Chủ quyền phải theo luật

ANTĐ - Tranh chấp chủ quyền biên giới, lãnh thổ xảy ra nhiều trên thế giới song giải quyết các cuộc tranh chấp này cũng như đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ phải theo luật.

Chủ quyền phải theo luật ảnh 1
Tàu chiến Trung Quốc liên tiếp phóng hỏa tiễn trong cuộc tập trận trên biển

“Cần thực hiện chủ quyền lãnh thổ theo đúng luật”. Đó là khẳng định của ông Robert Volterra, Giám đốc Hãng tư vấn luật quốc tế Volterra Fietta, trong phát biểu tại Hội thảo Quốc tế về Biên giới do Văn phòng Thủy văn Anh (UKHO) cùng trường Đại học King's  College và Hãng tư vấn luật quốc tế Volterra Fietta phối hợp tổ chức tại trụ sở Hội Địa lý Hoàng gia Anh (RGS) ở London trong hai ngày 18 và 19-4.

Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang nóng vì nhiều cuộc tranh chấp biên giới và lãnh thổ, hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của giới ngoại giao, học giả, nhà nghiên cứu… Trong 2 ngày, hội thảo tập trung thảo luận các chủ đề như: biên giới và những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ; những diễn biến mới nhất trong quá trình phân định biên giới trên biển; thách thức kỹ thuật trong việc phân định biên giới trên biển; nghiên cứu tình huống ở Biển Đông…

Hội thảo rất quan tâm tới vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển. Lên tiếng tại hội thảo, nhà tư vấn quốc tế người Pháp Loretta Malintoppi cho biết, số vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo mà các tòa án trọng tài quốc tế thụ lý đang có chiều hướng gia tăng. Nhà tư vấn này cũng nêu rõ các vụ giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo thời gian qua cho thấy chứng cứ về quyền sở hữu trong lịch sử đóng vai trò rất quan trọng. 

Đại diện cho một thành viên tổ chức hội thảo, ông Robert Volterra cho biết, tranh chấp biên giới lãnh thổ hiện vẫn rất “nóng” ở nhiều nơi trên thế giới, đe dọa hòa bình và an ninh, ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực phát triển kinh tế. Vì vậy, theo ông Voltera, giải quyết tranh chấp biên giới luôn là đòi hỏi tất yếu của mỗi nước, mỗi khu vực và toàn thể cộng đồng, nhưng cần dựa trên cơ sở hợp tác và đối thoại hòa bình trong bối cảnh thực thi chủ quyền lãnh thổ theo đúng luật pháp.

Những vấn đề đặt ra tại hội thảo được cho là rất hữu ích trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên thế giới, trong đó có cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Nhiều bên đang cùng đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, song có quốc gia như Trung Quốc lại ỷ vào sức mạnh chứ không phải luật pháp để giải quyết tranh chấp.

Đi đôi với đòi hỏi ngày càng tăng về chủ quyền, Trung Quốc đã tập trung phát triển sức mạnh quân sự với chi phí quân sự liên tục gia tăng trong nhiều năm qua, từ 532 tỷ nhân dân tệ năm 2010 lên 601 tỷ năm 2011, 670 tỷ năm 2012 và 720 tỷ năm 2013 (khoảng 115 tỷ USD). Chi phí lớn giúp sức mạnh quân sự của Trung Quốc có bước nhảy vọt cả về lượng và chất để xếp vào hàng ngũ các cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới, mà điển hình là đang thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên.

Song sức mạnh quân sự không phải là giải pháp cho các cuộc tranh chấp. Vì thế, hội thảo tại London cũng như “Biển Đông: Nhân tố trung tâm của hòa bình và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương” diễn ra từ 13 đến 15-3 tại New York (Mỹ) cũng đã đúc rút ra thông điệp là phải áp dụng luật pháp, thể chế quốc tế để giải quyết. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon trong một lần đề cập tới tranh chấp trên Biển Đông cũng khẳng định, điều quan trọng đối với các nước tại khu vực là giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp.