Chủ món nợ 35 triệu đồng, bỗng trở thành thủ phạm vụ “cướp tài sản“

ANTĐ -Muốn đòi bằng được món nợ 35 triệu đồng, nhưng do không hiểu biết về pháp luật, nên những con người làm ăn chân chính bỗng trở thành thủ phạm của một vụ “cướp tài sản”.

Khoảng 20h ngày 21-10, Công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội, nhận được đơn trình báo của Nguyễn Thanh Biên, SN 1977, trú tại 15 ngõ 158 ngách 26 Minh Khai, Hai bà Trưng, Hà Nội, trình báo về việc, khoảng 19h cùng ngày, Biên bị 5 thanh niên đánh và cướp xe máy Novo, 1 điện thoại di động và 3 thẻ ATM tại quán cà phê 105 G2 Thái Thịnh, phường Trung Liệt, quận Đống Đa.

Sau khi nhận được đơn trình báo, CAP Trung Liệt đã phối hợp với Đội CSHS – CAQ Đống Đa vào cuộc điều tra, truy xét.

Chưa đầy 24h sau đó, cơ quan công an đã làm rõ nhóm đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản của Nguyễn Thanh Biên gồm: Nguyễn Văn Thành, SN 1974, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội; Bùi Tiến Hoàng, SN 1986, trú tại Ba Đình, Hà Nội; Vũ Văn Công, SN 1983, quê ở Thái Bình; Phùng Ngọc Linh, SN 1987, quê Hà Đông, Hà Nội và Bùi Xuân Hậu, SN 1988, trú tại Ba Đình, Hà Nội, đồng thời ra lệnh bắt khẩn cấp đối với nhóm đối tượng trên.

Một số tang vật của vụ án

Câu chuyện đòi nợ không thành cùng cái giá đắt phải trả vì sự thiếu hiểu biết pháp luật của các đối tượng đã khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Công khai nhận, trước đó, Nguyễn Thanh Biên có đến cửa hàng của Công đặt làm biển quảng cho một phòng khám nha khoa cáo với mức phí là 35 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành công trình, Công nhiều lần đòi nợ nhưng Biên không trả số tiền trên. Đến ngày 21-10, Công hẹn Biên đến quán quán cà phê 105 G2, Thái Thịnh, quận Đống Đa để nói chuyện, nhưng cả hai bên không đi đến thống nhất.

Quá tức giận với việc “thờ ơ” món nợ của Biên, nên khoảng 16h30 phút cùng ngày, Công gọi thêm Hoàng, Linh, Hậu và Thành đến quán với mục đích, lấy đông để uy hiếp tinh thần “con nợ”. Tuy nhiên, sau cuộc nói chuyện, Biên vẫn nhất quyết không chịu trả nợ.

Bực quá, Hậu đã tát Biên 3 cái và yêu cầu Biên đưa ví ra để kiểm tra. Do trong ví không có tiền mà chỉ có 3 thẻ ngân hàng ATM, nhóm của Công đã yêu cầu Biên đi cùng ra cây ATM rút tiền, lấy đủ 35 triệu sẽ trả lại ví và thẻ cho Biên, song tiếp tục “trây ì”, Biên đã cố tình đọc sai mật khẩu hai lần. Sợ thẻ của Biên bị khóa hẳn nên nhóm của Công đưa Biên quay lại quán nước.

Nghĩ đến số tiền công sức, mồ hôi của anh em có thể sẽ không đòi lại được, nên Công đã yêu cầu Biên viết giấy vay nợ, để lại giấy tờ, điện thoại cùng chiếc xe máy khi nào Biên trả tiền Công sẽ trả lại số tài sản này rồi để Biên về.

Sau sự việc trên, Nguyễn Thanh Biên ngay lập tức đến cơ quan Công an trình báo việc bị nhóm thanh niên trên cướp tài sản. Đó là một câu chuyện đáng buồn cho những người không hiểu biết pháp luật, vô tình vướng phải vòng lao lý.

Xe máy của Biên

Theo tìm hiểu của PV An ninh Thủ đô , Thành, Công, Linh, Hoàng và Hậu làm nghề quảng cáo, họ đều là những người làm ăn lương thiện. Trong đó Thành, Công và Hoàng đều là Giám đốc của 3 công ty quảng cáo trên địa bàn Hà Nội. Trong đó Bùi Xuân Hậu và Bùi Tiến Hoàng là hai anh em ruột.

Chỉ vì thiếu hiểu biết về những quy định của luật pháp nên những con người làm ăn lương thiện này đã bị bắt với tội danh “cướp tài sản”. Rồi đây, hình phạt của pháp luật sẽ khiến họbỏ lại cả một tương lai, sự nghiệp phía trước; những người vợ, con thơ đau buồn tê tái, chưa không biết trông cậy vào ai.

“Em rủ các anh em đến để lấy số đông uy hiếp Biên trả tiền. Số tài sản của Biên bọn em giữ với mục đích đòi nợ, khi nào Biên trả tiền thì bọn em trả lại chứ không có ý định cướp của Biên. Ân hận và đau lòng quá chị ạ!” – Bùi Xuân Hoàng nghẹn ngào giải thích.

Chia sẻ với phóng viên, một trinh sát Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận Đống Đa cho biết, Thành, Công, Linh, Hoàng và Hậu đều có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, làm ăn đàng hoàng, lương thiện, chỉ vì đòi nợ không đúng cách, kiến thức về luật pháp không có nên mới vi phạm pháp luật.

Gặp 5 thanh niên giờ đây là 5 đối tượng phạm tội trong nhà tạm giữ của CAQ Đống Đa, phóng viên không khỏi chạnh lòng bởi những gương mặt thất thần, buồn rầu nhưng vẫn toát lên vẻ chất phác. Nếu biết sẽ vướng vào vòng lao lý thế này, liệu họ có màng tới số tiền đó?

Nghĩ về khoảng thời gian sắp tới, với sự xử lý của pháp luật, các đối tượng bật khóc nức nở. Trước khi tôi ra về, Công gạt nước mắt nói: “Giá như em hiểu luật thì đâu đến nỗi. Thời còn đi học cũng có được học luật đâu mà biết hả chị! Nếu biết trước như thế này thì em cho luôn Biên 35 triệu đồng đó, mặc dù tiền đó là mồ hôi, công sức của em. Vì 35 triệu đồng mà em đã làm khổ anh em”.

Dù đã gặp không ít trường hợp tương tự, nhưng vụ việc này sẽ khiến không ít người phải suy ngẫm. Ban đầu, họ là bị hại, nhưng sự thiếu hiểu biết pháp luật khiến bản thân và cả người khác vướng vào vòng lao lý.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên kiểu này, vì thế, mỗi chúng ta cần nắm được các quy định của pháp luật để có hành xử cho đúng đắn. Mọi khúc mắc, đều cần được giải quyết theo pháp luật. Người khác sai với mình, mình cần kiến nghị, tố cáo, khởi kiện đến cơ quan pháp luật để giải quyết. Không thể dùng một hành động sai để ứng xử với cái sai, vì như thế, bản thân người bị hại bỗng trở thành phạm tội!