ đạo về quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn đối với nhiệm vụ: Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020; lập quy hoạch thành phố, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và chủ trương xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận hội nghị

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chất lượng của các dự án luật cuối cùng phải phản ánh được thực tế của cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Thực tế cuộc sống không được thể hiện trong các văn bản pháp luật thì pháp luật khó đi trở lại vào cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh, trong xây dựng pháp luật, cần phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, không chạy theo số lượng. Đưa dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp luật thì cơ quan soạn thảo phải lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động.

"Chúng ta không thể chấp nhận dự án luật sơ sài, đưa ra để biểu quyết nhưng một thời gian ngắn phải sửa, không đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển đất nước và hội nhập quốc tế" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật.