“Chủ nghĩa dân tộc vaccine” có thể khiến Covid-19 gây khủng hoảng y tế tồi tệ hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Một số minh chứng cụ thể, đó là số ca nhiễm mới Covid-19 ở Hàn Quốc tiếp tục tăng 3 con số, trong khi đó Australia ghi nhận ngày có số ca tử vong cao nhất, còn Pháp phát hiện hơn 3.000 ca mắc mới ngày thứ hai liên tiếp... Trong một diễn biến khác, các quốc gia đều tham gia vào cuộc “chạy đua” nước rút để tìm ra vaccine chống Covid-19 với những tín hiệu tích cực đã được công bố thời gian qua. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, nhiều nước đang đặt lợi ích của mình lên trên những nước khác về vấn đề sở hữu vaccine phòng dịch Covid-19.
Thỏa thuận cung cấp vaccine phòng dịch Covid-19 của các quốc gia trên thế giới trong trường hợp phát triển thành công loại vaccine này cần phù hợp với cách tiếp cận toàn cầu

Thỏa thuận cung cấp vaccine phòng dịch Covid-19 của các quốc gia trên thế giới trong trường hợp phát triển thành công loại vaccine này cần phù hợp với cách tiếp cận toàn cầu

Lợi ích toàn cầu là lợi ích quốc gia của mỗi nước

Nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nhiều quốc gia đang đặt lợi ích của mình lên trên những nước khác và điều này đang khiến cuộc khủng hoảng y tế hiện nay do dịch bệnh Covid-19 gây ra trở nên tồi tệ hơn. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra nhận định trên ngày 18-8 khi đề cập tới hiện tượng mà ông gọi là “chủ nghĩa dân tộc vaccine”.

Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến kêu gọi chấm dứt tình trạng “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: “Hành động một cách chiến lược và trên quy mô toàn cầu thực sự là lợi ích quốc gia của mỗi nước - không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn”. Ông Ghebreyesus cho biết, ông đã gửi thư tới tất cả các nước thành viên của WHO, trong đó đề nghị những nước này tham gia nỗ lực đa phương về phát triển vaccine phòng ngừa Covid-19.

Trong khi đó, cố vấn cấp cao của WHO - ông Bruce Aylward cho biết các thỏa thuận cung cấp vaccine phòng dịch Covid-19 của các quốc gia trên thế giới, trong trường hợp phát triển thành công loại vaccine này cần phù hợp với cách tiếp cận toàn cầu. Khuyến cáo trên của ông Bruce Aylward được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết sẽ đẩy nhanh công tác thử nghiệm, bào chế thuốc và vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong nước mình và chia sẻ các vaccine này với thế giới, theo tinh thần một sáng kiến do WHO khởi xướng được biết đến với tên gọi tắt là ACT (Tiếp cận công cụ xử lý Covid-19).

Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward cũng đồng thời kêu gọi các nước triển khai tiêm phòng bệnh cúm trên diện rộng trong năm nay nhằm ngăn ngừa các biến chứng trong cơ thể bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo khẳng định được đưa ra trước đó của chuyên gia dịch tễ học của WHO - bà Maria Van Kerkhove, tới thời điểm hiện tại, kết quả các nghiên cứu cho thấy chưa đến 10% dân số toàn cầu có dấu hiệu chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2.

Australia cung cấp vaccine miễn phí cho người dân

Tuy nhiên, câu chuyện vaccine phòng chống Covid-19 ở mỗi quốc gia đều có những diễn biến khác nhau. Tại Australia, thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD sẽ đảm bảo là một trong số những quốc gia đầu tiên được sử dụng vaccine của AstraZeneca ngay khi được chứng minh là có hiệu quả ngăn ngừa dịch bệnh. Ngày 18-8, truyền thông địa phương đưa tin, chính quyền Thủ tướng Australia Scott Morrison đã đạt được một thỏa thuận quan trọng với Tập đoàn Dược phẩm AstraZeneca. Theo đó, ngay sau khi vaccine của AstraZeneca vượt qua quá trình thử nghiệm và được cấp phép, Australia sẽ bắt đầu sản xuất loại vaccine này để cung cấp miễn phí cho người dân. Thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD này sẽ đảm bảo Australia là một trong số những quốc gia đầu tiên được sử dụng vaccine của AstraZeneca ngay khi được chứng minh là có hiệu quả ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19.

Sản phẩm do AstraZeneca phối hợp với trường Đại học Oxford (Anh) đang là một trong những loại vaccine tiềm năng đạt được nhiều tiến triển nhất. Trước Australia, Chính phủ Anh cũng đã đạt thỏa thuận đặt mua 100 triệu liều vaccine với AstraZeneca. Theo truyền thông Australia, ngoài thỏa thuận với AstraZeneca, nước này cũng đã ký kết một thỏa thuận trị giá hơn 24 triệu USD với Tập đoàn công nghệ dược phẩm Becton Dickinson của Mỹ về việc mua sắm các loại kim tiêm và thiết bị y tế. Thủ tướng Morrison khẳng định, tất cả người dân sẽ được cung cấp vaccine chống Covid-19 miễn phí, trong đó đối tượng được ưu tiên là những người trên 60 tuổi và người có bệnh lý nền như hen suyễn, bệnh tim, ung thư...

Ông Morrison đánh giá, vaccine của Oxford-AstraZeneca đang là một trong những sản phẩm tiên tiến và có nhiều tiềm năng nhất hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Morrison, hiện vẫn chưa có gì đảm bảo vaccine sẽ có hiệu quả nênAustralia vẫn đang tự tiến hành nghiên cứu, đồng thời tích cực trao đổi với các đối tác nước ngoài để sớm tìm ra vaccine hữu hiệu cho dịch bệnh Covid-19.

Trung Quốc chuẩn bị tung vaccine ra thị trường

Sinopharm cho biết vaccine của hãng này đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và có thể được sử dụng rộng rãi vào cuối năm nay, với giá chưa đến 150 USD cho 2 liều. Cụ thể, ngày 18-8, Chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm Nhà nước Sinopharm của Trung Quốc, ông Lưu Kính Trinh cho biết vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tiềm năng do một đơn vị của tập đoàn này bào chế sẽ có giá không quá 1.000 nhân dân tệ (khoảng 144,27 USD) cho 2 liều sử dụng.

Phát biểu trên báo chí, ông Lưu Kính Trinh nêu rõ: “Giá của vaccine Covid-19 sẽ không quá cao. Dự kiến, mỗi liều sẽ có giá khoảng vài trăm nhân dân tệ và giá cho 2 liều sẽ không quá 1.000 nhân dân tệ”. Tuy nhiên, ông Lưu Kính Trinh không đề cập đến việc liệu chi phí tiêm vaccine phòng Covid-19 có nằm trong chương trình bảo hiểm quốc gia hoặc chương trình tiêm chủng miễn phí toàn quốc hay không. Sinopharm cho biết, vaccine của hãng này đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và có thể được sử dụng rộng rãi vào cuối năm nay. Vaccine này đang bước vào giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên người tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) để xem xét tính hiệu quả trước khi cấp phép lưu hành.

Nam Phi - Philippines - Nhật Bản bước vào giai đoạn mới thử nghiệm vaccine

Có 2.904 người tình nguyện ở Nam Phi trong độ tuổi từ 18-64 đã đăng ký tham gia cuộc thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 NVX-CoV2373 do Công ty công nghệ sinh học của Mỹ Novavax sản xuất. Cụ thể - Nam Phi - quốc gia chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nặng nề nhất châu Phi - đã bắt đầu bước vào giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine phòng

Covid-19 NVX-CoV2373 do Công ty công nghệ sinh học của Mỹ Novavax sản xuất. Trước đó, Nam Phi cũng đã thử nghiệm vaccine Ox1Cov-19 vaccine VIDA do nước này sản xuất với sự hỗ trợ của trường Đại học Oxford và Viện Jenner.

Trong khi đó, Philippines bắt đầu thử nghiệm Avigan - một loại thuốc điều trị cúm của Nhật Bản để đánh giá hiệu quả của loại thuốc này trong điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Thứ trưởng Y tế Philippines cho biết, cuộc thử nghiệm sẽ kéo dài 90 ngày và bước đầu được thực hiện tại 4 bệnh viện ở Thủ đô Manila trước khi được mở rộng trong tương lai. Avigan là tên của loại thuốc chống virus favipiravir do một chi nhánh của Công ty Fujifilm Holdings Corp sản xuất. Loại thuốc này được đánh giá có khả năng điều trị Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Người tham gia thử nghiệm sẽ chia làm 2 nhóm, trong đó nhóm 1 chỉ được điều trị theo phác đồ điều trị hiện có ở các bệnh viện, còn phác đồ điều trị của nhóm 2 sẽ có thêm thuốc Avigan.

Fujifilm Holdings bày tỏ hy vọng các cuộc thử nghiệm tính hiệu quả của Avigan tại Nhật Bản sẽ được hoàn tất trong tháng 9 và sớm được thông qua. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo hồi đầu năm đã bày tỏ hy vọng thuốc Avigan sẽ được thông qua sử dụng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 vào tháng 5, tuy nhiên một báo cáo sơ bộ công bố tại thời điểm đó đã không công nhận tính hiệu quả của loại thuốc này trong điều trị Covid-19.

Hiện nhiều Chính phủ cùng các hãng dược phẩm trên thế giới đang gấp rút chạy đua phát triển vaccine phòng Covid-19. Hơn 200 loại vaccine đang trong giai đoạn phát triển, trong đó hơn 20 loại đang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người. Nhưng nếu những nỗ lực đó chỉ là sự đơn lẻ từ nguồn lực của mỗi quốc gia, thì đại dịch Covid-19 sẽ là bóng ma lẩn khuất tiếp tục đe dọa loài người.

“Nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nhiều quốc gia đang đặt lợi ích của mình lên trên những nước khác và điều này đang khiến cuộc khủng hoảng y tế hiện nay do dịch bệnh Covid-19 gây ra trở nên tồi tệ hơn. Cần chấm dứt tình trạng “chủ nghĩa dân tộc vaccine”. Hành động một cách chiến lược và trên quy mô toàn cầu thực sự là lợi ích quốc gia của mỗi nước - không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Đề nghị các quốc gia tham gia nỗ lực đa phương về phát triển vaccine phòng ngừa Covid-19”.

Tedros Adhanom Ghebreyesus (Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới - WHO)