Chu kỳ nới lỏng tiền tệ sắp kết thúc, bao giờ Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Áp lực lạm phát và xu hướng tăng lãi suất toàn thế giới có thể buộc Ngân hàng Nhà nước phải đẩy sớm việc thắt chặt tiền tệ.

NHNN sẽ đẩy nhanh việc nâng lãi suất...

Dù vẫn kiên định giữ lãi suất điều hành ở mức thấp kỷ lục với lãi suất tái cấp vốn hiện tại ở mức 4,0% và lãi suất tái chiết khấu là 2,5%, song thời gian gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những động thái hút bớt tiền về. Cơ quan điều hành đã khởi động lại kênh phát hành tín phiếu từ ngày 21/6 sau 2 năm “án binh bất động”. Lũy kế đến nay, quy mô lượng tín phiếu đang lưu hành đã lên tới gần 130.000 tỷ đồng

Những động thái thay đổi đầu tiên của nhà điều hành cho thấy chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ lần này đã bắt đầu gặp những khó khăn. Trong bối cảnh lạm phát vẫn chịu áp lực lớn, và hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã xoay trục chính sách tiền tệ, nhiều chuyên gia dự báo dư địa để Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng là không còn nhiều.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng HSBC dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức trung bình 3,5%, thấp hơn mức trần 4% mà NHNN đặt ra, áp lực giá sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2022. Dựa vào các dự báo, lạm phát sẽ có thể vượt qua mức 4% kể từ quý 4/2022 đến quý 2/2023, đòi hỏi NHNN cần bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Theo dự báo của HSBC, NHNN có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất 50 điểm cơ bản từ quý 3/2022, và tăng thêm 50 điểm mỗi quý cho đến quý 3/2023. Như vậy, đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành có thể lên đến 6,5%.

Đây là dự báo có tính chất mạnh mẽ nhất đối với xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Việt Nam. Cùng nhận định diễn biến lạm phát sẽ là yếu tố quyết định đến triển vọng nâng lãi suất của NHNN, song các chuyên gia phân tích Chứng khoán VCBS thận trọng hơn khi cho rằng nhà điều hành có thể nâng lãi suất cơ bản từ quý 4/2022 hoặc đầu năm 2023 .

Theo phân tích của VCBS, lạm phát nửa cuối năm sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến chỉ số giá nhóm thực phẩm và nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, tuy nhiên đang có sự xung lực trái chiều từ 2 chỉ số giá này. Trong khi chỉ số giá thực phẩm tiếp tục tăng thì chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng có xu hướng giảm nhẹ.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao cũng đóng góp vào tỷ lệ lạm phát. Với thặng dư NSNN đạt gần xấp xỉ 220 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ sẽ có dư địa để giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu nhằm hạn chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước.

Do đó, theo dự báo của VDSC, từ nay đến cuối năm thì lạm phát cả năm sẽ ở mức 4,5%, cao hơn 50 điểm cơ bản so với trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng.

Hiện tại, NHNN vẫn đang gánh vác việc duy trì lãi suất thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong giai đoạn hậu Covid-19, với áp lực lạm phát và tỷ giá như hiện nay, các chuyên gia cho rằng NHNN sẽ cần thời gian quan sát thêm trước khi có quyết định nâng lãi suất điều hành.

Do đó, VCBS đặt ra 2 kịch bản. Ở kịch bản hiện tại, các nhà phân tích kỳ vọng việc nâng lãi suất điều hành có thể được thực hiện vào đầu năm 2023 với mức tăng 50 điểm cơ bản. Ở kịch bản thận trọng hơn, VDSC cho rằng việc điều chỉnh lãi suất điều hành có thể đến sớm hơn (quý 4/2022), nếu giá dầu tăng mạnh lên mức trên 130 USD/thùng khiến lạm phát tăng nhanh hơn.

Hay tiếp tục giữ lãi suất thấp để hỗ trợ kinh tế?

Trong khi đó, các chuyên gia Chứng khoán VNDirect cho rằng, NHNN sẽ vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.

“Đối với lãi suất điều hành, nếu có đợt tăng nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý 4/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5%” – các chuyên gia VNDirect nhận định.

Lạc quan hơn về triển vọng lạm phát và tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng UOB lại cho rằng dữ liệu CPI mới nhất cho thấy áp lực lạm phát có thể được kiểm soát giá thực phẩm vẫn được kiểm soát ở mức tốt.

Tuy nhiên, rủi ro gia tăng lạm phát là đáng kể do giá năng lượng vẫn đang tiếp tục tăng nhanh và điều này sẽ tác động sang các thành phần còn lại của nền kinh tế.

Đối với tăng trưởng kinh tế UOB cũng điều chỉnh dự báo từ mức 6,5% trước đó lên kịch bản tích cực hơn là 7%.

Và mặc dù nền kinh tế trong nước đang phát triển ngày một mạnh mẽ hơn, UOB cho rằng NHNN có thể tiếp tục giữ ổn định lãi suất chính sách hiện tại để hỗ trợ nỗ lực phục hồi kinh tế, đặc biệt là khi lạm phát vẫn được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu.

“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn hiện tại ở mức 4,0% và lãi suất tái chiết khấu là 2,5% sẽ được duy trì ở mức thấp kỷ lục này cho đến ít nhất là cuối năm 2022. Tuy nhiên, với động thái quyết liệt hơn trong việc thắt chặt tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, chúng tôi dự đoán NHNN sẽ có thể khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ quý 2/2023 hoặc sớm hơn, nếu đà tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì và các rủi ro bên ngoài giảm bớt” – các chuyên gia từ Ngân hàng UOB nhận định.