Chủ quan là chủ yếu

ANTĐ - Nhìn nhận về những hạn chế điều hành kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thẳng thắn nhận định: “Những khuyết điểm chủ quan trong quản lý, điều hành ở các cấp, các ngành là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp”. Cụ thể là, thiếu năng động sáng tạo; kỷ cương hành chính trong quản lý, xử lý trách nhiệm về vi phạm ở một số đơn vị chưa nghiêm. Chất lượng cán bộ ở một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu; còn tình trạng cán bộ ngại va chạm, thờ ơ, không quyết liệt trong giải quyết công việc.

Những hạn chế trong phát triển KT-XH của Hà Nội cũng được chỉ ra khá cụ thể. Những chỉ số “tăng trưởng” rất đáng lo ngại như nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng gia tăng cùng với các vụ vỡ nợ tín dụng “đen”; tội phạm sử dụng vũ khí nóng, súng tự tạo, đòi nợ thuê, chống người thi hành công vụ còn diễn biến phức tạp. Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, điều tra sơ bộ ở 769 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho thấy, số lao động mất việc làm trong 6 tháng qua chiếm hơn 15% tổng số lao động làm việc hồi cuối năm 2011.

Trong phiên làm việc kỳ họp thứ 5, HĐND TP, việc quản lý đất nông, lâm trường, trạm, trại, một quỹ đất rất lớn trải qua nhiều nhiệm kỳ vẫn rất lỏng lẻo. Do thiếu quản lý nên nhiều nơi đất công đã bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép. Phó Chủ tịch UBND TP cũng thừa nhận, thực trạng quản lý, sử dụng đất công rất nhức nhối, vi phạm xảy ra ở nhiều nơi. Thậm chí biến cả đất nông, lâm trường thành khu dân cư. Đề nghị TP cân nhắc khi cắt tới 22.000ha đất trồng lúa để phát triển đô thị và khu công nghiệp, một đại biểu chỉ ra hàng loạt khu đô thị, khu công nghiệp lấy đất rồi bỏ hoang, sử dụng rất lãng phí. Từng có những khu đất nông nghiệp màu mỡ cho lúa năng suất cao bị lấy làm khu công nghiệp do lợi ích nhóm.

Nhìn thẳng vào những yếu kém và bất cập trong quản lý đô thị, Hà Nội đề ra mục tiêu là giảm thiểu 27 “điểm đen” ùn tắc giao thông và giảm 40% thời gian ùn tắc tại các điểm còn lại từ nay đến năm 2015 và quyết không để phát sinh những điểm ùn tắc mới. Tổng kinh phí để đạt được mục tiêu giảm ùn tắc lên tới 1.944 tỷ đồng, song dư luận tỏ ra lo ngại về tính khả thi. Hiện nay phương tiện giao thông cá nhân tăng đến chóng mặt tới 13 - 14%/năm, cơ cấu phương tiện mất cân đối nghiêm trọng, trong đó xe máy luôn chiếm ưu thế và áp đảo tới trên 70% số lượt đi hàng ngày; đi lại bằng xe buýt mới chiếm khoảng 10%; ô tô con vào khoản 8%. Trong dòng phương tiện lưu thông cực kỳ hỗn độn này, thì khoản tiền kia liệu có mở ra được “lối thoát” khả dĩ để giảm thiểu ùn tắc? Đánh giá nhu cầu đi lại của Hà Nội, kết quả điều tra Quy hoạch giao thông Thủ đô cho thấy, thu nhập càng cao, số chuyến đi bình quân hàng ngày của người dân càng tăng. Đa số thu nhập của hộ gia đình là 3 - 5 triệu đồng/ tháng và hệ số đi lại trung bình là 3,03 chuyến/ người/ ngày. Trong khi đó, bình quân một gia đình ở thành phố sở hữu 0,06 ô tô con. Ở nông thôn tỷ lệ là 0,04 ô tô con.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Hà Nội cần có ứng phó kịp thời, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô. Ứng phó kịp thời và linh hoạt, quả thực là một “tố chất” rất khó, một đòi hỏi rất cao trong chỉ đạo điều hành một đô thị như Hà Nội. Chủ tịch UBND TP thì thẳng thắn cho rằng, khuyết điểm chủ quan là nguyên nhân chủ yếu.